Amazon và tham vọng mở rộng tại Việt Nam
Gần đây, Amazon đang cho thấy những chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng ở Việt Nam, một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Mỹ.
- Khi Amazon ra tay “cà khịa”
Chiến lược tăng trưởng của Amazon
Hiện tại, Việt Nam đang được coi là một trong những cường quốc sản xuất và xuất khẩu, một đặc điểm mà các “gã khổng lồ” thương mại điện tử đang tận dụng để thu hút nhiều doanh nghiệp nhỏ trực tuyến hơn.
Chính vì vậy, Gijae Seong, Giám đốc Bán hàng Toàn cầu của Amazon tại Việt Nam cho rằng, chiến lược tăng trưởng của Amazon trong năm tới bao gồm quảng bá dịch vụ hoàn thiện của mình cho các nhà cung cấp Việt Nam và đào tạo họ, chẳng hạn như các hướng dẫn trên YouTube.
Công ty cũng cho biết mức tăng trưởng ở Việt Nam cao hơn ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines. Hàng xuất khẩu “Made in Vietnam” đã tăng 48% trong năm tính đến ngày 31 tháng 8 cho các công ty vừa và nhỏ của Việt Nam trên Amazon. Các danh mục bán chạy nhất là đồ gia dụng, nhà bếp, quần áo và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân.
Hồi tháng 6 năm nay, Amazon đã đẩy mạnh việc tuyển dụng người bán tại Việt Nam khi “gã khổng lồ” thương mại điện tử Mỹ đang có ý định nhằm vào “sân sau” của Alibaba.
Việc tập trung vào Việt Nam là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Amazon nhằm khai thác các nhà cung cấp ở châu Á, và điều đó đang tỏ ra có hiệu quả, khi công ty cho biết số lượng thương nhân xuất khẩu hàng hóa trị giá ít nhất 1 triệu USD từ Việt Nam đã tăng gấp ba lần vào năm ngoái do khách hàng nước ngoài bị hạn chế.
“Các thương nhân Việt Nam đã làm phong phú thêm lựa chọn sản phẩm toàn cầu của chúng tôi”, Gijae Seong cho biết.
Việt Nam hiện tại đang là nguồn cung cấp quần áo, cà phê và hải sản hàng đầu thế giới cho các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp. Sự gia tăng của thương mại điện tử đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện có thể vận chuyển hàng hóa đến thẳng người tiêu dùng nước ngoài, một xu hướng mà Amazon đang mong muốn tăng tốc.
- HDBank cùng Amazon hợp tác mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt
- Amazon tính "chơi lớn"?
Nhưng, họ sẽ gặp “kẻ ngáng đường” Alibaba
Thực tế là ở Việt Nam hiện tại, cả Amazon và Alibaba đều đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ để tuyển dụng các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các thị trường tương ứng.
Mặc dù Amazon có một lợi thế khi nước Mỹ là khách hàng lớn nhất của Việt Nam. Và họ cũng đang cho thấy những bước tiến mạnh mẽ gần đây khi có sự kết hợp nhiều hơn với Chính phủ trong việc tổ chức các buổi đào tạo cho hàng trăm doanh nghiệp trên khắp đất nước, hướng dẫn các thương gia cách làm mọi thứ từ danh sách các mặt hàng và đăng ký nhãn hiệu đến vận chuyển hàng hóa thông qua Fulfillment by Amazon. Thậm chí, công ty còn được cấp một tên miền phụ trên trang web của cơ quan thương mại điện tử nhà nước.
Tuy nhiên, Alibaba lại là một công ty tiên phong trong việc đưa các thương gia nhỏ vào cửa hàng trực tuyến của mình ở Trung Quốc trước khi mở rộng ra nước ngoài. Họ cũng cung cấp chương trình đào tạo tương tự cho các thương gia Việt Nam với sự hỗ trợ của nhà nước.
Mô hình kinh doanh của Alibaba giống như một chợ điện tử. Trang web bán hàng lớn nhất của họ là Taobao, chuyên cung cấp nền tảng cho người bán và người mua trao đổi hàng hóa, tượng tự như eBay. Trang web này không lấy hoa hồng từ người bán nhưng muốn xếp hạng ở vị trí cao hơn trên website, người bán phải trả một khoản phí nhất định.
Bên cạnh đó, họ cũng sở hữu Tmall, nơi những người bán buôn trên toàn thế giới có thể giao thương, mua hàng từ các đại lý Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng là thị trường bán lẻ lớn của công ty Trung Quốc, công ty sở hữu Lazada, một nền tảng thương mại điện tử mạnh mẽ chỉ sau Shopee của SEA. Đó là một lợi thế rất lớn của Alibaba trong việc mở rộng và phát triển ở Việt Nam.
Khác biệt với Amazon, mặc dù họ luôn chào đón các thương nhân Việt Nam hoạt động trên nền tảng của Amazon và xuất khẩu sản phẩm của họ ra thế giới. Nhưng lại không có trang web địa phương dành riêng cho người tiêu dùng Việt Nam.
Mãi đến tháng 3 vừa qua, Amazon Global Selling, một doanh nghiệp được thành lập để tuyển dụng thêm các thương gia Việt Nam trên Amazon, mới bắt đầu thành lập văn phòng tại Hà Nội để đào tạo các thương gia mới bằng tiếng Việt, sau đó bổ sung thêm chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, công ty công nghệ có trụ sở tại Seattle đã tham gia thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á với sự ra mắt của amazon.sg vào năm 2019, nhưng rất tiếc là họ “không có lộ trình rõ ràng” về thời điểm sẽ mở rộng ra ngoài Singapore.
Chưa biết là việc Amazon đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng tại Việt Nam sẽ ra sao và họ sẽ “chọc sườn” Alibaba kiểu gì, nhưng trước hết người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi. Có thể một ngày không xa, Việt Nam sẽ có những bưu phẩm được giao bằng máy bay không người lái và người tiêu dùng sẽ nhận được sản phẩm chỉ vài giờ thông qua tùy chọn hậu cần Fulfillment by Amazon.
Có thể bạn quan tâm
Amazon tính "chơi lớn"?
04:08, 15/10/2021
HDBank cùng Amazon hợp tác mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt
04:30, 27/11/2021
Amazon quyết định đầu tư 2 tỷ USD vào startup công nghệ khí hậu
03:23, 30/10/2021
Amazon muốn “ngó” vào… tủ lạnh từng nhà
05:08, 10/10/2021
Bên trong cuộc chiến pháp lý giữa các công ty Trung Quốc và Amazon
05:00, 04/10/2021