Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Chính thức rời khỏi vị trí chủ tịch Alibaba vào đúng kỷ niệm 20 năm thành lập, Jack Ma đã nhương lại "ghế nóng" cho CEO Daniel Zhang.
Daniel Zhang là người khởi xướng lễ hội mua sắm “Double 11” hay còn gọi là Ngày lễ độc thân, mang về 7 triệu USD trong năm đầu tiên, năm 2009. Doanh thu của kỳ mua sắm này đạt 135 triệu USD trong năm thứ hai và đến năm thứ 5 đạt 5,8 tỷ USD. Ngoài chức vụ CEO đã đảm nhiệm từ năm 2015, ông Zhang sẽ có thêm chức danh Chủ tịch Alibaba và trở thành người đầu tiên ngoài Jack Ma cùng lúc nắm giữ cả 2 vị trí.
Daniel Zhang là ai?
Daniel Zhang sinh năm 1972 tại Thượng Hải (Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, Zhang làm quản lý cấp cao tại công ty kiểm toán toàn cầu PriceWaterhouseCoopers.
Sau đó, Zhang trở thành giám đốc tài chính của công ty sản xuất trò chơi Shanda Interactive - công ty Internet lớn nhất Trung Quốc thời điểm đó. Đây cũng là nơi Phó Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Alibaba, Joseph Tsai, phát hiện ra tài năng của ông và mời ông về Alibaba làm việc vào năm 2007.
Trước thời điểm nhậm chức, Daniel Zhang thường tổ chức nhiều cuộc họp với một nhóm nhỏ trong một garage dưới lòng đất ở Thượng Hải. CEO Alibaba đang phát triển một kế hoạch bí mật mà ngay cả nhân viên của ông tại Hàng Châu, cách đó 100 dặm, cũng sẽ cảm thấy điên rồ.
Zhang muốn cho ra đời một startup bên trong người khổng lồ thương mại điện tử mà ông sẽ trị vì. Startup này sẽ kết hợp một cửa hàng tạp hoá, một nhà hàng và một ứng dụng giao hàng. Nó sử dụng robot và nhận diện khuôn mặt để tăng tốc độ các vấn đề liên quan đến kho vận và thanh toán.
Trái ngược với sự nổi tiếng trước công chúng cùng những phát biểu được nhiều trích dẫn của người tiền nhiệm Jack Ma, ông Zhang lại là một người ít nói và khả năng giao tiếp tiếng Anh vẫn còn khá yếu kém. Ngay cả ở Trung Quốc, không nhiều người biết đến Daniel Zhang. Thậm chí với các nhân viên ở trụ sở của Alibaba, ông còn thường bị nhầm là một bảo vệ.
Về phong thái làm việc, văn hoá “996” - làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày mỗi tuần - ngày càng quen thuộc trong làng công nghệ Trung Quốc, lịch làm việc của Daniel Zhang cũng khắc nghiệt không kém khi chỉ xoay quanh làm việc, ăn và ngủ.
Cuối tuần, Zhang thường gặp hai hoặc ba CEO. Bên cạnh việc vượt qua đối thủ, Daniel Zhang còn cần vượt qua cái bóng của Jack Ma. “Rất khó để đi theo những người sáng lập”, Jeff Sonnefeld, thuộc Đại học Quản trị Yale, nói. “Song thậm chí còn khó hơn để có thể đi theo những người có tầm ảnh hưởng toàn cầu”.
Người luôn sống với những ý tưởng mới
Trước khi gia nhập Alibaba, Daniel Zhang là Quản lý cao cấp tại chi nhánh, Cố vấn kinh doanh và kiểm toán của PwC, sau đó là Giám đốc tài chính (CFO) tại công ty game hàng đầu Trung Quốc, Shanda Interactive Intertainment. Bản thân ông Zhang khi nhìn lại thừa nhận rằng có lẽ bản thân đã chọn sai nghề đầu tiên. Tuy nhiên, đây là công việc cho ông Zhang nhiều cơ hội để học những kỹ năng cơ bản và tiếp xúc với nhiều khách hàng ở các lĩnh vực khác nhau.
