Hà Nội sẽ sớm có phương án thay thế 5 tuyến buýt dừng “cuộc chơi”
TP Hà Nội sẽ có phương án tìm một doanh nghiệp khác thay thế Công ty Bắc Hà để đảm nhận 5 tuyến buýt trợ giá mà đơn vị này xin dừng chạy.
>>Hỗ trợ xe bus cần công bằng
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chính thức nhận được văn bản của công ty TNHH Bắc Hà về việc cho phép dừng vận hành 5 tuyến xe buýt mang số hiệu: 41, 42, 43, 44 và 45 do hết khả năng tài chính, cạn kiệt dòng tiền chi trả.
Công ty TNHH Bắc Hà là công ty tư nhân đầu tiên tham gia vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội. Những tuyến buýt trên nằm trong mạng lưới vận tải hành khách công cộng của thành phố Hà Nội, được trợ giá và đã vận hành từ năm 2005 đến nay.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) khẳng định: Sở Giao thông Vận tải sẽ họp bàn với các sở, ngành liên quan, báo cáo UBND thành phố Hà Nội để có phương án xử lý sớm nhất. Phương án xử lý tối ưu nhất là thành phố Hà Nội sẽ tìm một doanh nghiệp khác đảm nhận 5 tuyến buýt trợ giá trên. Việc xử lý được thực hiện nhanh nhất để đảm bảo trước ngày 15/8 - thời điểm công ty TNHH Bắc Hà xin dừng hoàn toàn 5 tuyến buýt trợ giá - có phương án thay thế kịp thời. Hiện, Hà Nội đang có hơn 10 doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách công cộng với hơn 100 tuyến buýt trợ giá.
Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cũng chia sẻ với những khó khăn mà các đơn vị vận tải phải gánh chịu sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, lượng hành khách đi xe buýt sụt giảm. Thời gian gần đây, lại thêm giá nhiên liệu liên tục tăng cao.
Trao đổi về việc phải dừng hoạt động của 5 tuyến buýt được trợ giá, đại diện công ty TNHH Bắc Hà thông tin: do tình hình sức khỏe của doanh nghiệp không đủ thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này chỉ hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, vận hành 5 tuyến buýt trợ giá tại Hà Nội, không có hoạt động vận tải nào khác.
“Dừng hoạt động, đối với chúng tôi là một quyết định khó khăn nhưng bất khả kháng. Quyết định này để lại thiệt hại rất nặng nề về vật chất, tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu doanh nghiệp và quyền lợi của hàng trăm người lao động bị mất việc làm” - đại diện công ty chia sẻ và mong các sở ngành liên quan, hành khách đang sử dụng dịch vụ cảm thông.
Sau khi 5 tuyến buýt trợ giá dừng hoạt động, có khoảng 200 người lao động bị mất việc, công ty TNHH Bắc Hà cam kết sẽ có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các thủ tục thanh lý hợp đồng, chốt số bảo hiểm, hoàn thành đóng các khoản tiền bảohiểm theo quy định để đảm bảo quyền lợi người lao động cũng như cân đối tài chính để chi trả tiền lương, tiền công sớm nhất.
Theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ tại 5 tuyến buýt trợ giá có thâm niên, tay nghề nên không khó khăn xin việc mới bởi hiện nay doanh nghiệp buýt trên địa bàn Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm cũng khẳng định: hiện đã hết quý 2/2022, theo chu kỳ thanh toán thì Sở Giao thông Vận tải đã thanh toán cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng kinh phí của quý 1/2022 và tạm ứng của quý 2/2022, khi nào hoàn tất hồ sơ, thủ tục thì sẽ thanh toán phần còn lại của quý 2/2022.
>>Xe buýt điện VinBus chính thức tham gia mạng lưới vận tải công cộng Hà Nội
Phát triển vận tải hành khách công cộng, trong đó chủ đạo là xe buýt để từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường là chủ trương lớn đã và đang được thành phố Hà Nội đẩy mạnh thực hiện. Vì vậy, việc công ty TNHH Bắc Hà - đơn vị tiên phong tham gia vận tải hành khách công cộng theo hình thức xã hội hoá - xin phép dừng vận hành 5 tuyến xe buýt khiến nhiều chuyên gia trong ngành xem như chưa từng có tiền lệ. Đặc biệt, 5 tuyến buýt này được công ty TNHH Bắc Hà tham gia đấu thầu vào năm 2019. Theo lộ trình 5 năm, doanh nghiệp còn 2 năm vận hành nữa mới đến kỳ đấu thầu mới.
Tuy nhiên, trong 3 năm thực hiện đấu thầu, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã để lại nhiều khó khăn cho vận tải hành khách công cộng. Trong khi đó, cơ chế hoạt động, định mức, chỉ tiêu sản lượng của xe buýt chưa điều chỉnh kịp thời là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp xe buýt “hụt hơi”, không mặn mà tiếp tục tham gia “cuộc chơi”.
Vì vậy, theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Nguyễn Trọng Thông, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ xem xét các nguyên nhân cụ thể, từ đó có giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo vận tải hành khách bằng xe buýt phát triển bền vững.
Mới đây nhất, Hiệp hội tiếp tục có văn bản kiến nghị Sở Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội xem xét điều chỉnh kế hoạch sản lượng, doanh thu để tháo giữ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng tần suất trên các tuyến vận tải hành khách công cộng tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Đề xuất tiếp tục miễn phí tuyến xe buýt đi sân bay Vân Đồn để kích cầu du lịch
02:00, 11/06/2022
Nối lại tuyến xe buýt Quảng Nam - Đà Nẵng
19:33, 22/02/2022
Xe buýt điện VinBus chính thức tham gia mạng lưới vận tải công cộng Hà Nội
12:26, 02/12/2021
NÓNG: Hà Nội cho phép xe buýt, taxi hoạt động trở lại, quán ăn được phục vụ tại chỗ
17:04, 13/10/2021
Xe buýt Hải Dương lao đao
16:10, 01/10/2021
Xem xét, kiến nghị phương án tiếp tục giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp vận tải
15:04, 28/06/2022
“Tiếp sức” cho vận tải
00:13, 26/06/2022