Ba nguyên tắc cân bằng cuộc sống và công việc của "nữ tướng" FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp

KHÁNH HÀ 21/07/2020 04:44

Tại FPT Retail, Nguyễn Bạch Điệp được mệnh danh là "người đàn bà thép" do tính quyết đoán trong công việc. Để đạt được thành công, không có con đường trải hoa hồng dành cho nữ doanh nhân.

Bà Nguyễn Bạch Điệp là người có công lớn phát triển FPT Retail. Dưới sự điều hành của bà, từ 17 cửa hàng ban đầu, đến nay FPT Shop đã có 600 cửa hàng trên hệ thống cả nước.

Sau lưng một người phụ nữ thành đạt là một nhóm người âm thầm hy sinh...

Bà Nguyễn Bạch Điệp sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học Mở TP. HCM ngành Quản trị kinh doanh. Sau khi ra trường bà làm việc ở vị trí bán hàng tại một cửa hàng FPT.

Bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT FPT Retail

Bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT FPT Retail

“Trong suốt gần một năm làm việc, dù không nhận được lương thưởng nhưng nét văn hóa tôn trọng sự khác biệt, quý trọng nhân tài đã giúp tôi quyết tâm bám trụ tại FPT. Kết quả là tôi được bổ nhiệm lên vị trí quản lý cửa hàng”, bà Điệp từng chia sẻ.

Năm 2012, FPT Retail với thương hiệu FPT Shop chính thức có giấy phép thành lập công ty cổ phần, số lượng cửa hàng ban đầu là 17. Là người đến sau trên thị trường bán lẻ khốc liệt, FPT Shop, đặc biệt là ban lãnh đạo của thương hiệu này và bà Điệp, phải đứng trước “áp lực kinh khủng”.

Nữ doanh nhân kể lại thời gian nhận FPT Retail, giống như giai đoạn startup vậy. “Trước mắt tôi là bao nhiêu ngọn núi lớn – Thế Giới Di Động, Viễn Thông A đã đi trước rất nhiều năm, trong khi mình mới bắt đầu”, bà nhớ lại.

Trước thách thức nhiều “anh tài” trên thị trường, “nữ tướng” FPT Retail cho biết công ty quyết định tập trung phát triển quy mô để tạo tiếng vang cũng như lợi thế cạnh tranh. Nhận thấy địa điểm là yếu tố tiên quyết đối với bất cứ cửa hàng bán lẻ nào, bà Điệp cùng một lãnh đạo nữa đã đích thân đi xuống từng địa phương để chọn ra vị trí phù hợp.

“Trong 1 tuần đi hết 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là chuyện bình thường”, bà kể.

Trong 2 năm đầu tiên, ngoài áp lực về tìm địa địa điểm, nữ doanh nhân cũng chịu nhiều sức ép khi xây dựng mọi thứ từ con số 0.

Theo bà Điệp, vào thiểm đó, vấn đề nhân sự cũng là một thách thức lớn, bên cạnh chi phí về địa điểm. “Với các nhân viên cần có chế độ thưởng phạt rõ ràng để vừa khích lệ vừa giúp họ tự phát triển bản thân”, bà nói.

Cũng theo chia sẻ của bà Điệp, khi xảy ra vấn đề quan trọng nhất là cần giải pháp, chứ không phải ngồi đó chỉ ra lỗi. Với một vấn đề bất kỳ, sếp hay nhân viên đều cần nhìn xem mình có lỗi gì không, sau đó mới xem tiếp lỗi người khác nằm ở đâu.

“Trong quan điểm quản trị của mình, những người cùng làm với mình, cùng đi theo mình thì mình phải đảm bảo quyền lợi cho họ”, bà Điệp bày tỏ.

Nữ doanh nhân Bạch Điệp từng nói trên Forbes Việt Nam: “Nếu sau lưng một người đàn ông thành công là một người phụ nữ âm thầm hy sinh, thì nói thật là sau lưng một người phụ nữ thành đạt chắc là một nhóm người âm thầm hy sinh, chứ không phải chỉ có một người đâu: con cái, gia đình, kể cả đồng nghiệp”.

“Nữ tướng” FPT Retail thừa nhận rằng: “Mình không hoàn hảo trong thiên chức của một người phụ nữ”.

Bà cho rằng làm lãnh đạo rất tốn thời gian bên ngoài, cho công việc thì dĩ nhiên là không thể chu toàn hết mọi thứ hoàn hảo được.

Để cân bằng cuộc sống và công việc, bà Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ 3 bí quyết: Thứ nhất, nếu được, thì chọn chồng phụ công ty. Chồng sẽ hiểu ngay việc mình làm và biết đồng cảm hơn, thông cảm hơn.

Thứ hai, đã làm sếp công ty thì về nhà không làm sếp.

Thứ ba, nếu mình không có nhiều thời gian cho con cái thì biến sở thích của con thành sở thích của mình. Con thích gì thì mình làm theo và làm thật nhiệt huyết. Mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.

Với con thì ân cần quan tâm, nhưng với cộng sự và cấp dưới tại công ty, bà Điệp tự nhận mình có "tính nết khó chịu". "Cứ đụng vô việc là cứ như… lên đồng", bà nói. Trên Forbes Việt Nam, bà cũng từng tiết lộ trên Forbes Việt Nam mình là người nóng tính và quyết liệt trong công việc.

"Những người đã đi theo mình, họ phải chấp nhận tính nết khó chịu của mình. Và họ phải thực hiện được những yêu cầu rất khắt khe của mình", bà cho hay.

Nhưng đó không phải là điều duy nhất các đồng nghiệp của bà phải "chấp nhận" khi dưới trướng của nữ tướng này.

Bà nhắc đến một sự hy sinh khác: "Đồng nghiệp chia sẻ những hướng đi và mục tiêu với mình. Và khi đó, người ta lại bỏ thời gian ra, hy sinh gia đình của họ cho hướng đi đó".

Chính vì vậy, bà Điệp cho hay dưới vai trò của một người lãnh đạo, cần "đảm bảo quyền lợi của những người đấy. Tức là mình phải phải dẫn dắt công ty làm sao để những người làm theo mình, họ nhận được cái gì đó đáng kể".

Nói được làm được, theo bà Điệp, cũng là cách để một người lãnh đạo - dù nam hay nữ - có thể thu phục được lòng tin của cấp dưới.

Một bên là gia đình, một bên là công việc, người ta luôn hỏi những nữ lãnh đạo thành công về "sự cân bằng". Bên nào quan trọng hơn? Bà Điệp cho rằng "điều đó tùy thuộc vào quan điểm và thời điểm". Và theo bà, với những lựa chọn của mình thì phải "tập trung làm tốt" và "đừng than vãn".

Giải bài toán đầu tư gối đầu

Ngành ICT bão hoà, năm 2019 bức tranh càng rõ nét khi toàn thị trường không tăng trưởng do ảnh hưởng bởi sự chậm lại của sức mua các mặt hàng. Từng vươn lên mạnh mẽ để đứng thứ hai toàn ngành, FPT Retail đã không thể duy trì phong độ khi quý cuối năm 2019 bất ngờ báo lỗ, lợi nhuận luỹ kế cả năm sụt giảm hơn 38% về 214 tỷ đồng.

Nguyên nhân đã được biết trước do tiếp tục trích lập dự phòng nợ xấu cho chương trình F-Friends và trợ giá Subsidy, tuy nhiên nếu không tính khoản trên lợi nhuận của Công ty cũng không tăng trưởng.

Nhiều băn khoăn và thậm chí là ‘nỗi đau’ với cổ đông khi cổ phiếu FRT liên tục lao dốc, thị giá sau 1 năm giảm đến 71% về mức 17.100 đồng/cp. Nếu so với mức tham chiếu ngày bắt đầu niêm yết hồi tháng 4/2018, vốn hoá đơn vị này đã ‘bay hơi’ 85% và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Cùng với sự bão hoà ngành ICT, ‘ván cược’ Long Châu vẫn trong quá trình đầu tư ban đầu và có quá nhiều rủi ro về ngành, những mảng mới chưa đem lại hiệu quả… thị trường theo đó bỏ ngỏ điểm sáng trong tương lai của FRT.

Không phủ nhận, nữ tướng FRT - bà Nguyễn Bạch Điệp – phân trần: "Trong suốt 20 năm đi làm gần như thời điểm nào bản thân tôi cũng đạt được kế hoạch. Đó không chỉ là yếu tố thuận lợi hỗ trợ, mà còn do tính cách bên con con người buộc mình phải hoàn thành được mục tiêu.

