Hồng Lam và "3 vòng giá trị" nhằm đối phó với siêu khủng hoảng COVID
Là doanh nghiệp chủ yếu bán hàng dưới hình thức offline (trực tiếp tại các cửa hàng), đợt COVID-19 đầu tiên diễn ra khiến doanh thu của ô mai Hồng Lam giảm đến 90%.
Đặc trưng của sản phẩm Hồng Lam là giúp kết nối các mối quan hệ xã hội. Người dùng mua với 3 mục đích: Ăn vặt, làm quà tặng và làm quà Việt trong các giao thương.
COVID là cuộc khủng hoảng... siêu lớn
“Khi COVID-19 ập đến, các chuyến bay thương mại quốc tế dừng hoạt động, mảng quà tặng Việt của công ty không còn doanh thu. Trong thời gian các cửa hàng phải đóng cửa, doanh thu của chúng tôi chỉ còn một phần nhỏ từ mảng quà vặt”, ông Nguyễn Hồng Lam – chủ thương hiệu ô mai Hồng Lam chia sẻ.
Ông Hồng Lam cho biết, làm kinh doanh 5 năm có một khủng khoảng lớn. 3 năm có một khủng hoảng vừa. Và năm nào cũng có vài khủng hoảng nhỏ. Nhưng COVID-19 là siêu lớn. Nhưng là doanh nhân thì phải sẵn sàng.
"Khủng hoảng tài chính năm 2008 có rất nhiều bài học hay để áp dụng nhưng mức độ ảnh hưởng không bằng. Hiện tại là khủng hoảng thị trường. Sẽ rất đau. Muốn vượt được khủng hoảng tài chính thì có rất nhiều giải pháp, trong đó phải biết sử dụng các nguồn lực bên ngoài và dự trữ bên trong. Nhưng để sẵn sàng đối mặt với khủng hoảng, cần tạo ra các lớp bảo vệ từ trước.
Thế hệ F2 là con trai và con dâu luôn được tôi dạy rằng, không bao giờ được phép tiêu tới những đồng tiền cuối cùng. Đó là bài học của người Eskimo. Họ luôn chôn những miếng thịt cuối cùng ở các lãnh nguyên. Khi cuộc săn bắt thất bại, trở về sẽ luôn có cứu cánh.
Tương tự, tôi dạy các con phải luôn cẩn thận và biết cái gì có thể hỗ trợ mình, sử dụng nguồn lực nào bên ngoài để vượt qua khủng hoảng", ông Hồng Lam cho biết.
Để vượt qua "làn sóng" COVID-19 đầu tiên, ông Hồng Lam chia sẻ: "Thời gian đó, chúng tôi dồn toàn lực sang mảng sản xuất vì nghề của chúng tôi là nghề mùa vụ. Chúng tôi tập trung vào thu mua hoa quả tươi. Còn một số anh chị em bán hàng, họ tự nguyện nghỉ như nghỉ phép”.
Hết giai đoạn cách ly xã hội, ô mai Hồng Lam hoạt động trở lại. Dù mất đi doanh thu mảng quà Việt do các đường bay quốc tế vẫn chưa mở cửa, doanh thu mảng quà tặng có dấu hiệu khởi sắc nhờ việc người dân tích cực đi du lịch trong nước.
Chuyển "trục" kinh doanh
Tuy nhiên, khi những thông tin về đợt COVID-19 thứ hai xuất hiện, ông chủ ô mai Hồng Lam cảm thấy như “bị dội một gáo nước và ngay lập tức chuẩn bị cho một đợt bão mới”.
Không sa thải nhân viên, ông cùng mọi người bàn bạc để đưa ra những giải pháp tốt nhất cho công ty.
“Chúng tôi bàn bạc với anh em và quyết định rút từ 26 xuống còn 21-22 ngày công/tháng. Mọi người đều hiểu và thông cảm với quyết định đó”, ông Lam chia sẻ.
Nhà sáng lập ô mai Hồng Lam cho biết, doanh nghiệp của ông cũng tìm cách chia sẻ với khách hàng bằng cách tặng quà, giảm giá một số mặt hàng. Một số sản phẩm đóng gói nhỏ hơn để phù hợp với xu hướng giảm bớt chi tiêu của người tiêu dùng.
“Trước đây, khách hàng tìm đến mình, giờ đây chúng tôi tìm đến khách hàng bằng cách mở rộng thêm các kênh online. Chúng tôi cũng mở ra các kênh cho phép nhân viên bán hàng ngoài giờ thay vì chỉ bán tại cửa hàng. Trong thời gian tới, chúng tôi dự định cho phép các bạn nhân viên ngành nghề khác cũng có quyền bán hàng, tạo điều kiện cho họ có thêm thu nhập”, ông Lam nêu giải pháp.
Bên cạnh đó, ô mai Hồng Lam làm việc với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra nước ngoài, chấp nhận sản xuất theo yêu cầu của khách hàng, xây dựng khung giá mới cho phù hợp với thị trường. Các chương trình dự kiến thuê ngoài cũng được giao cho cán bộ công nhân viên của công ty trực tiếp thực hiện.
