Doanh nhân Nguyễn Thị Điền và mối "lương duyên" với Pierre Cardin

KHÁNH HÀ 04/11/2020 03:10

Khởi điểm là một cơ sở may nhỏ lẻ với vài chục người, An Phước đã trở nên “cứng cáp” và có chỗ đứng trên thương trường. Đứng đằng sau thành công đó là một phụ nữ mang tên Nguyễn Thị Điền.

Bà Nguyễn Thị Điền – người sáng lập và Giám đốc công ty đang nắm 50,67% vốn công ty May – Thêu giày An Phước.

Làm kinh doanh vì gia đình

Vốn có ước mơ trở thành luật sư, nhà sáng lập An Phước- Nguyễn Thị Điền quyết định học ngành luật. Sau đó bà được chuyển sang ngành ngoại thương trường đại học Kinh tế khi trường chuyển đổi.

Tên tuổi bà Nguyễn Thị Điền gắn với An Phước, một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thành công thương hiệu trong lĩnh vực thời trang.

Tên tuổi bà Nguyễn Thị Điền gắn với An Phước, một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thành công thương hiệu trong lĩnh vực thời trang.

Tốt nghiệp ra trường, bà Điền được phân công về làm việc tại bộ phận kế hoạch xuất nhập khẩu của Sở ngoại thương Tp.Hồ Chí Minh (Imex Sài Gòn nay là Imexco Tp.HCM).

Những tưởng công việc công chức ổn định 12 năm tại Sở ngoại thương nhưng đến năm 1989 Imexco bị cháy và giải tán. Đây cũng là giai đoạn đất nước mở cửa, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Bà Điền quyết định nghỉ hoàn toàn việc tại Sở ngoại thương để cùng chồng mở cơ sở may nhỏ với 60 công nhân làm 2 ca và 40 máy may dựa trên vốn tích lũy đặt tên An Phước.

An Phước ban đầu chỉ hoạt động đơn thuần là may gia công lại, làm vệ tinh cho những doanh nghiệp lớn khác để xuất khẩu sang các thị trường Đông Âu. Đến tháng 5 năm 1992, An Phước chuyển hướng sang xuất khẩu thị trường khi các doanh nghiệp Nhật bắt đầu chọn các doanh nghiệp SME tại Việt Nam làm đại diện gia công. Khi được hỏi về cơ duyên lập ra An Phước, bà Điền cho biết động lực kinh doanh là để "đảm bảo kinh tế gia đình".

Mối lương duyên với Pierre Cardin

Mặc dù rẽ sang ngành không liên quan là dệt may nhưng với kinh nghiệm làm ngoại thương như tiếp xúc công nghệ, kỹ thuật mới, công việc kinh doanh của cơ sở may An Phước khá thuận lợi. Với việc hợp tác cùng Nissho Iwai Corp, năm 1993 An Phước đảm nhiệm và đáp ứng được chất lượng gia công thương hiệu áo Jacket nổi tiếng nhất của Nhật lúc bấy giờ.

Đến năm 1994, An Phước thành lập nhà máy sản xuất giày thể thao. Cũng trong năm này, nhờ là đối tác của Nhật nên An Phước có cơ duyên gia công cho thương hiệu của Pháp Pierre Cardin.

5 năm làm việc cùng các đối tác này đã giúp bà học được nhiều bài học quý giá về ngành may. Đó là nền tảng để vợ chồng bà xây dựng thương hiệu riêng.

Nhờ là đối tác của Nhật nên An Phước có cơ duyên gia công cho thương hiệu của Pháp Pierre Cardin.

Nhờ là đối tác của Nhật nên An Phước có cơ duyên gia công cho thương hiệu của Pháp Pierre Cardin.

Năm 1997, khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, An Phước đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Không thể ngồi yên để chờ đối tác vì cuộc sống của nhiều công nhân đang chờ đợi bà. Thế là vợ chồng bà Điền lên kế hoạch khai thác thị trường nội địa.