Khi lái con thuyền ra sân chơi lớn, tôi nhận ra rằng, phải bắt đầu xây dựng tiếp các mảng kinh doanh mới để gối đầu khi mảng cũ đã bão hoà, nhưng 7 năm chỉ vừa đủ để xây được 1 chuỗi hoàn thiện, đó là vấn đề thời điểm.

Thời gian gần đây khi hiệu quả hoạt động của FRT không như kỳ vọng, bản thân tôi ban đầu cảm thấy rất khó chịu, bứt rứt… vì không thể hoàn thành mục tiêu mặc dù bản thân đã cố gắng xoay chuyển.

Nhưng, khi ngồi lại với các lãnh đạo khác phía Tập đoàn để phân tích thì bản thân cảm thấy chắc chắn phải bình tĩnh ở thời điểm này, bình tĩnh để chấp nhận câu chuyện khó khăn, bình tĩnh đối mặt áp lực thu nhập nhân viên giảm, nhiều ý kiến tiêu cực đổ dồn…".

Để nói chính xác về khó khăn hiện tại của FRT, bà Điệp khẳng định đây là câu chuyện thời điểm. "Đơn vị khác bước vào thị trường ICT cách đây 12 năm, do đó họ có thời gian để xây dựng hệ thống, và đến khi ICT bão hoà nhanh chóng chuyển sang ngành khác, kết quả là tăng trưởng gối đầu.

Còn FRT thì khác, chúng ta chỉ vừa bước vào thị trường ICT được 7 năm, chúng ta đã cấp tốc đẩy mạnh tăng trưởng, chúng ta vừa hoàn thành hệ thống ngay chính thời điểm thị trường bão hoà. Kết quả, chúng ta không đủ thời gian để phát triển mảng mới, mà chỉ mới bắt đầu đầu tư", bà Điệp đúc kết.

Như vậy, câu chuyện cũ tại FRT là câu chuyện thời điểm, và những người đứng đầu đã có lời giải, Tập đoàn hiện nay đã rút kinh nghiệm: bằng chứng trong quá trình đầu tư mảng dược đã kết hợp công cuộc đi tìm những mảng mới.

Với mảng dược, FRT khá tham vọng khi đặt kế hoạch năm 2020 Công ty sẽ tập trung mạnh vào các thứ mới. Kế hoạch dài hơi, FRT sẽ tăng tốc mở rộng hệ thống, thúc đẩy doanh thu trên khắp các tỉnh thành cả nước.

Không phủ nhận là doanh thu mảng dược sẽ chỉ đóng góp khoảng 2.000-2.500 tỷ, so với ICT là quá bé song chuyện đó không quan trọng, FRT đã chấp nhận đầu tư cho 2020, chấp nhận với tình trạng ICT không tăng trưởng.

Nhiều quan điểm bày tỏ e ngại khi mảng dược dù còn nhiều dư địa tăng trưởng, song đây là ngành khá nhạy cảm và phụ thuộc nhiều vào chính sách. Liệu FRT có năm chắc được tương lai ‘ván cược’ Long Châu?

Có thể bạn quan tâm

  • Cú bẻ lái của ông chủ Vinasun Đặng Phước Thành

    Cú bẻ lái của ông chủ Vinasun Đặng Phước Thành

    04:14, 20/07/2020

  • Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung: Luôn nhìn ra thách thức ngay trên đỉnh vinh quang

    Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung: Luôn nhìn ra thách thức ngay trên đỉnh vinh quang

    04:53, 18/07/2020

  • Chuyện chưa kể về người

    Chuyện chưa kể về người "kế vị" tại Alibaba

    03:18, 17/07/2020

  • Ba lần

    Ba lần "vượt bão" của doanh nhân Lê Phước Vũ

    03:00, 16/07/2020

  • CEO Gojek Việt Nam và

    CEO Gojek Việt Nam và "muôn trùng khó" tại thị trường gọi xe

    02:38, 15/07/2020

  • Tỉ phú Larry Ellison: Bạn sẽ thay đổi thế giới, cũng giống như thế giới sẽ thay đổi bạn

    Tỉ phú Larry Ellison: Bạn sẽ thay đổi thế giới, cũng giống như thế giới sẽ thay đổi bạn

    03:07, 14/07/2020

  • Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài: Thất bại là một phần của cuộc chơi

    Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài: Thất bại là một phần của cuộc chơi

    03:52, 13/07/2020

KHÁNH HÀ