Jack Ma tuyển dụng Zhang từ Shanda Interactive Entertainment vào năm 2007. Vì người sáng lập Shanda, Chen Tianqiao, là bạn lâu năm và là doanh nhân nổi tiếng nên Jack Ma từng đến nhà của ông Chen để ăn tối và xin lỗi trực tiếp cho việc tuyển dụng ông Zhang.
Zhang bước chân vào Alibaba và bắt đầu công việc với một vị trí ở Taobao, một trang thương mại điện tử của tập đoàn này. Ông giữ chức vụ giám đốc tài chính và sau đó vào năm 2008 giữ vị trí giám đốc vận hành và tổng quản lý Taobao Mall, mảng kinh doanh chiến lược của Alibaba. Năm 2011, Zhang lên chức chủ tịch của Tmall.com khi trang này được tách thành một doanh nghiệp con độc lập.
Một trong những thành tích xuất sắc nhất của Zhang khi làm tại Tmall.com là việc sáng tạo ra Lễ Độc thân 11/11 của Alibaba. Được khởi động từ năm 2009, nhiều năm trước khi Amazon triển khai ngày mua sắm Prime Day, Lễ Độc thân hiện là sự kiện mua sắm lớn nhất thế giới, mang về mức doanh thu vượt cả Alibaba và gấp 4 lần quy mô của ngày lễ mua sắm Black Friday và Cyber Monday cộng lại. Ông Zhang đã dành hàng tháng trời thuyết phục các nhà bán hàng tham gia sự kiện này. Doanh thu của Lễ Độc thân đạt 135 triệu USD trong năm thứ hai, sau đó là 5,8 tỷ trong năm thứ 5. Năm 2019, doanh số của Lễ Độc thân trên các nền tảng thương mại của Alibaba đạt kỷ lục 38 tỷ USD.
Một ý tưởng mới gần đây của ông Zhang cũng được cho là sẽ làm nên bước ngoặt cho Alibaba, đó là cửa hàng bán lẻ Freshippo, một sự kết hợp giữa cửa hàng tạp hóa, nhà hàng và ứng dụng giao hàng, sử dụng robot và nhận diện gương mặt để tăng tốc việc giao nhận và thanh toán. Freshippo ra đời chủ yếu để giải quyết vấn đề mà các công ty thương mại điện tử truyền thống không làm được, là giao thực phẩm tươi sống tới khách hàng theo yêu cầu.
Dự án Freshippo trở thành một phần chính trong kế hoạch mà ông Zhang dành cho tương lai của Alibaba, với 150 cửa hàng tại 17 thành phố Trung Quốc. Trong một cửa hàng Freshippo tại Hàng Châu, những thùng nhựa tự động chạy theo đường ray trên trần nhà, thu thập hàng hóa trong cửa hàng cho những đơn hàng trên mạng. Nhân viên giao hàng sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến bất kỳ đâu trong bán kính 3 km chỉ trong 30 phút.
Theo thông tin từ Alibaba, ông Zhang cũng là người định hướng Alibaba đầu tư vào Alibaba Health, Haier, In+me Retail, Singapore Post và là thành viên HĐQT của nhiều công ty lớn, trong đó có mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, Weibo.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, ông Zhang chia sẻ: “Mọi công ty đều có một vòng đời. Nếu chúng tôi không giết mảng kinh doanh hiện tại của mình, sẽ có người làm việc đó. Vì thế tôi thà chứng kiến những công ty mới của mình loại bỏ công ty hiện tại.”
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9 với tạp chí McKinsey Quarterly, ông Daniel Zhang cho biết ông thường làm một cuộc tự đánh giá vào mỗi dịp Tết Nguyên đán để đánh giá số lượng ý tưởng và mảng kinh doanh mà ông khởi động trong năm trước đó. Điểm quan trọng của quá trình này là tập trung phân tích những cơ hội mới, chứ không hẳn là hiệu suất làm việc hiện tại.
"Bây giờ chúng có thể là những ý tưởng mới, rất nhỏ, nhưng trong tương lai, chúng có thể lớn hơn rất nhiều. Thậm chí, có thể chúng sẽ trở thành một mảng kinh doanh chính của Alibaba", ông Zhang nói.
Zhang cho phép nhân viên Alibaba cơ hội để thử nghiệm những ý tưởng mới, nhưng một khi đã đưa ra quyết định, ông rất cứng rắn và muốn có kết quả cụ thể. "Tôi nói chuyện rất nhẹ nhàng nhưng tôi luôn đưa ra những quyết định cứng rắn", vị tân chủ tịch của Alibaba thừa nhận.
Những bí kíp lãnh đạo của tân chủ tịch Alibaba
Từ khi trở thành CEO cho Alibaba vào tháng 5 năm 2015, Daniel Zhang “bỏ túi” cho mình nhiều chiến thuật giúp bản thân có thể vượt qua các thử thách mỗi ngày. "Trong thế giới kinh doanh, sự phấn khích không bao giờ kết thúc, sự cạnh tranh cũng không bao giờ dừng lại. Bạn phải tỉnh táo mọi lúc, phải luôn mở mắt ngay cả trong giấc ngủ. Bạn phải luôn học hỏi và đổi mới", ông Zhang nói
Daniel Zhang là một “tín đồ” của những phương thức giao tiếp hiệu quả, vì thế ông luôn yêu cầu nhân viên của mình phải trình bày các thông tin hay tài liệu liên quan trước mỗi buổi họp. Zhang nhận ra rằng cuộc họp là một trong những hình thức tệ nhất dùng để chia sẻ thông tin. “Những cuộc họp chỉ hiệu quả nhất khi bạn biết cách tóm lược nó sao cho ngắn gọn”, ông Zhang viết trên Fast Company.
Ông luôn cố gắng thu thập tất cả thông tin trước mỗi buổi họp và sử dụng chúng cho việc thảo luận, tranh luận và đưa ra quyết định. Nhờ vào cách này, mọi người có thể sử dụng tất cả thời gian để cùng nhau tìm ra yếu điểm trong các chiến lược kinh doanh cũng như trong lối tư duy của mỗi người.
Daniel Zhang phải đối mặt với những quyết định hóc búa mỗi ngày. Thực tế là, những việc nào dễ dàng thì chẳng bao giờ đến lượt ông cả. Vì thế, ông nỗ lực hết sức để đưa ra những quyết định mang tính thách thức mà một không ai trong tổ chức dám làm, ngay cả khi quyết định đó có thể dẫn tới một cuộc tranh cãi. “Quan trọng là bạn có đủ bản lĩnh đảm nhận trách nhiệm nặng nề này hay không”, ông Zhang viết.
Nỗi lo sợ lớn nhất không đến từ sự đúng sai của mỗi quyết định. Bởi mọi người luôn luôn có thể sửa sai nếu mọi việc không đi theo đúng hướng. Nỗi sợ lớn nhất chính là tình trạng tê liệt xuất phát từ việc bạn không thể đưa ra một quyết định nào cả.
“Các nhà lãnh đạo cần có bản lĩnh quyết đoán, ngay cả khi sự lựa chọn đó thiếu hoàn hảo đi chăng nữa”. Trong một số trường hợp, bạn sẽ không thể phân định đúng sai một cách rõ ràng. Bạn sẽ nhận ra rằng nếu mình có quyết tâm, gần như mọi thứ đều khả thi dù con đường đó có gồ ghề hơn. Quan trọng là bản thân phải luôn tiến về phía trước.
Theo kinh nghiệm của ông Zhang, những người đổi mới thường không có đủ kiên nhẫn để tìm ra con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề. Các giám đốc tài chính có thể đưa ra các con số hoặc dự báo chính xác, nhưng nếu bạn cứ do dự hành động cho đến khi mọi thứ được tính toán ra, bạn có thể mất đi lợi thế của người dẫn đầu.
Thật không dễ để thực hiện kế hoạch khi mọi thứ vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng đó chỉ là điều kiện cần. Khi các kế hoạch vẫn chưa rõ ràng, bạn nên tin tưởng vào trực giác của mình. Các nhà lãnh đạo cần có niềm tin vào nhóm của mình nếu họ muốn công việc tiến triển. Zhang luôn mong muốn tất cả quản lý của Alibaba đều có bản lĩnh để tạo ra cơ hội, bao gồm cả bản lĩnh để gánh vác mọi rủi ro đến với công ty.
Có thể bạn quan tâm
16:19, 23/06/2020
16:19, 03/06/2020
13:19, 03/05/2020
10:19, 23/04/2020
11:00, 15/02/2020