Trong bối cảnh thương chiến 2.0 bùng nổ, Trung Quốc vẫn không lay chuyển chiến lược tự chủ kinh tế trong các ngành chủ lực với quyết tâm đầu tư khổng lồ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cho biết ông không vội nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để xoa dịu cuộc chiến thương mại 2.0 giữa hai cường quốc kinh tế.
Không ai rõ hai nhà lãnh đạo toan tính gì trong đầu, nhưng có một cách lý giải: Mỹ vẫn chưa có đủ "quân bài" trong tay đủ sức lay chuyển ý chí của đối thủ.
Trung Quốc cũng không vội vàng bởi họ đã xây được những nền tảng, mà thành công của ngành công nghệ gần đây là một minh chứng.
Sau 10 năm phát triển chiến lược "Made in China 2025", các sản phẩm và dịch vụ công nghệ tiên tiến của Trung Quốc - từ điện thoại thông minh, xe điện hay nhà máy năng lượng tái tạo - giờ đây không hề thua kém, với một số đã vượt bậc, so với của phương Tây.
Công nghệ được xem là trung tâm trong thành trì kinh tế để Trung Quốc chống lại nỗ lực làm suy yếu của Mỹ và phương Tây. Bất chấp nền kinh tế đã suy yếu trong vài năm qua, Bắc Kinh vẫn quyết tâm duy trì cuộc đua giảm sự phụ thuộc vào công nghệ và sản phẩm nước ngoài, đánh đổi bởi một nguồn lực khổng lồ.
Cho tới nay, số vốn mà Bắc Kinh đã đổ vào các ngành công nghiệp trọng điểm được ước tính lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chi tiêu hàng năm của Trung Quốc cho chính sách công nghiệp vào khoảng 250 tỷ USD tính đến năm 2019.
Trên nhiều khía cạnh, chiến lược này đã mang lại thành công. Thay vì phụ thuộc vào các công ty nước ngoài trong lĩnh vực robot và thiết bị y tế, Trung Quốc hiện tự sản xuất nhiều hơn. Tấm pin mặt trời sản xuất trong nước đang dần thay thế cho hàng nhập khẩu năng lượng. Thành công của ngành xe điện và startup trí tuệ nhân tạo DeepSeek đã làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể vượt qua phương Tây trong một số lĩnh vực công nghệ tiên tiến.
Ngành xe điện Trung Quốc là một trong những lĩnh vực nổi bật nhất từ năm 2015. Theo ước tính của CSIS, hỗ trợ công nghiệp cho ngành này đã tăng từ 15 tỷ USD năm 2019 lên hơn 45 tỷ USD vào năm 2023, giúp hơn 100 thương hiệu tham gia thị trường.
Nhờ chất lượng xe cải thiện, các thương hiệu Trung Quốc đã vượt qua đối thủ nước ngoài ngay tại thị trường nội địa và nhanh chóng mở rộng ra nước ngoài.
Năm 2023, xe điện và hybrid chiếm 48% doanh số ô tô du lịch tại Trung Quốc, đạt gần 11 triệu xe, trong đó phần lớn là thương hiệu Trung Quốc như BYD và Geely. BYD đã vượt qua Volkswagen để trở thành hãng xe bán chạy nhất Trung Quốc, trong khi General Motors chứng kiến doanh số sụt giảm nghiêm trọng.
Lĩnh vực đóng tàu cũng chứng kiến sự trỗi dậy tương tự. Chính phủ Trung Quốc đã bơm khoảng 132 tỷ USD vào ngành này từ năm 2010 đến 2018, giúp nước này trở thành cường quốc đóng tàu số một thế giới, chiếm hơn 50% tổng sản lượng toàn cầu, so với chỉ 5% vào năm 1999.
Các công ty Trung Quốc vẫn đạt được những bước tiến đáng kể về ngành bán dẫn bất chấp Mỹ và các đồng minh áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ sản xuất chip tiên tiến. Năm 2023, Huawei gây bất ngờ khi ra mắt Mate 60 với con chip tiệm cận trình độ của Apple. Mô hình AI DeepSeek hiệu suất cao với giá rẻ gần đây cũng khiến giới đầu tư phương Tây phải sững sờ.
Tuy nhiên, chính sách công nghiệp này cũng tiêu tốn nguồn lực lớn của Trung Quốc trong bối cảnh doanh thu chính phủ đang chững lại.
Bất chấp đầu tư lớn, một số lĩnh vực như hàng không vũ trụ, thực phẩm và bán dẫn vẫn gặp trở ngại lớn. Máy bay chở khách C919 của Trung Quốc, dù được ca ngợi là đối thủ của Boeing và Airbus, vẫn phụ thuộc vào linh kiện nước ngoài như động cơ từ Mỹ và Pháp.
Trong ngành bán dẫn, dù Bắc Kinh đặt mục tiêu sản xuất 70% nhu cầu chip trong nước vào năm 2025, nhưng con số thực tế mới chỉ đạt 30% vào năm 2024.
Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư tràn vào các nhà máy Trung Quốc đang tạo ra lượng hàng hóa khổng lồ xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với giá thấp, làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại.
Mỹ và các đồng minh vẫn đang tìm cách chặn dòng chảy của chip tiên tiến của họ vào Trung Quốc. Nhưng sự thống trị sản xuất của Trung Quốc trong một số lĩnh vực giá trị cao sẽ khó có thể thay thế. Điều này hứa hẹn sẽ trở thành điểm nóng trong xung đột thương mại mới khi ông Trump tiếp tục gia tăng áp lực với Bắc Kinh.