Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống sẽ đưa Yeah1 quay lại "cuộc đua" như thế nào?
“Yeah1 sau 14 năm vẫn giữ được tinh thần start-up. Nếu một ngày chúng tôi mất đi tính cách này thì sẽ không còn là Yeah1 nữa".
Đó là chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG) tổ chức mới đây và khẳng định "Trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Yeah1 sẽ luôn tìm hướng đi để tạo đột phá.”
Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp
Nhìn lại hành trình phát triển, Yeah1 đi lên từ một công ty startup. "Mặc dù đã trải qua 14 năm nhưng tinh thần startup của Yeah1 vẫn là tinh thần sống còn. Có thể nói, nếu Yeah1 mất đi tính chất đó thì không còn là Yeah1 mà trở thành công ty bình thường.
Mỗi ngày làm việc đều là một cuộc chiến. Chúng tôi lao vào các hoạt động kinh doanh, khám phá những chương trình mới với tinh thần như những người lính và làm việc hết sức mình.
Cho nên trong bất kì hoàn cảnh nào, khó khăn ra sao, Yeah1 luôn tìm tòi cơ hội để phát triển đột phá. Đó là bản chất đặc trưng của Yeah1", ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống khẳng định.
Lãnh đạo Yeah1 cũng cho rằng, Yeah1 là một công ty khá đặc biệt, có những lúc cực kì thành công nhưng cũng có lúc lắm khó khăn. Và đó là cuộc chơi.
Phần lớn các nhà đầu tư đều kì vọng về một công ty phát triển bền vững đi lên và đây cũng là niềm mong ước của Yeah1. Điều này năm 2019 Yeah1 chưa đạt được khi có sự cố với Youtube.
"Năm 2019 cũng có điểm rơi ảnh hưởng đến cổ đông. Thay mặt HĐQT, ban lãnh đạo công ty, tôi xin nhận về sự thiếu sót này. Yeah1 chỉ giữ được cho mình ở hiện tại và tương lai. Yeah1 sẽ trở lại cuộc đua bằng tâm thế mới, tốc độ mới", Chủ tịch Yeah1 kết luận.
Cơ hội nào cho Mega1 ?
Sau khi thất bại với chiến lược sử dụng ScaleLab LLC để khai thác thị trường quảng cáo quốc tế, Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán YEG) đang quay lại thị trường nội địa với con át chủ bài là ứng dụng thương mại điện tử Mega1.
Mega1 vừa được phát hành vào giữa tháng 5 này và hiện đã có 1 triệu lượt tải về. “Mega1 sẽ không đi theo hướng đốt tiền như các công ty thương mại điện tử lớn trên thị trường, vì chúng tôi là công ty đã niêm yết, yếu tố lợi nhuận phải đặt lên hàng đầu”, ông Tống nhấn mạnh.
Theo đó, các sản phẩm mua kinh doanh trên đây chủ yếu là voucher ngành dịch vụ, máy bay, khách sạn…, nên Mega1 sẽ không tốn chi phí để lưu trữ hàng hóa, kho bãi hay đội ngũ vận chuyển.
Tính năng chủ yếu đang được ứng dụng này đẩy mạnh là game trúng thưởng. Ví dụ, trong chương trình khuyến mãi 2 triệu giải thưởng trị giá 69 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hiệp Pháp, sau khi mua một sản phẩm bất kỳ của doanh nghiệp này, khách hàng sẽ lấy mã số tham gia được in phía trong bao bì và nhập mã này vào ứng dụng để chơi game trúng thưởng.
Yeah1 tận dụng tất cả các nền tảng mình đang sở hữu, với khoảng 60 triệu lượt xem/tháng để quảng cáo cho chương trình này và thu hút người sử dụng tải ứng dụng Mega1. Chi phí quảng cáo thu hút người dùng là chi phí lớn nhất đối với bất kỳ ứng dụng di động nào mới gia nhập thị trường, song Yeah1 tiết kiệm được nhờ lợi thế “nhà trồng được”.
Theo ông Tống, với một chương trình khuyến mãi trị giá 7 tỷ đồng, thì doanh nghiệp phải tốn đến 14 tỷ đồng, vì phải thêm chi phí quảng bá chương trình. Khi hợp tác với Yeah1, doanh nghiệp vẫn chi 14 tỷ đồng, nhưng có 10 tỷ đồng dành cho chương trình khuyến mãi và 4 tỷ đồng còn lại được Yeah1 quảng cáo.
