CEO Huỳnh Bảo Toàn và giấc mơ về những ngôi nhà di động
Thành công với các sản phẩm nhà di động, ấm cúng và tiện nghi, có thể lắp đặt ở tất cả các địa hình ở trong nước, CEO Huỳnh Bảo Toàn đang tập trung hiện thực hóa giấc mơ "xuất khẩu" nhà.
26 tuổi, Huỳnh Bảo Toàn bắt tay kinh doanh lĩnh vực thiết kế nội thất với số vốn 0 đồng, đến nay ông trở thành 'ông chủ' công ty Cổ phần Zentado chuyên cung ứng hàng trăm ngôi nhà, biệt thự mini di động đẹp đẽ đầy thu hút trên thị trường.
Khởi nghiệp từ... 0 đồng
Ông Toàn kể, anh bắt đầu mở công ty chuyên làm thiết kế nội thất ở tuổi 26. Khi ấy, chẳng có xu nào trong tay, khởi nghiệp từ 0 đồng nên ông đành phải “tay không bắt giặc”. Và đã từng thất bại vì làm theo bản năng.
Sau đó, dần tìm hiểu, ông Toàn thấy các công ty lớn thành công đều có nguồn nhân lực chuẩn, có quy trình chuẩn trong khi mình thì bắt đầu tư con số 0.
“Không phải ai cũng khởi nghiệp 0 đồng thành công. Tôi nghĩ rằng, mình có một số tiền mà không biết cách làm thì cũng như không. Thậm chí, còn bị lỗ. Khi có kiến thức rồi thì sẽ biết cách làm để tạo ra dòng vốn. Nếu không có kiến thức thì không làm được dù ai đó có cho cả 10 tỷ. Ngược lại, nếu không có xu nào nhưng lại có vốn kiến thức lớn thì có thể tự làm được, từ đó biến không thành có và bắt đầu tích lũy... từ tiểu thành đại”, ông Toàn chia sẻ.
Ban đầu không có tiền nhưng có kiến thức, am hiểu kỹ thuật, thiết kế... nên khi ký hợp đồng làm nội thất căn hộ với khách hàng, ông Toàn sẽ tạm ứng tiền theo từng giai đoạn rồi sẽ dùng chính số tiền đó để ứng cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ của mình cho đến khi công trình hoàn thiện. Cứ như vậy, ông Toàn có phần lợi nhuận nhỏ, tích lũy dần dần và bắt đầu có vốn”.
Có sẵn nguồn nhân lực từ khi kinh doanh nội thất, cùng với kinh nghiệm tích lũy hàng chục năm, năm 2017, ông Toàn bắt đầu rẽ sang kinh doanh nhà di dộng, biệt thự mini di động.
Khi làm thiết kế và trang trí nội thất, ông Toàn vô cùng đam mê với những gì đã sáng tạo nên có những nghiên cứu về nội thất thông minh giúp tiết kiệm không gian, tăng công năng sử dụng.
Cùng với sở thích đi du lịch, trải nghiệm bằng xe off-road nhiều nơi, mặc dù thấy có nhiều cảnh đẹp nhưng ông Toàn cảm nhận có yếu tố bê tông cốt thép quá nhiều, trong khi để xây dựng được các khu nghỉ dưỡng như hiện nay, các chủ đầu tư quá cực, mất nhiều thời gian tới vài năm để hoàn thiện... Từ đó, ông Toàn nảy ra ý tưởng thiết kế một căn nhà có thể di chuyển và ở luôn.
Chắt lọc từ những kinh nghiệm có sẵn, chỉ mất 2 tiếng đồng hồ, ông Toàn đã thiết kế xong bản vẽ căn nhà di động đầu tiên có diện tích 12m2. Căn nhà có mức giá 140 triệu đồng đã có đầy đủ nội thất, chỉ việc xách va li về ở đã thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng.
Sau thành công với mô hình căn hộ 12m2 đầu tiên, ông tiếp tục thiết kế căn hộ diện tích lớn hơn 20m2, 24m2 để phục vụ những gia đình đi du lịch đầy đủ phòng ngủ, phòng khách… Dần dần các căn hộ được nâng cấp diện tích lớn hơn, từ 24m2 lên căn hộ 30m2 có mặt tiền rộng thích hợp đặt trên đồi núi, có view biển … rồi đến những căn biệt thự 40 m2, 60 m2.
Chia sẻ về khó khăn nhất khi kinh doanh loại hình nhà di động này, ông Toàn kể, ở Việt Nam hầu như không có sản phẩm này nên ông đã rất đau đầu ở khâu lựa chọn sử dụng chất liệu nào để vừa bền, vừa nhẹ, vừa phải di chuyển được lại đảm bảo khi sử dụng không gây tiếng ồn nếu trời mưa.
Chính vì thế, khi thiết kế căn 30 m2, ông phải dừng mất vài tháng mới có thể ra mắt được bởi mất rất nhiều công đi tìm chất liệu phù hợp.
Mang nhà đi "xuất khẩu"
Chia sẻ về hành trình đưa sản phẩm ra có chỗ đứng trên thị trường, ông Toàn nói: "Đơn giản là tích lũy kiến thức. Kiến thức sẽ quyết định. Học hỏi dần dần sẽ tích lũy kiến thức về thiết kế, kiến thức về quản trị... khi có kiến thức lớn sẽ biết được khi nào doanh nghiệp đi lên, khi nào doanh nghiệp đi xuống và kiểm soát được doanh nghiệp của mình trong lòng bàn tay thì không thất bại".
Hiện nhiều đầu mối từ Úc, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ... đã liên lạc tìm hiểu để làm đại lý phân phối sản phẩm của ông. Và ngoài Úc là thị trường mà nhà di động đã xuất khẩu sang, ông Toàn cũng mới ký hợp đồng với khách hàng tại Mỹ.
“Thị trường Úc chỉ là bước đệm, Mỹ sẽ là thị trường chính - thị trường này rất tiềm năng, có hơn 300 triệu dân và văn hóa, thị hiếu của người dân thích dạng nhà lắp ráp, di động”, ông Toàn cho biết.
Với đối tác Zentado vừa ký kết, họ sẽ nhập thử nghiệm 20 căn nhà mẫu và xin giấy chứng nhận của cơ quan chức năng Mỹ cho loại hình nhà này để cấp bảo hiểm và cho vay mua nhà.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nhân Nguyễn Thị Điền và mối "lương duyên" với Pierre Cardin
03:10, 04/11/2020
Chuyện về "người kế nghiệp" nhà BIM Group
03:00, 03/11/2020
Chuyện chưa kể về nữ tỷ phú trẻ nhất Trung Quốc
03:00, 02/11/2020
Doanh nhân trẻ Lê Hoàng Uyên Vy: Tuổi trẻ càng sai nhiều thì sau này sẽ có cơ hội làm đúng
02:28, 01/11/2020
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dạy con như thế nào?
03:00, 31/10/2020