Donald Trump: Từ tỷ phú đại tài đến Tổng thống gây nhiều tranh cãi
Rất lâu trước khi đắc cử tổng thống Mỹ, Donald Trump vốn nổi tiếng với vị trí tỷ phú bất động sản kiêm ngôi sao truyền hình thực tế.
Donald Trump dang bước vào cuộc đua tranh cử đầy cam go với Joe Biden.
"Con nhà nòi"
Sinh ngày 14/6/1946 tại quận Queens, thành phố New York, Mỹ, Donald Trump là con thứ tư của ông trùm bất động sản Fred Trump. Dù sinh ra trong gia đình giàu có, Trump từng bị sắp xếp làm ở những vị trí cấp thấp nhất trong công ty của cha và được gửi tới một trường quân sự vào năm 13 tuổi.
Trong năm cuối cấp, Trump tham gia đội diễu hành, đạt cấp đại úy của thiếu sinh quân. Trump được theo học tại đây vì theo Fred Trump nói rằng Donald Trump khi đó là một cậu bé khá cục cằn và ương bướng, vì vậy ông muốn học viện này rèn luyện Donald Trump trở thành một con người nghiêm túc mẫu mực.
Kết thúc bậc trung học vào năm 1964, Trump theo học hai năm tại Đại học Fordham, New York, rồi chuyển sang Trường Tài chính và Thương mại Wharton thuộc Đại học Pennsylvania để nối nghiệp cha, sau khi anh trai của ông quyết định theo đuổi nghề phi công. Tuy nhiên, chứng nghiện rượu khiến anh trai của Trump mất sớm ở tuổi 43, sự cố khiến Trump tránh rượu và thuốc lá suốt đời.
Trump cho biết ông bước chân vào lĩnh vực bất động sản với khoản vay "nhỏ" trị giá một triệu USD từ cha mình, trước khi gia nhập công ty. Sau đó, ông giúp quản lý những dự án nhà dân của cha tại các quận ở thành phố New York. Năm 1974, Trump trở thành chủ tịch tập đoàn của cha và đổi tên nó thành Trump Organization.
Tỉ phú bất động sản “mát tay”…
Trong những năm học đại học, một trong những dự án đầu tiên của Trump là việc hồi sinh tổ hợp căn hộ Swifton Village ở Cincinnati, Ohio, được cha ông mua lại với giá 5,7 triệu USD năm 1962. Fred và Donald Trump đều tham gia vào dự án. Trump quản lý 14.000 căn hộ của công ty ở Brooklyn, Queens và Staten Island. Năm 1972, The Trump Organization bán Swifton Village với giá 6,75 triệu USD.
Năm 1973, ông và cha mình đã thu hút sự chú ý rộng hơn khi Bộ Tư pháp tranh cãi trong một vụ kiện rằng công ty của họ phân biệt đối xử một cách có hệ thống với người Mỹ gốc Phi muốn thuê căn hộ. Bộ cáo buộc rằng Tổ chức Trump đã sàng lọc mọi người dựa trên chủng tộc và thu nhập không thấp như Trumps đã tuyên bố.
Năm 1978, Trump ra mắt công việc kinh doanh bất động sản Manhattan của mình bằng cách mua 50% cổ phần của khách sạn Hàng hóa vô chủ, nằm cạnh Grand Central Terminal. Việc mua được tài trợ phần lớn bằng khoản vay xây dựng trị giá 70 triệu đô la được bảo đảm bởi Fred Trump và chuỗi khách sạn Hyatt. Khi việc tu sửa kết thúc, khách sạn mở cửa trở lại vào năm 1980 với tên là Khách sạn Grand Hyatt.
Năm 2001, Donald Trump khánh thành Trump World Tower, tòa cao ốc dân sinh 72 tầng đối diện Trụ sở Liên Hiệp Quốc. Ông cũng bắt tay vào xây dựng Trump Place, tổ hợp văn phòng dọc Sông Hudson. Trump sở hữu mặt bằng kinh doanh tại Trump International Hotel & Tower, tòa nhà phức hợp 44 tầng (khách sạn và chung cư) tại Bùng binh Columbus. Trump cũng sở hữu hàng trăm nghìn mét vuông bất động sản hạng nhất tại Manhattan.
Cha của Donald Trump, người mà ông coi là "nguồn cảm hứng", qua đời năm 1999.
Trong những năm 1980, Trump còn mở những khách sạn kiêm sòng bạc ở thành phố Atlantic, bang New Jersey, thâu tóm khách sạn Plaza ở Manhattan và mua lại khu Mar-a-Lago tại Palm Beach, bang Florida, nơi ông biến thành câu lạc bộ tư nhân. Trump còn từng sở hữu một hãng hàng không và một đội bóng chuyên nghiệp trong thời gian ngắn.