Một khác biệt nữa, theo ông Tống, là mức cam kết trên doanh số bán hàng. Nói cách khác, chi phí truyền thông mà Yeah1 nhận được phụ thuộc rất lớn vào doanh số bán hàng. Được biết, mục tiêu của Mega1 năm nay là phân phối 1 tỷ sản phẩm của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Khá tự tin, ông Tống cho biết, sau 6 ngày ra mắt, ứng dụng Mega1 đã ảnh hưởng đến 10% doanh số tiêu thụ của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
“Chúng tôi khá tự tin với kế hoạch năm 2020, vì chỉ cần hoàn thành kế hoạch với Tân Hiệp Phát là đủ. Đó là chưa kể, chúng tôi đang có khoảng 10 khách hàng nữa”, ông Tống cho biết.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đang dọn đường để Mega1 trở thành một siêu ứng dụng khi phân phối nhiều dịch vụ khác nhau, trong đó có cả game trên thiết bị di động và tích hợp ví điện tử webmoney.
Thông tin từ Yeah1 cho biết, nhiều khả năng trong quý III/2020, Công ty sẽ phát hành trò chơi hẹn hò ảo - thể loại game rất phổ biến ở Trung Quốc và Nhật Bản.
Theo dữ liệu nghiên cứu của Hãng Jiguang (Trung Quốc) trong năm 2018, trò chơi Love and Producer đã có hơn 2 triệu người dùng hàng ngày kể từ khi ra mắt vào tháng 12/2017. Ước tính, tổng số tiền người chơi chi cho ứng dụng kể từ khi phát hành ít nhất là 200 triệu nhân dân tệ, tương đương 32 triệu USD.
Trên thực tế, kế hoạch biến Mega1 thành siêu ứng dụng của Yeah1 phụ thuộc rất nhiều vào số lượng người sử dụng tải về. Ông Tống cho biết, con số kỳ vọng là có 10 triệu người sử dụng ứng dụng Mega1 vào cuối năm nay.
Để làm được việc đó, Yeah1 phải chuyển đổi 60 triệu lượt xem hằng tháng, chủ yếu là “xem ca hát nhảy múa” thành 10 triệu người sử dụng Mega1. Đây là điều không dễ dàng, nhưng ông Tống tin là có cơ sở, bởi có cùng tập khách hàng là nhóm người dùng trẻ, có khả năng chi trả phù hợp với các sản phẩm dịch vụ của Mega1.
Giá trị cổ phiếu quỹ mà Công ty đang nắm giữ trị giá hơn 140 tỷ đồng, với mức giá giao dịch bình quân gần 80.000 đồng/cổ phiếu. Ông Tống cho biết, Công ty sẽ có kế hoạch bán cổ phiếu cho các quỹ đầu tư chiến lược trong thời gian tới.
“Chúng tôi biết, giá bán hiện tại không được thị trường chào đón và để thu hút nhà đầu tư thì chỉ có thể là các giải pháp kinh doanh đột phá”, ông Tống nói.
Yeah1 đề ra kế hoạch doanh thu 1,800 tỷ và lãi ròng 125 tỷ đồng, chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10% trong năm 2020. Kết quả kinh doanh sắp tới đây của hãng này sẽ bay trên hai đôi cánh. Thứ nhất là hoạt động tái cơ cấu, thúc đẩy các mảng kinh doanh ngày càng hiệu quả. Thứ hai là những chiến lược kinh doanh mới sẽ được triển khai để làm sức bật cho doanh thu, mà Mega1 là một ví dụ.
Vết thương mang tên ScaleLab Kết thúc năm 2019, doanh thu của Yeah1 đạt 1.457 tỷ đồng, chỉ bằng 73% kế hoạch đề ra và ghi nhận khoản lỗ 382 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ sự cố vận hành ScaleLab trên Youtube, khi Yeah1 đã phải trích lập quỹ dự phòng cho khoản phải thu từ việc chuyển nhượng 100% cổ phần đơn vị này, tương đương 276 tỷ đồng. Thời điểm mua lại, ScaleLab là đại diện cho hơn 1.700 người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, thu hút 400 triệu người theo dõi và đóng góp 3 tỷ lượt xem mỗi tháng cho Youtube. Năm 2017, doanh thu ScaleLab đạt 27,3 triệu USD và Công ty chấp nhận bán mình cho Yeah1 với giá 20 triệu USD vì vẫn đang lỗ. Việc mua lại ScaleLab của Yeah1 là có tính toán. Mô hình ScaleLab dù doanh thu rất lớn, nhưng sau khi trả chi phí cho các đối tác thì không còn được bao nhiêu. Bên cạnh đó, chi phí nhân sự đắt đỏ ở Mỹ đã khiến ScaleLab “có tiếng, nhưng không có miếng”. Yeah1, với chi phí vận hành tốt hơn nhờ đặt ở Việt Nam, đã nhanh chóng nhận ra món hời khi mua lại ScaleLab, chủ yếu là tập khách hàng và lượt xem mà đơn vị này đang đem lại cho Youtube. Tuy nhiên, Công ty không tính đến rủi ro lớn nhất là tất cả tài sản ScaleLab có được là dựa vào nền tảng của Youtube, nên khi mạng xã hội này “hắt hơi”, thì ScaleLab trở về số không, người sở hữu nó sẽ trắng tay. Có thể bạn quan tâm
|