Trước những “ông lớn” trong ngành thời trang như Việt Tiến, May 10, May Nhà Bè, bà biết rằng An Phước phải tạo ra sự khác biệt bằng dòng sản phẩm cao cấp. Vậy là bà tìm đến thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới Pierre Cardin để mua bản quyền thương hiệu, dựa vào vai người khổng lồ để tồn tại và phát triển.

Gia công cho thương hiệu lớn như Pierre Cardin, An Phước buộc phải tuân theo tiêu chuẩn, quy trình toàn cầu như không được bán với giá thấp hơn 35 USD tại thời điểm 1997 hay hàng năm hãng này đều cử kỹ thuật sang hướng dẫn, gửi mẫu mã sản xuất, đều đặn 6 tháng một lần qua Pháp họp với chính nhà sáng lập Pierre Cardin.

Nói về thương vụ An Phước - Pierre Cardin, bà Điền cho rằng đúng là mạo hiểm. "Để có tiền mua licence kỳ hạn ba năm cho các quần tây, áo sơ mi và vest Pierre Cardin, chúng tôi phải vay ngân hàng. Nhưng đứng trước "lựa chọn sinh tử", nếu không mua bản quyền từ thương hiệu này để làm thì Công ty sẽ đóng cửa, công nhân sẽ thất nghiệp", bà Điền nói.

Sau khi mua bản quyền và sản xuất các sản phẩm với thương hiệu Pierre Cardin ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, công ty bà lại gặp khó trong việc bán hàng. Vào thời điểm đó, mỗi chiếc sơ mi mang thương hiệu Pierre Cardin có giá cao so với mức sống của đại bộ phận người dân cả ba nước, vì thế doanh số bán không cao. "Vậy là chúng tôi phải sản xuất sản phẩm An Phước bán song song với Pierre Cardin. May mắn là lựa chọn của chúng tôi đã đúng", bà Điền chia sẻ.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, với sự cẩn trọng trong từng đường kim mũi chỉ, chi tiết trong từng sản phẩm, Công ty đã khẳng định mình với dòng sản phẩm thời trang sang trọng, lịch lãm, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng. Và kết quả vượt ngoài dự kiến khi khách hàng tìm đến cửa hàng ngày càng đông.

Trước khi thành công, An Phước đã có một giai đoạn rất khó khăn: tài sản cầm cố hết, vay tiền ngân hàng rồi vay thêm cả bên ngoài.

"Trong thời điểm làm gia công, có những giai đoạn hàng làm ra bị sửa nhiều nên tiền thu về không đủ trả lương công nhân. Lúc ấy nhà cửa đã thế chấp nên không thể vay thêm tiền ở ngân hàng, đành phải tìm đến bên ngoài. Mà vay ngoài thì lãi suất cao nên nhiều khi tiền về tới thì coi như hết lãi. Đã vậy, thuế thì đến kỳ phải đóng mà không có tiền đành phải lên năn nỉ xin hoãn. Những khó khăn đó chỉ dần được gỡ khi thị trường nội địa phát triển", bà Điền chia sẻ.

Bà cũng luôn tâm niệm “kiến tha lâu sẽ đầy tổ”. Làm doanh nghiệp phải kiên nhẫn và không nản lòng trước gian khó. Con thuyền doanh nghiệp chở biết bao cộng sự, nếu người chèo lái nản lòng buông xuôi thì sẽ chìm ngay. Vì vậy, bà không cho phép mình ngưng.

Nói về kinh doanh hiện nay, theo bà Điền thì không thể có mô hình mẫu cho mọi doanh nghiệp. Tùy theo điều kiện kinh tế, quản trị, văn hóa của từng công ty mà xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.

Để phát triển bền vững, đầu tiên là phải giữ chữ tín với khách hàng, với công nhân. Đã là doanh nghiệp thì phải tuân thủ pháp luật, thực hiện các quy định của Nhà nước, những điều luật của quốc tế. Xây dựng được hệ thống khách hàng trung thành với công ty là vô cùng quan trọng. Khách hàng là người trả lương cho mình, là người nuôi sống mình. Văn hóa thương hiệu rất quan trọng nhưng quan trọng không kém là “nhân hiệu” của người chủ doanh nghiệp.

