Màn hình OLED: “Chiến địa mới” của Samsung và LG
Với việc Samsung bắt đầu sản xuất hàng loạt màn hình đi-ốt phát quang hữu cơ (OLED) cho TV, lĩnh vực được thống trị bởi LG. Cuộc chiến giữa hai “gã khổng lồ” Hàn Quốc đang diễn ra quyết liệt…
- Samsung Việt Nam tìm cơ hội kết nối đầu tư tại Thái Bình
- Samsung đạt lợi nhuận tốt nhất trong 3 năm, Samsung Việt Nam đóng góp lớn
Đối thủ cũ, chiến trường mới…
Mới đây, một đơn vị trực thuộc Samsung Display đã tổ chức lễ xuất xưởng màn hình TV đầu tiên ra khỏi khuôn viên Asan ở miền trung Hàn Quốc. Màn hình OLED của Samsung sử dụng một công nghệ khác mà họ cho là “có sự khác biệt” với LG, công ty đang chiếm hơn 80% thị phần trong các tấm nền OLED lớn - kích thước được sử dụng cho TV.
Trên thực tế, LG và Samsung hiện đang thống trị thị trường OLED toàn cầu, trong đó LG tập trung vào các tấm nền lớn hơn và Samsung vào các màn hình nhỏ hơn cho điện thoại thông minh và các thiết bị khác.
Trong đó, Samsung nắm giữ khoảng 14% thị phần tấm nền OLED lớn, mặc dù chủ yếu dành cho máy tính, và đây được coi là bước đột phá chính thức đầu tiên vào màn hình OLED cho TV của Samsung.
Theo công bố của Samsung, màn hình TV của họ có một lớp QD được làm bằng các tinh thể bán dẫn cực nhỏ, làm thay đổi bước sóng của ánh sáng xanh do các hợp chất hữu cơ phát ra để tạo ra màu xanh lá cây và màu đỏ. Công nghệ này được cho là tạo ra màu sắc sống động hơn so với OLED sử dụng bộ lọc màu để thay đổi ánh sáng trắng, chẳng hạn như tấm nền của LG.
Samsung đã làm việc với các công ty chuyên môn và các đối tác khác để giải quyết một số thách thức của màn hình QD, chẳng hạn như kéo dài tuổi thọ của vật liệu phát sáng. Hiện hãng có thể sản xuất 30.000 tấm nền thế hệ 8,5 mỗi tháng, tương đương với 180.000 chiếc TV 55 inch.
Đồng thời họ cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 13,1 nghìn tỷ won (11 tỷ USD) vào nghiên cứu phát triển và sản xuất hàng loạt màn hình QD. Họ có kế hoạch ra mắt TV cao cấp mới sử dụng màn hình QD sớm nhất vào mùa xuân năm 2022.
Trong khi đó, LG cũng đang tăng cường sản xuất các tấm nền OLED nhỏ hơn, lĩnh vực mà Samsung hiện chiếm khoảng 70% thị phần. Họ bắt đầu xuất xưởng toàn bộ tấm nền OLED cho iPhone vào năm 2020 và vào tháng 8 vừa qua, họ đã công bố khoản đầu tư 3,3 nghìn tỷ won (khoảng 2,8 tỷ USD) để mở rộng trung tâm OLED chính của mình ở Paju.
- Toan tính của LG Display
“Ngư ông đắc lợi”…
Nói chung, hiện tại các nhà sản xuất màn hình OLED của Hàn Quốc vẫn đang dẫn đầu thị trường toàn cầu, nhưng sự đời “vật đổi sao rời”, nhất là trong công nghệ, họ đang ngày càng trở nên đáng lo bởi các đối thủ Trung Quốc.
Nếu nói về khả năng “đuổi bắt công nghệ”, Trung Quốc là số hai thì chẳng có ai là số một!
Hai “gã khổng lồ” Hàn Quốc đang lo ngại việc họ có thể đánh mất lợi thế cạnh tranh trong công nghệ OLED, điều đã từng xảy ra với màn hình tinh thể lỏng (LCD), nơi mà các công ty Trung Quốc hiện chiếm gần 60% thị phần toàn cầu.
Gần đây, các nhà sản xuất màn hình Hàn Quốc đã bắt buộc phải rút khỏi thị trường màn hình LCD, do lợi nhuận bị giảm sút bởi các công ty Trung Quốc cung cấp tấm nền với giá thấp hơn. Samsung đã tuyên bố, họ sẽ kết thúc sản xuất màn hình LCD vào giữa năm 2022, trong khi LG cũng công bố kế hoạch ngừng sản xuất tấm nền LCD cho TV tại Hàn Quốc.
Và OLED được coi là màn hình thế hệ tiếp theo, vì tấm nền mỏng hơn, nhẹ hơn và hiển thị chất lượng hình ảnh cải thiện hơn so với tấm nền LCD.
TV màn hình OLED thường có giá cao hơn khoảng gấp đôi so với các mẫu LCD và vẫn là một thị trường tương đối nhỏ. Khoảng 98% trong số 230 triệu TV được xuất xưởng trên toàn thế giới vào năm 2020 được trang bị màn hình LCD. Theo dữ liệu của DSCC, công ty tư vấn chuỗi cung ứng màn hình có trụ sở tại Mỹ cho thấy, chỉ khoảng 10% trong tổng số 34,4 tỷ USD thị trường màn hình OLED vào năm 2020 là dành cho TV.
Nhưng giờ đây, “cuộc chiến màn hình” giữa hai tập đoàn Hàn Quốc có thể làm giảm giá TV OLED xuống một mức khá lớn, trong khi các đối thủ Trung Quốc đang nâng cao trình độ công nghệ của họ trong lĩnh vực này, giống như cái cách mà họ đã làm trong vấn đề màn hình tinh thể lỏng (LCD) trước đó.
Các nhà nghiên cứu thị trường dự báo rằng các công ty Trung Quốc sẽ nhanh chóng mở rộng thị phần của họ đối với màn hình OLED cỡ vừa và nhỏ được tích hợp trong điện thoại thông minh.
BOE, TCL và một số công ty khác đã càn quét thị trường LCD, lấn át cả Hàn Quốc, giống như họ đã từng vượt qua đối thủ Nhật Bản. Các đối thủ cạnh tranh giá rẻ của Trung Quốc này đang biến màn hình thành một mặt hàng hơn là một sản phẩm, với công nghệ cao cấp đến mức mắt người khó có thể nhận ra sự khác biệt về chất lượng.
Theo công ty nghiên cứu thị trường DSCC cho biết, BOE - nhà sản xuất màn hình lớn nhất tại Trung Quốc, đã công bố doanh thu 7,7 tỷ USD và lợi nhuận hoạt động 1,4 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm nay, lần đầu tiên vượt qua doanh số và lợi nhuận của Samsung Display và LG Display.
Trong thời gian tới, thị phần của các nhà sản xuất Trung Quốc trên thị trường tấm nền OLED dành cho điện thoại thông minh có thể sẽ tăng từ 15% trong năm nay lên 27% vào năm sau. Và tất nhiên, thị phần của các tập đoàn Hàn Quốc sẽ còn bị thấp hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Rõ ràng là hai “gã khổng lồ” Hàn Quốc đang lao vào một cuộc chiến “tổn nhân bất lợi kỷ”, trong khi các nhà sản xuất màn hình Trung Quốc lại là “ngư ông đắc lợi”…
Có thể bạn quan tâm
Samsung “sốt ruột”…
04:00, 26/11/2021
Samsung SDS “ồ ạt” tuyển quân: Cơ hội cho nhân sự Việt Nam?
04:00, 01/11/2021
Samsung đạt lợi nhuận tốt nhất trong 3 năm, Samsung Việt Nam đóng góp lớn
04:40, 09/10/2021
“Tham” như Samsung!
04:37, 27/08/2021
Smart Tivi OLED LG 8K 88 inch OLED88ZXPTA
13:26, 12/11/2021
LG Display Việt Nam “rót” thêm 1,4 tỷ USD vào Hải Phòng
11:00, 02/09/2021
Tham vọng lớn của LG ở mảng xe điện
03:33, 17/08/2021