Muốn tồn tại thì phải tạo ra được 3 vòng giá trị
Khi kinh doanh bạn luôn phải biết, nếu thế chấp những tài sản của công ty thì chúng ta có gì. Nếu thế chấp tài sản của cá nhân thì chúng ta có gì. Điều quan trọng nhất là luôn luôn tạo dòng tiền dương. Đó là bài toán khó với rất nhiều công ty. Doanh thu lớn nhưng dòng tiền không dương thì vẫn "hy sinh".
Một bài học khác rất quan trọng trong tài chính là không chỉ nhìn lưu chuyển tiền mặt mà phải nhìn thấy lưu chuyển tài chính. Những dòng tài chính chảy ngầm trong hàng tồn kho, khách hàng nợ.
"Phải tương đối làm chủ được các dòng đó, dù nó phụ thuộc một phần vào bên ngoài. Đó cũng là lý do mà khi xây nhà máy, tôi không xây ào ào tất cả các module mà chọn cách xây từ từ, lớn dần lên. Khi các dòng tiền về, tôi luôn chia thành các quỹ: đầu tư, phát triển, bảo hiểm…
Không sốt ruột, không vội vàng, chúng tôi bình tĩnh phát triển và không tiếp nhận các gói đầu tư. Nhận đầu tư có thể là đòn bẩy rất là tốt nhưng cũng tạo nên áp lực lớn từ bên ngoài", ông Lam chia sẻ.
Kinh doanh chỉ thành công khi ta nhìn thấy giá trị mà người khác không nhìn thấy. Nhiều người nghĩ rằng, kinh doanh là để kiếm tiền, để làm giàu cho gia đình. Nhưng ông chủ Hồng Lam nói rất rõ ràng với các con rằng, kinh doanh là việc tổ chức các nguồn lực của xã hội và gia đình để tạo nên những giá trị đạt được hoặc vượt qua các kỳ vọng của xã hội và người tiêu dùng.
Muốn tồn tại thì phải tạo ra được 3 vòng giá trị:
Vòng thứ nhất là giá trị sử dụng, gồm vật chất và tinh thần. Ví dụ, những người mua quà vặt của Hồng Lam là sử dụng được cả 2 giá trị đó. Thứ nhất là vật chất, là ngon lành đẹp. Thứ hai là tinh thần, bao gồm niềm tin các sản phẩm này được sản xuất cẩn thận, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ sẽ cảm thấy ngon và ăn thoải mái trước cả khi họ ăn. Đó là giá trị rất quan trọng.
Vòng thứ hai là tạo ra các giá trị gia tăng và gia tăng giá trị. Đó là các bao bì nhãn mác, các nhận diện mang hồn cốt của Hà Nội, của Việt Nam. Cùng một sản phẩm nhưng biết đóng bao bì và làm truyền thông thì sẽ tạo ra các giá trị gia tăng rất lớn. Thậm chí, nâng tầm giá trị của sản phẩm.
Rất nhiều người hỏi tôi làm thế nào để tạo ra tinh hoa từ các sản phẩm rất đơn giản. Thực tế là nếu chúng ta biết sử dụng những sản phẩm rất bình thường trong cuộc sống, nâng tầm lên nhờ công nghệ, giải pháp để làm tốt hơn nữa thì chắc chắn sẽ được xã hội tiếp nhận.
Đừng nghĩ rằng chỉ những gì cao siêu, to tát mới tạo nên được giá trị cho xã hội. Những người tạo nên giá trị cho xã hội chắc chắn là những người thành công. Dòng tiền là hệ quả của sự thành công đó.
Vòng giá trị thứ ba là vòng giá trị xã hội, là niềm tin, niềm tự hào. Tôi đã thấy bức ảnh quà Hồng Lam trên bàn của Thị trưởng Mỹ. Đã nghe thấy một người trong ban cố vấn của Tổng thống Bill Clinton nói rằng, ông ta nhận được 10 hộp quà từ Việt Nam và cả 10 đều có sản phẩm của Hồng Lam.
Từ quà vặt trở thành quà tặng, rồi quà Việt, thậm chí trở thành quà quốc gia. Đó là một niềm tự hào. Từ đó, có một bài học rằng không có gì là nhỏ bé cả. Hãy làm tốt cho xã hội, hãy tạo ra giá trị cho người dùng. Không phải chỉ riêng các con tôi mà nếu các doanh nhân hiểu được điều đó thì chắc chắn Việt Nam sẽ cất cánh mạnh mẽ và sớm trở thành cường quốc.
Có thể bạn quan tâm
CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng nói gì về Bluezone?
03:24, 07/08/2020
Coteccons bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc
11:31, 06/08/2020
Chủ tịch Vietravel: COVID-19 trở lại là cú "đánh bồi" với doanh nghiệp du lịch
03:39, 06/08/2020
Chiến lược "giữ người" của Chủ tịch Thiên Minh Group
03:10, 05/08/2020
Tách bạch CEO, Chủ tịch HĐQT và thách thức chuyển giao
03:35, 04/08/2020