Thực hư chuyện Apple chuyển dây chuyền sản xuất iPad sang Việt Nam?
Theo giới truyền thông đưa tin, chính sách zero-Covid và các vụ phong tỏa ở Trung Quốc là lý do chính khiến Apple phải thực hiện các biện pháp mới để đáp ứng nhu cầu tiềm năng.
>>>Apple liệu có mở rộng tại Việt Nam?
Không “bỏ cả trứng vào một giỏ”
Theo Nikkei Asia, trong bối cảnh nguồn cung liên quan đến việc phong tỏa COVID bị gián đoạn, Apple đang chuyển một số hoạt động sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam. Công ty cũng đang thực hiện các biện pháp khác với các nhà cung cấp của mình để làm dịu bớt các vấn đề về nguồn cung ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây không phải là nỗ lực đầu tiên của Apple nhằm chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc được coi là một trong những trọng điểm sản xuất của Apple. Nhưng, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung những năm qua, một số iPhone đã được chuyển sang sản xuất tại Ấn Độ, một số ít máy Mac được lắp ráp tại Hoa Kỳ và Việt Nam đã là một nhân tố chính trong sản xuất AirPods.
Apple đã tìm cách chuyển sản xuất nhiều hơn sang Việt Nam vào năm 2020 và 2021, nhưng họ đã phải hoãn một số kế hoạch của mình vì COVID-19 tăng đột biến vào năm ngoái. Foxconn, nhà cũng cấp chính của Apple đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy tính bảng (Ipad) và máy tính xách tay (MacBook) từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của chính Apple vào cuối năm 2020.
Thời điểm đó, theo giới phân tích nhận định, việc Foxconn chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam, ngoài việc xem xét yếu tố chi phí còn cân nhắc về “an ninh chuỗi cung ứng”. Đơn giản là Apple muốn chuỗi cung ứng tương đối phân tán sẽ an toàn hơn. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến họ nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia.
Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là Apple muốn chuyển mọi thứ sang Việt Nam. Theo họ, bằng cách đa dạng hóa trên nhiều khu vực, ban lãnh đạo của Apple có thể hy vọng sẽ ngăn chặn được những gián đoạn nghiêm trọng nhất.
Giờ đây, công ty cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào các khu vực cụ thể ở Trung Quốc nên sự gián đoạn ở đó có thể ảnh hưởng đến khả năng xuất xưởng iPhone và iPad mới hàng năm. Có vẻ như các dòng sản phẩm mùa thu này sẽ bị ảnh hưởng.
Để chuẩn bị, Apple đã thông báo với các nhà cung cấp của mình để bắt đầu dự trữ các thành phần cụ thể "chẳng hạn như bảng mạch in, các bộ phận cơ khí và điện tử”. Những kho dự trữ này có thể được dựa vào nếu tình trạng ngừng hoạt động và gián đoạn tiếp tục xảy ra tại các địa điểm gần Thượng Hải, nơi mà Apple đã từng dựa vào để đáp ứng nhu cầu cho các sản phẩm của mình.
>>>Apple: “Sự trở lại của nhà vua”!
>>>Apple đạt vốn hóa thị trường 3 nghìn tỷ USD
Nhưng, còn điều gì nữa?
Apple là một trong những công ty giá trị nhất của Mỹ với giá trị vốn hóa thị trường hiện tại là trên 3.000 tỷ USD. Một trong những thành công của họ là “cách mạng hóa công nghệ cá nhân”. Hàng triệu khách hàng trên khắp thế giới sẵn sàng trả nhiều tiền nhất chỉ để sở hữu các sản phẩm của Apple.
Tuy nhiên, để đạt được quy mô hiện tại, Apple không chỉ phụ thuộc vào năng lực sản xuất của chính mình. Họ có hơn 200 nhà cung cấp linh kiện cho hệ sinh thái sản phẩm. Các mối quan hệ đã khiến “gã khổng lồ” công nghệ trở thành nhà quản lý của một trong những chuỗi cung ứng hiệu quả nhất thế giới.
Nhưng, để trở thành một nhà cung cấp của Apple là điều không phải ai cũng làm được, công ty của Mỹ là một trong những đối tác cực kỳ khó tính, họ có thể áp đặt các điều khoản vô cùng khắt khe đối với các nhà cung cấp. Tuy nhiên, vẫn có hàng trăm nhà cung cấp sẵn sàng tuân thủ các điều khoản “trên giời” của Apple.
Chính vì vậy, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu mà điểm đặc biệt quan trọng ở các kho dự trữ phía Trung Quốc, đã khiến một số nhà cung cấp lo lắng, bởi vì nếu xu hướng giảm nhu cầu tiêu dùng đối với đồ điện tử tiếp tục, các nhà cung cấp có thể bị bỏ lại. Trong khi Apple được cho là đã hỗ trợ chi phí vận chuyển nguồn cung cấp đi khắp nơi.
Thêm vào đó, Apple mới vừa đưa ra báo cáo thu nhập quý 2 năm 2022 cho các nhà đầu tư. Trong đó IPad là danh mục sản phẩm chính duy nhất của Apple có doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Giám đốc điều hành Tim Cook đã gợi ý trong một cuộc gọi với các nhà đầu tư rằng các vấn đề liên quan đến nguồn cung là một yếu tố.
Có lẽ, còn một lý do khá quan trọng khi mà gần đây CEO Tim Cook của Apple đã có cuộc trò chuyện thân mật với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm của ông tại trụ sở Apple Park ở Cupertino, California.
Ở đó, đã có một “lời mời và sự hứa hẹn” đáng kể giữa người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo của Apple. Thủ tướng trao đổi với Tim Cook rằng, Việt Nam luôn quan tâm đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh của Apple tại đây. Ông cũng chỉ ra cách Việt Nam có thể trở thành thị trường kiểu mẫu cho Apple trong khu vực. Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rằng, Việt Nam cũng có thể giúp đỡ gã khổng lồ công nghệ này phát triển hơn nữa lượng khách hàng của mình tại khu vực châu Á.
Tất cả các yếu tố có lẽ đã đem đến một quyết định nhanh chóng của Apple khi chuyển một phần hoạt động sản xuất iPad sang Việt Nam. Hy vọng trong thời gian không xa, chúng ta có thể được sở hữu một chiếc iPad được lắp ráp một cách hoàn chỉnh tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Apple liệu có mở rộng tại Việt Nam?
05:00, 20/05/2022
Nhà đồng sáng lập Apple từ bỏ 75 tỷ đô như thế nào?
03:30, 28/04/2022
Apple đang thử nghiệm chip M2 cho máy Mac
03:41, 17/04/2022
Liệu Apple có cho thuê… iPhone?
04:01, 30/03/2022
Apple: “Sự trở lại của nhà vua”!
04:15, 30/01/2022
Apple đạt vốn hóa thị trường 3 nghìn tỷ USD
12:00, 04/01/2022
Chiến thắng "tử thần" (Kỳ 2): Có một Apple "chết hụt"...
05:10, 21/11/2021