Bài toán khó của CEO Grab Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân
Giữ vững vị thế bá chủ thị trường của Grab thông qua mở rộng mức độ phủ sóng tại Việt Nam là thách thức không nhỏ của CEO Grab Nguyễn Thái Hải Vân.
Đầu năm 2020, trên thượng tầng lãnh đạo của Grab Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi quan trọng. "Cặp đôi hoàn hảo" Jerry Lim và Nguyễn Tuấn Anh đồng loạt rời Grab, thay vào đó bà Nguyễn Thái Hải Vân – từng giữ chức Phó Chủ tịch Marketing Unilever Việt Nam lên thay ông Lim làm CEO, lèo lái con thuyền Grab tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Tuấn Anh chính là "khai quốc công thần" của Grab, khi là co-founder Grab Việt Nam và kiêm CEO trong những ngày đầu, từng phụ trách các mảng như xe 2 bánh, xe 4 bánh hay gọi thức ăn. Năm 2016, lúc công ty mẹ cử ông Jerry Lim chính thức sang điều hành Grab, thì ông Nguyễn Tuấn Anh mới dần chuyển sang làm Giám đốc mảng thanh toán trực tuyến cho Grab.
Nhận xét về mối lương duyên của mình với Grab, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, sở dĩ Grab có được những thành tựu hôm nay tại thị trường Việt Nam là nhờ họ đã gặp đúng người và đúng thời điểm. Sau khi rời Grab đầu năm 2020, ông Tuấn Anh chuyển sang làm CEO của VinID.
Cũng như thế, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa Grab chiếm lĩnh thị trường gọi xe và thức ăn Việt Nam, ông Jerry Lim quay lại Singapore cùng gia đình sau hơn 3 năm tha hương. Kể từ tháng 2/2020, ông Lim sẽ phụ trách phần Trải nghiệm dịch vụ khách hàng của Grab tại khu vực Đông Nam Á.
Có thể nói, việc ra đi của ông Nguyễn Tuấn Anh và Jerry Lim là nằm trong kế hoạch của Grab, bởi cả 2 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. "3 năm nay, Grab đã đặt mục tiêu tìm được một người lãnh đạo rất hiểu cuộc sống người Việt, hiểu tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu thực tế của người Việt. Việc thay đổi này nằm trong kế hoạch kinh doanh dài hạn của công ty", bà Nguyễn Thái Hải Vân chia sẻ.
Thế nên, 2 cuộc chia ly này được Grab đón nhận khá vui vẻ và tiễn đưa nồng hậu.
Khởi đầu từ một quản trị viên tập sự tại Unilever, bà Hải Vân sau đó đã trở thành phó chủ tịch trẻ tuổi nhất từng được bổ nhiệm ở công ty đa quốc gia này.
Bà từng đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp rằng: Nếu tìm đúng môi trường tốt, bạn hoàn toàn có cơ hội thực hiện đam mê và biến giấc mơ thành hiện thực. Kiên trì với giấc mơ, gieo hạt mầm khởi nghiệp đúng môi trường cũng giống bạn như đang vận hành công ty của chính mình vậy. Do đó, môi trường chính là yếu tố cực kỳ quan trọng cho nền tảng phát triển bản thân và sự nghiệp.
Trên cương vị mới, bà Vân sẽ tập trung vào việc hoạch định chiến lược phát triển cho tất cả hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam.
Trên cương vị nặng nề, CEO Grab Việt Nam cho biết: "Grab hiện được sử dụng khá rộng rãi trong 1 - 2 lĩnh vực, tiếp theo chúng tôi muốn mở dịch vụ rộng hơn nữa, thành một hệ sinh thái hướng tới bền vững và nhiều chức năng để người dùng sử dụng hơn. Nếu bạn hình dung, chúng tôi mong muốn có thể xây dựng Grab thành bạn đồng hành cho người dân từ sáng đến tối, giúp cho việc hàng ngày của bạn trở nên thuận lợi và nhanh hơn rất nhiều. Đấy là mục tiêu số 1.
Mục tiêu thứ 2, chúng tôi chỉ mới phục vụ được những thành phố chính. Còn rất nhiều tỉnh thành mà nhu cầu của người dân đã bắt dầu có, cơ sở hạ tầng, tức mức độ thâm nhập của smartphone, Internet, 3G... có rồi, nhưng dịch vụ của Grab chưa phủ tới. Bước thứ 2, Grab sẽ tăng cường sự hiện diện để lan tỏa đến đông đảo tỉnh thành hơn, và nhắm tới cả nước.
Ngoài ra, mục tiêu rất lớn tiếp theo là hợp tác với Moca để đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt và hy vọng sẽ giới thiệu được các dịch vụ tài chính toàn diện hơn nữa đến với người dân"
Cho tới thời điểm này, vị thế của Grab trên mọi mặt trận đều khá ổn định. Báo cáo của ABI Research cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Grab áp đảo thị trường với 146 triệu cuốc xe, tương đương 73% thị phần; be chiếm 16% thị phần và Go-Viet chiếm 10% thị phần.
Khảo sát gần nhất của Qandme cho thấy, 79% người trả lời câu hỏi khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường này tiết lộ họ thường xuyên sử dụng GrabFood để gọi món, 55% số người nói GrabFood là ứng dụng họ dùng nhiều nhất khi phát sinh nhu cầu đặt món ăn. Con số dành cho các đối thủ xếp sau của GrabFood lần lượt là Now (29%), Go-Food (10%) và Baemin (5%).
Có thể nói, trong tương lai gần, vị thế độc tôn của Grab tại thị trường Việt Nam khó ai có thể lay chuyển được, thế nên "kỳ lân" này mới dám để một người còn ít kinh nghiệm trong ngành gọi xe như Nguyễn Thái Hải Vân lên ngồi ở vị trí cao nhất. Thêm nữa, nếu xét kỹ, kinh nghiệm mà tân CEO này có được trong những ngày phục vụ Unilever phù hợp với chiến lược tiếp theo của Grab Việt Nam.
Trong tất cả, mảng khiến Nguyễn Thái Hải Vân lo nhất có lẽ là gọi thức ăn khi ngoài Go-Jek, họ còn đối mặt với 2 đối thủ rất mạnh là Now và Baemin đều là những "kỳ lân" châu Á – nhất là sự xuất hiện của Baemin.
Sự cạnh tranh của các ứng dụng giao hàng ăn trực tuyến nằm ở khả năng xây dựng cộng đồng, tốc độ xử lý đơn hàng và giao hàng. Điều này đòi hỏi lượng dữ liệu lớn từ thị trường, từ đó mục đích cuối cùng là đề xuất cho người dùng những sản phẩm phù hợp, đúng người, đúng thời điểm, đẩy mạnh tốc độ bán hàng và tăng trải nghiệm hài lòng cho khách hàng.
Để giành lấy thị phần ít ỏi, các công ty vận hành ứng dụng gọi đồ ăn trực tuyến đang chi rất nhiều tiền để phát triển thị trường. Tuy nhiên, sẽ có lúc chiến lược này không bền vững. Muốn đi lâu dài phải có chất lượng, tức là tiền cũng cần và cần chi tiêu khôn ngoan.
Vì vậy, trong khi người tiêu dùng ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục nhận được các khuyến mại, thì các công ty công nghệ sẽ cần phải có khoản ngân sách đủ lớn để đi được lâu dài. Họ cũng cần hóa giải được những rào cản lớn nhất ở thị trường giao hàng ăn là hạ tầng logistics và thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Dự đoán cuộc chiến giữa hai siêu ứng dụng Grab - Gojek
14:39, 06/08/2020
CEO Grab Việt Nam: Bảo toàn vốn là quan trọng nhất với startup
04:23, 30/07/2020
Giải mã “đừng bỏ bữa” – chiến dịch ‘triệu view’ của GrabFood
11:23, 06/07/2020
Vừa ra đời được 6 tháng, startup của các cựu nhân viên Grab gọi vốn thành công 7 triệu USD
04:06, 05/07/2020
“Ẩn họa” từ Grab
11:30, 14/06/2020
Ứng phó thế nào với mối đe dọa từ “đế chế” Grab?
06:10, 04/06/2020