Grab đang xây dựng hệ sinh thái khép kín, từ các dịch vụ thiết yếu đến tài chính số. “Đế chế” Grab không chỉ sẽ đè bẹp ngân hàng truyền thống, mà còn đe dọa an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Mối đe dọa tiềm ẩn
Hiện Grab đang chờ Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) đưa ra quyết định cuối cùng đối với đề xuất xin thành lập ngân hàng số của mình. Nếu được chấp thuận, Grab sẽ là mối đe dọa thực sự đối với các ngân hàng truyền thống, không chỉ ở Singapore mà cả trong khu vực.
Rất có thể sau khi được cấp phép tại đây, Grab sẽ mở rộng hoạt động ngân hàng ra nhiều quốc gia trong khu vực như cách mà tập đoàn này đã từng triển khai đối với mảng kinh doanh cốt lõi của mình là ứng dụng gọi xe... Bởi như Chủ tịch Grab Ming Maa đã từng tuyên bố, với việc sử dụng các ưu thế về công nghệ, Grab có thể cung cấp loạt dịch vụ tài chính tương đương với chi phí thấp hơn nhiều so với những gì các ngân hàng truyền thống có thể cung cấp.
Có thể nói ngân hàng số là mảnh ghép cuối cùng để Grab hiện thực hóa giấc mơ đầy tham vọng của mình là xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng số, trong đó Grab vừa đóng vai trò là nhà tạo lập, người cung cấp dịch vụ và trung gian tài chính. Trong vòng quay khép kín đó, vai trò của các ngân hàng truyền thống sẽ bị xóa sổ, thậm chí vài trò của các NHTW cũng trở nên mờ nhạt khi mà Grab sẽ sử dụng đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Sở dĩ Grab áp đảo hệ thống tài chính tiền tệ do hệ sinh thái dịch vụ lẫn số lượng khách hàng của Grab đã đủ lớn để đảm bảo triển khai dịch vụ ngân hàng số thành công. Bên cạnh đó là nền tảng công nghệ hiện đại và khả năng hoạt động xuyên quốc gia cũng như dòng tiền đầu tư khổng lồ, sẽ biến Grab thành ngân hàng số lớn nhất trong khu vực.
Việc lấn sân sang lĩnh vực tài chính số của Grab đã mang đến cho các nhà quản lý nhiều thách thức khi không dễ kiểm soát được dòng tiền luân chuyển xuyên biên giới trong hệ sinh thái của Grab. Trên thực tế đã có không ít quốc gia đã từ chối cấp phép hoạt động thanh toán của Grab do lo ngại đến an ninh tài chính quốc gia, chứ chưa nói gì đến hoạt động ngân hàng số.
Đơn cử NHTW Indonesia đã từ chối không cấp giấy phép trung gian thanh toán cho GrabPay từ năm 2017. Để ngăn ngừa hiện tượng lách luật thâu tóm doanh nghiệp trung gian thanh toán trong nước, NHTW Indonesia quy định mức trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các trung gian thanh toán không được vượt quá 49%. Thậm chí, NHTW Indonesia còn quy định giấy phép trung gian thanh toán chỉ có hiệu lực trong 5 năm, và không được phép thực hiện các hành vi làm thay đổi cổ đông kiểm soát trong 5 năm kể từ thời điểm được cấp giấy phép.
Cần dựng hàng rào kỹ thuật
Tại thị trường Việt Nam, Grab cũng có những bước đi khá bài bản để chiếm lĩnh thị phần và lấn sân sang lĩnh vực tài chính. Theo đó, mặc dù GrabPay chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, nhưng để hợp pháp hóa, Grab đã mua lại hơn 3,5% cổ phần của Moca và ra mắt ví điện tử GrabPay by Moca để rồi từ đó ồ ạt triển khai các dịch vụ thanh toán thông qua ví điện tử này. Đáng chú ý, dù chỉ sở hữu hơn 3,5% cổ phần của Moca, nhưng Grab có tới 2 thành viên trong HĐQT của Moca. Điều này đặt ra nhiều dấu hỏi về sự chi phối của Grab đối với Moca?
Do Việt Nam chưa có quy định về sở hữu nước ngoài tại các trung gian thanh toán, nên có khá nhiều trung gian thanh toán có tỷ lệ vốn nước ngoài vượt 50%. Dù điều này phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng cũng là một hiểm họa đối với vấn đề an ninh tài chính khi đây là một lĩnh vực liên quan mật thiết tới huyết mạch của nền kinh tế, liên quan đến việc kiểm soát dòng tiền luân chuyển xuyên biên giới, đến công tác phòng chống rửa tiền.
Bên cạnh đó, hiện Chính phủ đã đồng ý cho thí điểm Mobile Money. Do đó, cần dựng hàng rào kỹ thuật để tránh trường hợp các trung gian thanh toán, như Grabpay by Moca… liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money để “lách” sự giám sát của của các ngân hàng Việt Nam mà có thể luân chuyển dòng tiền tự do trong hệ sinh thái xuyên biên giới của Grab. Bởi vậy, tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, cần bổ sung quy định các doanh nghiệp viễn thông phải định danh tài khoản Mobile Money thông qua tài khoản ngân hàng. Đồng thời, cần khống chế hạn mức giao dịch Mobile Money ở mức khoảng 10 triệu đồng/tháng...
Ngoài ra, ủy thác đầu tư cũng là một trong những vấn đề phức tạp, mà chưa có giải pháp kiểm soát, có nguy cơ dẫn đến sự mất kiểm soát trong các trung gian thanh toán, kể cả ở các đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money…
Rõ ràng, mới chỉ hoạt động theo mô hình Fintech trung gian thanh toán thôi mà rủi ro đã lớn như vậy, nay nếu Grab được cấp phép hoạt động ngân hàng số thì rủi ro sẽ thế nào? Đó là băn khoăn của không ít chuyên gia ngân hàng hiện nay.
Không lo sao được khi mà Grab được cấp phép hoạt động ngân hàng số cũng đồng nghĩa với việc Grab sẽ tham gia vào hệ thống tài chính sẽ sâu và rộng hơn. Đáng quan ngại hơn là Grab còn được huy động tiền gửi từ dân cư, nên nếu xảy ra rủi ro thì hệ hụy đối với hệ thống tài chính tiền tệ nói riêng, nền kinh tế nói chung sẽ là rất lớn.
Dù ở Việt Nam khuôn khổ pháp lý cho ngân hàng số chưa hoàn thiện, như chưa có tiền điện tử, chưa có ngân hàng đại lý…, nhưng cần hết sức cẩn trọng khi Grab đang dần khép kín hệ sinh thái số, với ngân hàng số là mảnh ghép cuối cùng.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 27/05/2020
04:00, 12/03/2020
14:13, 09/01/2020
15:53, 07/01/2020
11:00, 03/01/2020
11:00, 02/01/2020