Năm 1987, Trump xuất bản cuốn hồi ký và kinh nghiệm kinh doanh có tên "Nghệ thuật Đàm phán", một trong những cuốn sách bán chạy hàng đầu. Theo Forbes, tài sản ròng của ông vào năm 1989 trị giá 1,5 tỷ USD. Đây cũng là năm mà lần đầu tiên ông xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time.
Ngoài kinh doanh, Trump còn là một người thành công trong lĩnh vực giải trí. Từ năm 1996 đến 2015, ông là người sở hữu các cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Mỹ và Hoa hậu Thiếu niên Mỹ. Năm 2003, Trump cho ra mắt chương trình truyền hình thực tế "Người tập sự" trên kênh NBC, nơi các thí sinh cạnh tranh vị trí quản lý trong tập đoàn của ông. Sau 14 mùa dẫn dắt chương trình, Trump cho biết ông được trả tổng cộng 213 triệu USD.
"Vùng trũng" trong sự nghiệp
Đến đầu những năm 90, đà chiến thắng của Trump bị hãm lại. Kinh tế Mỹ chậm dần, khiến nguồn thu của Trump giảm sút. Ông bắt đầu gặp khó trong việc trả lãi. Trump Organization và các công ty con nợ 9 tỷ USD. Nợ cá nhân của Trump là 975 triệu USD.
Để tránh vỡ nợ, Trump gặp 4 chủ nợ lớn khi đó - Citibank, Bankers Trust, Chase Manhattan Bank và Manufacturers Hanover Trust. Các nhà băng đều lo ngại nếu tịch thu tài sản của Trump, họ sẽ mất số tiền khổng lồ. Cuối cùng, Trump thuyết phục được các ngân hàng cho vay thêm 65 triệu USD để nuôi công ty, đồng thời gia hạn nợ 5 năm. Trump cũng phải bán bớt tài sản, như hãng hàng không, du thuyền, cổ phiếu để trả một phần nợ.
Đầu thập niên 90, các công ty của ông liên tục gặp khó. Năm 1991 và 1992, hai trong số các casino của Trump ở Atlantic City nộp đơn phá sản. Ông đã phải nhượng lại nửa cổ phần trong Trump Taj Mahal cho các chủ nợ trái phiếu để đổi lấy gia hạn nợ với lãi suất thấp. Sau đó, ông cũng phải nhập 3 casino tại Atlantic City làm một, lấy tên Trump Entertainment Resorts.
Tính đến năm 2016, khi Trump trở thành tỷ phú đầu tiên đắc cử tổng thống Mỹ, "đế chế" của ông bao gồm các tòa nhà văn phòng, khách sạn và sân golf khắp thế giới.
Tổng thống gây nhiều tranh cãi
Ông Trump đã hai lần chạy đua cho chức Tổng thống Hoa Kỳ. Năm 2000, ông phát động một chiến dịch thăm dò và giành chiến thắng ở hai cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cải cách.
Tháng 6 năm 2015, Trump tuyên bố ứng cử tổng thống nhiệm kì 2016 và chiến dịch tranh cử cho Đảng Cộng hòa của ông thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông nhiều hơn tất cả các ứng viên Đảng Cộng hòa khác gộp lại.
Phong cách chính trị trung thực, chính sách phản đối người nhập cư bất hợp pháp và việc nhấn mạnh vào khủng bố và các mối lo ngại về an ninh quốc gia của Trump đem lại cho ông sự ủng hộ của tầng lớp cử tri.
Ngày 9/11/2016, trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2016, Donald Trump đã giành chiến thắng đầy bất ngờ trước ứng cử viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ để trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Ông trở thành người cao tuổi nhất và giàu có nhất từ trước đến nay đảm nhiệm chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ.
Gần như ngay sau khi nhậm chức, Trump bắt đầu ban hành một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm hiện thực hóa những cam kết trong chiến dịch tranh cử, tạo ấn tượng nhanh chóng, dứt khoát.
Sắc lệnh đầu tiên, được ký vào ngày đầu tiên Trump giữ cương vị tổng thống, yêu cầu giảm bớt gánh nặng pháp lý và kinh tế liên quan tới Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA), di sản nổi bật của Obama, trong khi chờ "bãi bỏ nhanh chóng" luật đó.
5 ngày sau, ông chỉ đạo Bộ An ninh Nội địa Mỹ bắt đầu lên kế hoạch xây dựng bức tường dọc biên giới phía nam đất nước. Một sắc lệnh khác áp đặt lệnh cấm 5 năm đối với "các hoạt động vận động hành lang" của những cựu nhân viên nhánh hành pháp. Tuy nhiên, một số quy định giúp hạn chế vận động do chính quyền tiền nhiệm ban hành bị loại bỏ hoặc làm suy yếu.
