Phân tích - Bình luận

Giải mã cuộc "triệu tập" giới doanh nhân Trung Quốc

Nam Trần 18/02/2025 11:06

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì một cuộc họp hiếm hoi với các doanh nhân công nghệ hàng đầu, đánh dấu sự thay đổi lập trường quan trọng đối với khu vực tư nhân.

tap can binh
Ông Tập Cận Bình chủ trì một cuộc họp quan trọng với các tập đoàn hàng đầu, bao gồm cả Jack Ma của ông lớn Alibaba (Ảnh: AsiaOne)

Theo Tân Hoa Xã, ông Tập đã có bài phát biểu trước Thủ tướng Lý Cường cùng các đại diện doanh nghiệp tư nhân – dù danh tính không được tiết lộ. Tuy nhiên, báo chí phương Tây cho biết cuộc họp có sự góp mặt của các nhân vật tầm cỡ như Jack Ma (Alibaba) và nhà sáng lập DeepSeek, Liang Wenfeng.

Các chuyên gia nhận định, cuộc họp hiếm hoi do ông Tập chủ trì này là tín hiệu rõ ràng về việc Trung Quốc đang có lập trường cởi mở hơn với khu vực tư nhân.

Trước đây, Jack Ma và Alibaba từng chịu ảnh hưởng nặng nề từ chiến dịch siết chặt quản lý đối với lĩnh vực công nghệ và khu vực tư nhân, được khởi xướng từ năm 2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, cùng với việc các công ty lớn như Alibaba điều chỉnh chiến lược để phù hợp với định hướng của chính phủ, cách tiếp cận của Bắc Kinh cũng dần trở nên mềm mỏng hơn.

Thông điệp mạnh mẽ từ chính quyền

"Đây là tín hiệu rõ ràng nhất nhằm củng cố niềm tin xã hội. Việc chính Chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp tham dự cuộc gặp với giới doanh nhân cho thấy tầm quan trọng chính trị của sự kiện này," ông You Chuanman, giảng viên cấp cao tại Trường Luật, Đại học Khoa học Xã hội Singapore, nhận định.

Dù vậy, với áp lực tăng trưởng do sức mua yếu và thị trường bất động sản đình trệ, chính phủ Trung Quốc buộc phải điều chỉnh chính sách theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn.

"Đây là một bước đi nhằm tạo điều kiện thuận lợi, chứ không phải sự thay đổi hoàn toàn," ông Chuanman nhấn mạnh và cho rằng Trung Quốc đã dịch chuyển từ chính sách siết chặt đối với thị trường bất động sản và khu vực tư nhân trước đại dịch sang việc phát tín hiệu tích cực hơn cho nền kinh tế tư nhân. Bắc Kinh đã liên tục thay đổi giọng điệu, từ khoan dung, cải thiện đến khuyến khích khu vực này.

Dù chưa có tuyên bố chính thức, nhiều ý kiến cho rằng sự thay đổi trong quan điểm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc xuất phát từ tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt sau thành công của DeepSeek.

Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đã chứng kiến đợt tăng giá mạnh trong tháng qua, giúp chỉ số Hang Seng China Enterprises Index trở thành chỉ số có hiệu suất tốt nhất thế giới. Những đồn đoán về các cuộc thảo luận giữa chính quyền và các tập đoàn lớn như Alibaba càng củng cố tâm lý tích cực, đẩy giá cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ lên mức cao nhất kể từ năm 2022.

Mô hình Qwen của Alibaba cũng đạt kết quả xuất sắc trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn chính thức, củng cố vị thế của công ty trong lĩnh vực AI. Apple của Mỹ gần đây cũng thông báo sẽ tích hợp công nghệ AI của Alibaba vào iPhone bán tại Trung Quốc, cho thấy niềm tin lớn vào năng lực phát triển công nghệ của Alibaba.

"Sự ra mắt của DeepSeek-R1, cùng với các mô hình AI cạnh tranh toàn cầu và chi phí hợp lý của Trung Quốc, đã thay đổi góc nhìn về công nghệ nước này, đồng thời nâng cao niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng và lợi ích kinh tế từ AI," Goldman Sachs đánh giá trong một báo cáo gần đây.

Dù vậy, triển vọng phát triển tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc chính quyền có đưa ra những chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp hay không.

Deepseek đang góp phần hút vốn đầu tư vào TTCK Trung Quốc (Ảnh: Forbes)
Công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, có thể là trọng tâm trong hợp tác giữa chính phủ và các tập đoàn Trung Quốc sắp tới (Ảnh: Forbes)

Chiến lược dài hạn của Trung Quốc

Tự chủ công nghệ tiếp tục là mũi nhọn để Trung Quốc giảm áp lực từ Mỹ. Dù gặp thách thức trong việc tiếp cận các công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất, Trung Quốc vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh trong nhiều khâu quan trọng của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu – một vị thế không dễ bị thay thế trong một sớm một chiều.

10 năm qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như sản xuất chip, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, với sự hỗ trợ từ các quỹ nhà nước và chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nội địa.

Các công ty như SMIC và Huawei đang nỗ lực phát triển công nghệ bán dẫn tiên tiến nhằm giảm sự phụ thuộc vào phương Tây. Chẳng hạn, Huawei đã ra mắt dòng chip Kirin 9000s vào năm 2023, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực phát triển chip nội địa.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang mở rộng nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực lượng tử, vật liệu bán dẫn thế hệ mới và điện toán biên, nhằm đảm bảo lợi thế công nghệ dài hạn. Chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) là điểm nhấn chính trong định hướng nâng giá trị ngành công nghiệp và giảm dần sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là việc tiếp cận các công nghệ cốt lõi từ Mỹ và đồng minh, như thiết bị sản xuất chip của ASML hay phần mềm thiết kế bán dẫn của các công ty Mỹ như Cadence và Synopsys. Để đối phó với điều này, Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia không thuộc khối phương Tây, như Nga và các nước đang phát triển, nhằm tìm kiếm nguồn cung thay thế và phát triển công nghệ nội địa.

Dù còn nhiều thách thức phía trước, giới quan sát tin rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược này bằng cách kết hợp chính sách hỗ trợ với việc huy động sức mạnh từ khu vực tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba, Tencent và Huawei. Đây sẽ là yếu tố quan trọng quyết định khả năng Trung Quốc cạnh tranh với phương Tây trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải mã cuộc "triệu tập" giới doanh nhân Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO