Chủ tịch trẻ nhất trong giới ngân hàng giàu cỡ nào?
Năm 2012, khi mới 34 tuổi, vị thiếu gia nhà ACB, Trần Hùng Huy bất ngờ được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT với bài toán khó là phải nhanh chóng đưa ngân hàng thoát khỏi khủng hoảng.
Vốn được coi là “chàng trai vàng” trong giới ngân hàng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy không chỉ có học thức mà còn sở hữu khối tài sản khổng lồ cũng như tài năng kinh doanh đáng nể.
"Sinh ra đã ở vạch đích"
Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978 trong gia đình có truyền thống làm ngân hàng, là con ông Trần Mộng Hùng – một trong những người sáng lập và giữ chức chủ tịch ACB trong thời gian dài, còn mẹ là bà Đặng Thu Thủy cũng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nhà băng này.
Theo giới thiệu của ACB, ông Huy tốt nghiệp cử nhân với ba chuyên ngành quản trị kinh doanh, tài chính và kinh doanh quốc tế vào năm 2000, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh vào năm 2002 tại Đại học Chapman, Hoa Kỳ, Tiến sỹ Quản trị Kinh doanh- Đại học Golden Gate - Hoa Kỳ (2011).
"Đế chế" ACB được gây dựng bởi nhóm cổ đông, trong đó bố đẻ của ông Trần Hùng Huy là ông Trần Mộng Hùng cũng từng là Chủ tịch hội đồng sáng lập ACB, giữ vị trí Tổng giám đốc ngân hàng trong 2 năm từ 1993-1994, Chủ tịch HĐQT trong suốt 15 năm từ 1994 đến 2008.
Năm 2008, ông Hùng rút về hậu trường với vai trò cố vấn quản trị. Năm 2012 sau "biến cố" bầu Kiên, ông Trần Hùng Huy bất ngờ đảm nhiệm vị trí ghế nóng Chủ tịch ACB khi mới chỉ 34 tuổi. Đến tháng 4/2013 ông chính thức được bầu làm chủ tịch ngân hàng này.
Bước ngoặt lớn của sự nghiệp cá nhân cũng như của chính ACB khiến bản thân ông Huy cũng phải thừa nhận mình “chưa chuẩn bị gì” cho việc nắm giữ vị trí cao nhất tại ACB.
Trong số các ngân hàng cổ phần tại Việt Nam, ông Trần Hùng Huy cũng là người đầu tiên "kế nghiệp" cha mình (ông Trần Mộng Hùng - nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch HĐQT) để trở thành vị Chủ tịch HĐQT kế tiếp của ACB. Thế nhưng, chuyện "kế nghiệp" của ông Huy thì không giống kiểu "cha truyền con nối" như mọi người vẫn nghĩ.
Trên thực tế, khi về nước và vào ACB làm việc, ông Hùng Trần Huy "không nghĩ có ngày mình sẽ ngồi vào chiếc ghế đó" dù cha là người sáng lập, cũng là Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Lý do rất đơn giản, ACB là một công ty niêm yết với hàng chục nghìn cổ đông. Việc trở thành người đứng đầu HĐQT của ngân hàng cổ phần số 1 Việt Nam (lúc đó), với hàng loạt các thành viên gạo cội trong giới tài chính (cả trong nước và nước ngoài) thì không thể chỉ là con của người sáng lập.
Vào thời điểm đó, dù không được chuẩn bị nhưng ông Huy đứng giữa 2 lựa chọn, "một là đón nhận một thách thức dù không biết mình có đủ sức hay không, hai là đứng qua một bên". Và ông Huy đã đón nhận thách thức "với cả niềm tự hào xen lẫn lo lắng".
Tiếp quản "ghế nóng" đúng thời điểm ACB rơi vào giai đoạn khủng hoảng và khó khăn, phía sau là bệ đỡ của người cha kỳ cựu, doanh nhân trẻ Trần Hùng Huy cùng cộng sự dần đưa ACB từng bước thoát khỏi khủng hoảng.
sau đó 6 tháng, lần đại hội cổ đồng kế tiếp của năm 2013 và những kỳ họp tiếp theo, ông Huy vẫn tiếp tục ngồi "ghế nóng". Có lẽ những kết quả kinh doanh ở ACB là lý do để cổ đông và các thành viên HĐQT tiếp tục lựa chọn vị chủ tịch tuổi ngựa (sinh năm 1978) "ngồi yên chiến mã".
Hiện nay, ông còn đảm nhiệm vai trò là Chủ nhiệm Ủy ban Nhân sự, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quản lý rủi ro, thành viên Ủy ban Chiến lược, và thành viên Ủy ban Đầu tư.
Gia đình Chủ tịch Trần Hùng Huy được cho là một trong những gia đình giàu có nhất trên sàn chứng khoán. Tại ACB, ông Trần Hùng Huy sở hữu 56,97 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 3,43%, tương đương 1.344 tỷ đồng (tính đến thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 6/7/2020)
Trong khi đó, bà Đặng Thu Thủy, mẹ ông Huy là thành viên HĐQT của ACB và đang nắm giữ 19,85 triệu cổ phiếu (1,19%), tương đương 468,5 tỷ đồng.
Không chỉ nổi tiếng về ngoại hình điển trai và tài năng kinh doanh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB không ngần ngại chia sẻ công khai về đời tư lên trang Facebook cá nhân.