Một trong những sắc lệnh gây tranh cãi nhất của Trump khi mới cầm quyền, ký ngày 27/1/2017, là tạm thời đình chỉ nhập cư vào Mỹ đối với người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn, tương ứng với lời hứa "cấm Hồi giáo" khi tranh cử của ông. Bất chấp các cuộc biểu tình tại nhiều sân bay lớn ở Mỹ, Trump tiếp tục chỉ đạo chính phủ "tăng cường sàng lọc" việc tiếp nhận người tị nạn vào tháng 10/2017 sau khi sắc lệnh trên hết hạn, nhưng quy định này bị một thẩm phán liên bang ở Seattle dỡ bỏ một phần đáng kể.
Tháng 4/2018, chính quyền Trump ban hành chính sách nhập cư "không khoan nhượng", truy tố hình sự tất cả người nước ngoài trưởng thành vào Mỹ bất hợp pháp, buộc trẻ em trong những gia đình nhập cư trái phép phải rời cha mẹ, hoặc người giám hộ, và bị đưa vào những cơ sở tạm trú. Hình ảnh những đứa trẻ kêu khóc bên trong hàng rào khiến chính sách của Trump bị dư luận quốc tế phản đối dữ dội. Cùng sức ép từ phía quốc hội, tới cuối tháng 6/2018, Trump đã ký sắc lệnh chấm dứt tình trạng chia rẽ.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng phải nhận không ít chỉ trích trong chính sách đối ngoại. Trong một nỗ lực “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nhiều động thái đối ngoại của ông Trump bị những người phê bình xem là làm xói mòn và gây tổn hại các trụ cột chính của hòa bình quốc tế bao gồm các thể chế, quy tắc thương mại và luật lệ quốc tế mà Mỹ và các đồng minh của nước này đã tiên phong thực hiện sau khi Thế chiến II kết thúc.
Trong vòng 2 năm kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi một loạt các thỏa thuận quốc tế quan trọng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Chưa hết, ông còn mạnh miệng chỉ trích các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng nhiều tổ chức lớn của thế giới như Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời cho rằng Mỹ đang bị lợi dụng.
Lập trường chống Bắc Kinh mạnh mẽ cũng là điểm nhấn trong nhiệm kỳ đầu của Trump và là "vũ khí" đắc lực giúp ông tái tranh cử, khi người Mỹ ngày càng ác cảm với Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, căng thẳng trên một loạt vấn đề như thương mại, công nghệ, Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương, Biển Đông, hay gần đây là Covid-19.
Trong khi đó, Trump lại phát triển mối quan hệ tốt đẹp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hai người từng trực tiếp gặp mặt ba lần tại Singapore hồi tháng 6/2018, Hà Nội hồi tháng 2/2019 và biên giới liên Triều hồi tháng 6/2019, đồng thời thường xuyên trao đổi thư từ. Tuy nhiên, quá trình đàm phán giữa hai nước vẫn bế tắc do bất đồng về lệnh trừng phạt và quy mô phi hạt nhân hóa.
Giới phân tích cho rằng, dù chưa đạt được bước tiến đáng kể trong tiến trình phi hạt nhân hóa hạt nhân Triều Tiên nhưng Tổng thống Donald Trump đã thắng lợi khi phá vỡ thế bế tắc trên Bán đảo Triều Tiên - điều mà nhiều người tiền nhiệm của ông chưa thực hiện được.
Thành tựu kinh tế là một trong những "quân bài" quan trọng mà Trump sử dụng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Cuối năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, Mỹ đã được tận hưởng nền kinh tế phát triển kỷ lục trong vòng 11 năm. Các công ty tuyển 2,2 triệu người vào năm ngoái, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 3,5%, mức thấp nhất trong nửa thế kỷ.
Tuy nhiên, nền kinh tế lao dốc cùng cách xử lý đại dịch bị đánh giá sai lầm của chính quyền Trump khiến tỷ lệ tín nhiệm của ông trong các cuộc thăm dò bị kéo xuống, tạo thời cơ cho Biden dẫn trước. Nhằm cứu vãn tình hình, Trump dường như nỗ lực thuyết phục cử tri rằng chính phủ đã phản ứng phù hợp với đại dịch, đổ lỗi cho Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng thời gợi lại bức tranh kinh tế "màu hồng" trước cuộc khủng hoảng.
Bất chấp một loạt khó khăn bủa vây, tỷ lệ tín nhiệm với Trump trong vấn đề kinh tế vẫn cao, số cử tri ủng hộ ông tại các bang chiến trường cũng tăng dần, thắp lên hy vọng "lội ngược dòng" cho Tổng thống Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
“Chiến thắng ngọt ngào” của Donald Trump trong thương vụ TikTok
05:35, 22/09/2020
Cuộc "thanh trừng" của Donald Trump...
05:22, 08/08/2020
Nghệ thuật thỏa thuận Hoa Kỳ và “bàn tay ma thuật” của Donald Trump
10:20, 07/08/2020
Điều gì khiến Tổng thống Donald Trump muốn cấm TikTok tại Mỹ?
11:23, 04/08/2020
Donald Trump đang “cưỡi hổ”
11:00, 26/06/2020