Sự cẩn trọng của các công ty Trung Quốc

NGUYỄN CHUẨN 15/04/2022 04:02

Một số các công ty đa quốc gia của Trung Quốc đang rất cẩn trọng trong việc quan hệ với Nga vì lo ngại các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

>>>Các công ty Trung Quốc chiếm ưu thế như thế nào trên toàn cầu?

“Cẩn tắc vô ưu”

Mới đây nhất, nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi hàng đầu của Trung Quốc CNOOC đang chuẩn bị rút khỏi hoạt động của mình ở Anh, Canada và Mỹ, vì lo ngại có thể trở thành đối tượng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, theo lời hãng thông tấn Reuters dẫn các nguồn tin trong ngành cho biết.

Một cơ sở sản xuất dầu khí của CNOOC ở Canada.

Một cơ sở sản xuất dầu khí của CNOOC ở Canada.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây từ lâu đã trở nên căng thẳng bởi các vấn đề từ thương mại cho đến nhân quyền, và căng thẳng ngày càng gia tăng sau cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine gần đây.

Tuần trước, Mỹ đã lên tiếng “dọa” Trung Quốc khi nói rằng, nước này “có thể phải đối mặt với hậu quả” nếu giúp Nga né tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây, bao gồm các biện pháp tài chính hạn chế Nga tiếp cận ngoại tệ và làm cho quá trình thanh toán quốc tế trở nên phức tạp.

Tất nhiên, sự đe dọa của Mỹ và các đồng minh phương Tây không hẳn chỉ là những lời nói suông. Và có vẻ như các công ty của Trung Quốc cũng đang phải dè chừng.

Theo Reuters, CNOOC đã có những động thái cho thấy việc sẽ thực hiện “định kỳ đánh giá danh mục đầu tư” ngay lập tức. CNOOC là một tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, tập đoàn này đã thâm nhập vào ba quốc gia trên thông qua thương vụ mua lại Nexen của Canada trị giá 15 tỷ USD gần một thập kỷ trước, một thương vụ đã biến nhà vô địch Trung Quốc thành công ty hàng đầu thế giới về sản xuất dầu mỏ.

Theo tính toán của Reuters, các tài sản của CNOOC, bao gồm cổ phần tại các mỏ lớn ở Biển Bắc, Vịnh Mexico và các dự án cát dầu lớn của Canada, sản xuất khoảng 220.000 thùng dầu tương đương mỗi ngày.

Tháng trước, CNOOC đã thuê Bank of America để chuẩn bị cho việc bán các tài sản ở Biển Bắc của mình, bao gồm cổ phần tại một trong những mỏ lớn nhất của lưu vực. Ngoài ra, họ cũng đang tìm cách bán tài sản "biên và khó quản lý" ở Anh, Canada và Mỹ.

Các nguồn tin cho biết, khi tìm cách rời khỏi phương Tây, CNOOC đang tìm cách mua lại các tài sản mới ở châu Mỹ Latinh và châu Phi, đồng thời cũng muốn ưu tiên phát triển các công ty lớn, triển vọng mới ở Brazil, Guyana và Uganda.

>>>Các công ty Trung Quốc “lặng lẽ” thu gom dầu rẻ của Nga

>>>Vì sao các “gã khổng lồ” công nghệ sẵn sàng từ bỏ Nga?

Mỹ có trừng phạt các công ty Trung Quốc?

Một số các câu hỏi đang được đặt ra về việc Mỹ có thể trừng phạt các công ty của Trung Quốc trong việc bán hàng hóa cho Nga dựa trên công nghệ của Mỹ hoặc đang có những quan hệ làm ăn với Nga hay không?

Mỹ sẽ trừng phạt các công ty Trung Quốc vì mối quan hệ với Nga?

Mỹ sẽ trừng phạt các công ty Trung Quốc vì mối quan hệ với Nga?

Theo các nhà quan sát nhận định, hầu hết các công ty Trung Quốc đã cố gắng hành động để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt, với các biện pháp bao gồm điều chỉnh các chương trình tuân thủ nội bộ, thay đổi nhà cung cấp hoặc chấm dứt hợp đồng. 

Nhìn chung, các quan chức Mỹ cho biết có rất ít bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang lách các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong bối cảnh những cảnh báo gần như hàng ngày từ Nhà Trắng và các quan chức ở châu Âu. 

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Jake Sullivan đã cảnh báo rằng, Trung Quốc và các quốc gia khác nên cẩn trọng về “những nỗ lực có hệ thống nhằm làm suy yếu hoặc phá vỡ các lệnh trừng phạt mà chúng tôi đã áp dụng”.

Mặc dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đã cho rằng, các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc là “không cần thiết hoặc thích hợp vào thời điểm này”. 

Tuy nhiên, những đồn đoán về các lệnh trừng phạt của Mỹ đã góp phần khiến chứng khoán Trung Quốc lao dốc hồi đầu tháng 3, và cũng khiến cho Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tuyên bố rằng Trung Quốc “không phải là một bên của cuộc khủng hoảng và cũng không muốn các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến Trung Quốc”. 

Trên thực tế, các công ty Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng tuân thủ các lệnh trừng phạt của mà Mỹ đã làm với Nga, để tránh mất quyền tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu. Nhiều công ty đa quốc gia của Trung Quốc đã rất cảnh giác với việc bị Mỹ trừng phạt, giống như cách mà nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE bị phạt 1,4 tỷ USD vào năm 2017 vì đã bán công nghệ của Mỹ cho Iran.

Có một sự thật là, Bắc Kinh đang phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ và châu Âu với tư cách là thị trường tiêu thụ hàng hóa của mình. Trong khi, Nga dù cũng được coi là đối tác lớn nhưng mức độ “cần” lại không thể bằng Mỹ và châu Âu.

Bắc Kinh có lẽ luôn biết cách lựa chọn…

Có thể bạn quan tâm

  • Tháo chạy từ trái phiếu, nguy cơ vốn ngoại chảy ròng khỏi Trung Quốc

    Tháo chạy từ trái phiếu, nguy cơ vốn ngoại chảy ròng khỏi Trung Quốc

    05:00, 14/04/2022

  • Putin đưa kinh tế Nga vào vòng tay Trung Quốc!

    Putin đưa kinh tế Nga vào vòng tay Trung Quốc!

    05:18, 13/04/2022

  • NATO ứng phó thế nào với Trung Quốc?

    NATO ứng phó thế nào với Trung Quốc?

    04:22, 13/04/2022

  • Các công ty Trung Quốc chiếm ưu thế như thế nào trên toàn cầu?

    Các công ty Trung Quốc chiếm ưu thế như thế nào trên toàn cầu?

    04:00, 13/04/2022

  • Mỹ “đe dọa” trừng phạt Trung Quốc thông qua dự trữ ngoại hối

    Mỹ “đe dọa” trừng phạt Trung Quốc thông qua dự trữ ngoại hối

    05:00, 10/04/2022

  • Vì sao NATO nhắm đến Trung Quốc?

    Vì sao NATO nhắm đến Trung Quốc?

    11:05, 08/04/2022

NGUYỄN CHUẨN