Trên trang Facebook cá nhân, Chủ tịch ACB thường xuyên chia sẻ hình ảnh về cuộc sống cá nhân với hình ảnh một chàng trai trẻ trung, năng động và hiện đại. Những hình ảnh chuẩn “Chủ tịch nhà người ta” này thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Hình ảnh của vị "tổng tài" "sinh ra đã ở vạch đích" này cũng trở nên gần gũi trong mắt công chúng.
Ông Trần Hùng Huy cùng với thế hệ lãnh đạo thứ 2 tại ACB đồng thời cũng tạo ra một hình ảnh rất khác về ngân hàng này kể từ sau sự cố bầu Kiên năm 2012: trẻ trung, năng động, nhiệt huyết và rất "4.0".
Lan tỏa tinh thần "sống xanh"
Được biết, ông Huy rất ủng hộ lối sống xanh, và chính vị chủ tịch trẻ tuổi này đã phát động phong trào "nói không với đồ nhựa sử dụng một lần" tại ACB cách đó vài năm khi còn ít người quan tâm đến điều này.
Thời điểm đưa ra quy định về dùng đồ thủy tinh chứ không sử dụng chai nhựa, cốc nhựa… tại ACB, ông Huy rất ít lộ diện trước công chúng. Facebook cá nhân của ông Huy cũng ít cập nhật.
Còn khi tung ra clip quảng bá cho lối sống "nói không với đồ nhựa sử dụng một lần", ông Huy đã xuất hiện nhiều hơn và có ảnh hưởng nhất định trên facebook. Nhiều status của Huy liên quan đến các ý tưởng về "sống xanh" có hàng nghìn lượt like và hàng trăm lượt share.
Trước khi được ủng hộ, chủ trương bảo vệ môi trường với việc không sử dụng chai nhựa của ông Huy không được nhiều người ủng hộ. Năm 2015, khi ông Huy ra quyết định không dùng chai nhựa sử dụng một lần trong toàn bộ ngân hàng, rất nhiều người phản đối, kể cả lãnh đạo cấp cao.
"Chi phí cho việc dùng chai nhựa sử dụng một lần ở Việt Nam là rất nhỏ, đây là chưa kể đến việc nếu thay bằng bình, cốc thủy tinh và thêm nhân công pha nước, đun nước… chi phí thậm chí còn cao hơn. Một số lãnh đạo cấp cao ở ACB còn nói với Huy: ‘Khi khách tới mà mình không có lấy một chai nước mới toanh mở ra thì rất bất lịch sự và họ sẽ nghi ngại’. Thực tế là nhiều người nghĩ, việc đó không cần thiết và không mang lại lợi ích gì".
Chưa hết, khi thực hiện một cuộc khảo sát tại ACB, chỉ có 6% người được hỏi quan tâm đến biện pháp bảo vệ môi trường do Chủ tịch HĐQT phát động. Thế nhưng, ông Huy rất kiên trì. Vị lãnh đạo này liên tục tổ chức tuyên truyền thông tin trong nội bộ về tác dụng của việc không dùng chai nhựa một lần…Ba tháng sau, tỷ lệ quan tâm khi khảo sát lại lên tới 70%.
Giải thích về việc rất nhiệt tình với các chiến dịch bảo vệ môi trường trong nội bộ, Chủ tịch HĐQT ACB tâm sự: "Huy là dân quê, ba mẹ đều là dân miền Tây hết. Ngày nhỏ sống ở Tiền Giang, tuổi thơ gắn liền với thiên nhiên, cùng cây trái, sông nước. Khi sang Mỹ du học thì Huy chơi surfing (lướt sóng), từ 6-7h sáng là ‘surfer’s life’ rất là thoải mái. Có lúc đang bơi, chuẩn bị đứng trên sóng thì kế bên có con cá heo bơi mà mình tưởng cá mập nên hơi sợ. Về sau thì mình biết rồi nên rất thích khi được bơi cùng cá heo… Những trải nghiệm rất thoải mái với thiên nhiên đó đã thôi thúc Huy dùng ảnh hưởng của mình để góp sức thay đổi, bảo vệ môi trường sống cho chính mình và cho người khác".
Ông Huy nhận xét, với việc phát triển kinh tế như hiện nay, những bạn trẻ ở Việt Nam sẽ rất khó có được một môi trường thiên nhiên thân thiện như cách đây 30-40 năm và nếu không thay đổi, tìm cách bảo vệ thì mọi việc còn diễn biến xấu nhanh hơn.
Những nỗ lực bền bỉ của người đứng đầu ACB đã dần có hiệu quả. Sau 3 năm, kể từ "hành động đàn áp" (cách nói vui của ông Huy) bắt buộc các chi nhánh ngân hàng không được dùng chai nhựa, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường khác ở các chi nhánh ACB được thực hiện một cách tự nhiên.
Có thể bạn quan tâm
ACB khó bật dậy mạnh mẽ
15:00, 10/06/2020
Tân CEO Phùng Tuấn Đức sẽ vực dậy Gojek Việt Nam như thế nào?
02:50, 06/07/2020
Tỷ phú Jeff Bezos: Từ người giàu nhất hành tinh tới mối lo lớn với Amazon
02:21, 03/07/2020
Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai: ‘Không biết dự án Bắc Phước Kiển sẽ đi về đâu?’
03:00, 02/07/2020
Lý lịch "khủng" của Tân Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways
01:21, 02/07/2020
Chủ tịch Sunhouse Nguyễn Xuân Phú: Doanh nghiệp Việt cần có "nghệ thuật" trong nhận vốn đầu tư FDI
03:14, 01/07/2020
Doanh nhân trẻ Bùi Thanh Hương: Khách hàng là cảm hứng vô tận để xây dựng thương hiệu
01:11, 30/06/2020