Thương hiệu Việt muốn tồn tại, phải xây dựng chiến lược bài bản, nhanh chóng thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Nếu không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài tại các thành phố lớn thì đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Nguyên tắc tuân thủ tuyệt đối

Mặc dù là công ty gia đình nhưng trong hệ thống An Phước không có bà con thân tộc mà chỉ gồm 3 thành viên gia đình bà Điền gồm: Ông Trần Chiến giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên, bà Điền đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc, con trai Trần Minh Khoa làm Phó tổng giám đốc.

Theo chia sẻ của nữ CEO này, nguyên tắc điều hành tại An Phước là tuân thủ tuyệt đối và có trật tự trong gia đình, ông Điền luôn là thuyền trưởng, đưa ra mọi quyết định.

Tổng giám đốc An Phước Nguyễn Thị Điền cùng con trai Trần Minh Khoa. Ảnh: QH

Tổng giám đốc An Phước Nguyễn Thị Điền cùng con trai Trần Minh Khoa. Ảnh: VNE

Hai vợ chồng bà Điền có hai người con, một trai một gái. Với con gái, ông bà cho phép được tự do lựa chọn theo sở thích riêng nhưng với con trai Trần Minh Khoa từ khi học cấp 3 đã được bố mẹ quyết định phải học quản trị để kế nghiệp gia đình. Từ năm 15 tuổi, Khoa đã được bà Điền đưa con sang Mỹ học để về sau làm việc tại An Phước.

Bị ràng buộc bằng trọng trách gánh vác sản nghiệp của bố mẹ và làm vì trách nhiệm với gia đình, ban đầu Khoa cũng khó chịu vì ép buộc nhưng dần dần cũng bắt đầu yêu thích công việc hơn.

Nói về người kế nghiệp, bà Điền khẳng định: “Chúng tôi có quá trình xây dựng công ty 25 năm trong khi con mới đi được một phần ba quảng đường, còn quá ngắn để có thể lĩnh hội hết mọi thứ. Con có học vị, có kiến thức về quản trị, công nghệ thông tin nhưng để kết nối trong một bộ máy hoàn hảo cần có những “phần mềm” linh hoạt từ bên ngoài.

Trí là số một nhưng tâm quan trọng không kém. Lãnh đạo công ty thì phải hiểu có được ngày hôm nay là nhờ bao nhiêu người đồng cam cộng khổ với mình. Người ta nói “biết người biết ta” mới thắng được. Vì thế, vợ chồng tôi vẫn luôn nhắc nhở con tiến về phía trước nhưng phải “nhìn kính chiếu hậu”.

Với tư tưởng “Người ta làm được thì mình phải làm được”, An Phước có thể xem là một trong những tấm gương đáng học hỏi cho những doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang muốn thoát khỏi cái bóng lớn gia công để xây dựng thương hiệu cho riêng mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyện về

    Chuyện về "người kế nghiệp" nhà BIM Group

    03:00, 03/11/2020

  • Chuyện chưa kể về nữ tỷ phú trẻ nhất Trung Quốc

    Chuyện chưa kể về nữ tỷ phú trẻ nhất Trung Quốc

    03:00, 02/11/2020

  • Doanh nhân trẻ Lê Hoàng Uyên Vy: Tuổi trẻ càng sai nhiều thì sau này sẽ có cơ hội làm đúng

    Doanh nhân trẻ Lê Hoàng Uyên Vy: Tuổi trẻ càng sai nhiều thì sau này sẽ có cơ hội làm đúng

    02:28, 01/11/2020

  • Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dạy con như thế nào?

    Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dạy con như thế nào?

    03:00, 31/10/2020

  • Doanh nhân Nguyễn Châu Á và hành trình đưa Sơn Đoòng vang danh thế giới

    Doanh nhân Nguyễn Châu Á và hành trình đưa Sơn Đoòng vang danh thế giới

    03:12, 30/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nhân Nguyễn Thị Điền và mối "lương duyên" với Pierre Cardin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO