Chuyện gì đang xảy ra ở Yeah1?

Theo Đầu tư chứng khoán 28/10/2019 12:23

Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (Yeah1, mã chứng khoán YEG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2019, theo đó, 9 tháng đầu năm lỗ hơn 223 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 158 tỷ đồng.

Yeah1 đang trong giai đoạn khó khăn sau sự cố Youtube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh khi liên tiếp 2 quý vừa qua lỗ trên 100 tỷ đồng/quý.

Dấu hỏi về khoản đầu tư vào ScaleLab

Yeah1 công bố đã bán lại ScaleLab có trụ sở tại Mỹ cho chủ sở hữu cũ là Brenner Pass Investment Corp với giá 12 triệu USD, tức là bằng giá mua trước đây. Nhiều người không tin mức giá này khi nhìn thấy nguồn thu từ quảng cáo của ScaleLab đã bị cắt đứt, mà giá bán công ty lại không thay đổi!

Báo cáo tài chính quý III/2019 của Yeah1 cho thấy, tại thời điểm cuối quý, khoản phải thu từ việc thanh lý công ty con là 293,6 tỷ đồng, dự phòng khoản phải thu này là 138,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Yeah1 có số dư giao dịch không nhỏ với bên liên quan trong các giao dịch tạm ứng và phải thu khác, mà không công bố rõ dùng cho việc gì, điều khoản hợp đồng ra sao.

So với đầu năm, tổng tài sản của Yeah1 giảm gần 250 tỷ đồng, xuống 1.712,3 tỷ đồng; vốn lưu động ròng giảm từ 1.296 tỷ đồng xuống 884 tỷ đồng. Với đặc thù mô hình kinh doanh, vấn đề dòng tiền rất quan trọng đối với Yeah1, vì công nợ thường lớn.

Trong bối cảnh khó khăn sau khi chấm dứt hợp tác với YouTube, 9 tháng đầu năm 2019, Yeah1 thu hồi hơn 487 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, doanh số vay nợ 9 tháng trên 708 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là 356 tỷ đồng).

Lượng tiền và tương đương tiền, cùng các khoản tiền gửi còn hơn 551 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2017 - 2018, Công ty thu tiền từ phát hành cổ phiếu tổng cộng hơn 1.306 tỷ đồng.

Bức tranh tương lai chưa rõ ràng

Trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, Yeah1 đã chi hơn 141 tỷ đồng để mua lại gần 2,5 triệu cổ phiếu; Chủ tịch và Tổng giám đốc đăng ký mua tổng cộng 3 triệu cổ phiếu, phương thức giao dịch thỏa thuận; thay đổi nhiều vị trí nhân sự cấp cao; chuyển hướng sang đầu tư game, tự phát triển nội dung như kênh Nickelodeon, các kênh chuyên dành cho trẻ em và âm nhạc…

Mới đây nhất, Yeah1 chi 138,6 tỷ đồng mua 50% Công ty cổ phần Công nghệ Truyền thông Số 1 (Media One), làm dịch vụ tích điểm thưởng vào ví điện tử Mpoint, nhằm giữ chân những khách hàng trung thành cho các đối tác, tức là công ty này sẽ giúp các đối tác gia tăng doanh số và giảm thiểu chi phí chăm sóc khách hàng.

Hiện số liệu về Media One không có nhiều, nhất là doanh thu và lợi nhuân, nên khó đánh giá được thực tế mô hình kinh doanh của Công ty. Được biết, Media One đang có 128.000 người dùng và 13.000 đối tác.

Có thể bạn quan tâm

  • "Quỹ cá mập" chính thức nắm giữ 9,74% cổ phần Yeah1

    00:00, 01/10/2019

  • Yeah1 vẫn chưa qua cơn

    Yeah1 vẫn chưa qua cơn "bĩ cực"

    00:03, 28/08/2019

  • Cổ phiếu YEG

    Cổ phiếu YEG "lau sàn" sau khi Youtube ngừng hợp tác với Yeah1

    14:02, 23/05/2019

  • Giải mã câu chuyện “chia tay nghìn tỷ” giữa YouTube và Yeah1

    Giải mã câu chuyện “chia tay nghìn tỷ” giữa YouTube và Yeah1

    04:03, 23/05/2019

Có thể thấy, Yeah1 đang gặp áp lực trong việc phân bổ vốn nhằm tăng trưởng trở lại. Việc bị thu hồi giấy phép ảnh hưởng tới toàn bộ mạng lưới MCN của Yeah1, kể cả các kênh quảng cáo trực tiếp.

Đồng thời, việc tự xây dựng các kênh cần nhiều thời gian, vì trong ngành này “nội dung là vua”, việc thâm nhập thị trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa, nắm bắt được xu thế và thị hiếu cũng không phải là điều dễ dàng.

Một chiến lược quảng cáo sau khi hoàn tất cũng cần thời gian để đánh giá hiệu quả, các chỉ tiêu, chỉ số tiếp cận của người xem, chưa kể việc vấp phải sự cạnh tranh rất lớn của các đối thủ trong khu vực như POPS Worldwide của Việt Nam, GMM Grammy của Thái Lan, Freedom! của Phillipines… Tương tự, hai khoản đầu tư vào NetLink và Webface cũng vấp phải nhiều sự cạnh tranh.

Đối với những hoạt động kinh doanh số, uy tín của doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng, vì đó là tài sản vô hình lớn nhất. Một khi uy tín không còn thì giá trị của một trang web hay fanpage chỉ là con số gần bằng 0, đơn giản là chỉ còn lại những cái tên miền và tên trang không còn giá trị.

Khi doanh nghiệp đang trên đà tăng trưởng cao thì định giá thường không theo một nguyên tắc và phương pháp truyền thống nào.

Ngược lại, khi tốc độ tăng trưởng không còn thì chuyện gì đến cũng sẽ phải đến, nói chung đây là một ngành thay đổi rất nhanh theo xu thế và lợi thế cạnh tranh tới từ mạng lưới lớn với sự sáng tạo nội dung hấp dẫn không ngừng.

Mảng game của thị trường Trung Quốc đang phải đối mặt với bài toán tăng trưởng, đối với thị trường Việt Nam thì sự cạnh tranh cũng rất lớn khi số lượng game online và trên app lên đến hàng triệu.

Hiện tại, bức tranh về tương lai của Yeah1 chưa rõ ràng, cần thêm thời gian để kiểm chứng, vì mảng mang lại lợi nhuận tăng trưởng cao nhất đã dừng lại.

Ở Việt Nam từng có không ít thương vụ các ông lớn trên thế giới rời bỏ thị trường, ngưng rót vốn hoặc “nuốt chửng” công ty nội. Việc phụ thuộc vào những ông lớn, thay vì cộng hưởng cùng phát triển, là rất rủi ro.

Khi chơi với những người khổng lồ thì phải biết cách chơi, phải có thế mạnh riêng, vì đôi khi doanh nghiệp Việt Nam chỉ là “tấm vé” vào cổng để doanh nghiệp nước ngoài bước vào, việc hợp tác nhiều khi nằm trong chiến lược ngắn hạn của họ.

Sự chấm dứt hợp tác của YouTube với Yeah1 cho thấy, người đi tiên phong có nhiều rủi ro và xác suất thất bại cao.

Nhìn lại quá trình đi từ con số 0 tới nay, nhiều người ghi nhận những gì mà Yeah1 đóng góp cho giới truyền thông nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trong 4 cấp độ học và làm kinh doanh để thành công thì mức cao nhất là “khốn như tri”, tức những người đã nhiều lần đứng bên bờ vực của sự khó khăn, khốn khổ, phải có nhiều quyết định quan trọng thay đổi cả hướng đi, cuộc đời họ, đổi lại họ sẽ có được những kinh nghiệm, trải nghiệm rất riêng và đó là điều các doanh nhân đều phải vượt qua để ngày một lớn mạnh. Yeah1 liệu có làm được thế?

Yeah1 mất 85% giá trị vốn hóa trên sàn hose

Yeah1 hoạt động trong lĩnh vực truyền hình, sản xuất và quản lý nội dung số, nguồn thu chủ yếu tới từ quảng cáo ở cả 2 kênh truyền thống và online (YouTube, Facebook và Google). Ngày đầu tiên niêm yết trên HOSE, 26/6/2018, giá cổ phiếu YEG tăng trần, đạt 300.000/cổ phiếu, cao nhất ba sàn chứng khoán. So với mức giá này, giá trị vốn hóa Yeah1 hiện nay đã giảm 85%.

Yeah1 khởi đầu là trang thông tin điện tử www.yeah1.com, cung cấp thông tin giải trí cho giới trẻ. Trong những ngày đầu, Công ty rơi vào tình trạng mất thanh khoản, khủng hoảng dòng tiền và giải pháp cuối cùng là thế chấp những quyền tài sản là các khoản phải thu để vay vốn ngân hàng.

Công ty bắt đầu phát triển mạnh khi mở rộng mạng lưới hoạt động trên truyền hình và trở thành đối tác đa kênh của YouTube vào năm 2015.

Đến năm 2017, Yeah1 trở thành đối tác duy nhất của Google tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á thông qua công ty con Netlink, cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho hơn 600 trang web trên thế giới. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ Yeah1 đạt 140,9 tỷ đồng, gấp gần 9 lần năm 2016.

Ngày 9/3/2019, Bloomberg đưa tin, YouTube chuẩn bị chấm dứt thỏa thuận lưu trữ thông tin với Yeah1, sau sự cố quản lý kênh của SpringMe (công ty Thái Lan có 17% sở hữu của Yeah1).

Thông tin này khiến giá cổ phiếu YEG liên tiếp giảm từ 250.000 đồng/cổ phiếu xuống 100.000 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa cuối tuần qua là 55.300 đồng/cổ phiếu).

Hy vọng duy trì việc hợp tác với YouTube không còn khi ngày 23/5/2019, Yeah1 gửi văn bản đến HOSE, công bố nội dung: Công ty đã nhận được thông báo từ YouTube rằng, thỏa thuận lưu trữ nội dung - MCN không còn hiệu lực. Hai bên bắt đầu giải phóng các kênh hợp tác từ ngày 22/5/2019.

Yeah1 sụt nền do “xây nhà trên đất người khác”. Dù Yeah1 được cấp giấy phép MCN, nhưng YouTube vẫn có toàn quyền quyết định “số phận” của Công ty theo chính sách nội dung đề ra ngày càng theo hướng siết chặt và việc vi phạm nằm ở công ty mà Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93% cổ phần, dẫn tới tất cả các kênh của bên thứ ba do Yeah1 quản lý đều bị tắt chức năng kiếm tiền và rất khó để YouTube cấp phép khai thác trở lại.

Trong bản cáo bạch niêm yết, trong các loại rủi ro được liệt kê, Yeah1 đề cập tới việc phụ thuộc rất lớn vào 2 nền tảng Facebook và Google sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi chính sách của các công ty lớn này có sự thay đổi trọng yếu.

Rõ ràng, Yeah1 đã nhận thức được những rủi ro này, nhưng vẫn tiếp tục phát triển theo hướng M&A các MCN, cụ thể là chi 12 triệu USD mua ScaleLab, một công ty có trụ sở tại Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyện gì đang xảy ra ở Yeah1?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO