Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang và giấc mơ xuất khẩu trí tuệ Việt

KHÁNH HÀ 19/11/2020 03:00

Trong quá trình thực hiện niềm đam mê là tạo cơ hội cho những kỹ sư giỏi, Kiều Trang nhận thấy năng lực khoa học của trí thức Việt Nam rất tốt nhưng không có môi trường phát triển.

Nhắc đến Lê Diệp Kiều Trang không thể bỏ qua cột mốc cô cùng chồng sáng lập Misfit và startup này sau đó bán cho Fossil Group với giá 260 triệu USD năm 2015. Với thương vụ này, Kiều Trang được cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam ưu ái gọi là "cô gái vàng" trong giới startup.

Đi một vòng rồi cũng về làm startup

Sau thành công này, Kiều Trang lại đi làm thuê cho các công ty toàn cầu. Cô giữ vị trí Giám đốc Điều hành Fossil Việt Nam, Phó giám đốc Điều hành Fossil Group rồi trở thành Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam của Facebook trước khi làm Tổng giám đốc Go-Viet. Nhưng thời gian ở Facebook lẫn Go-Viet đều khá ngắn ngủi. Sau đó cô lại về làm startup.

Kiều Trang giờ là Đồng sáng lập của Alabaster, chuyên rót tiền vào các giải pháp có tác động tích cực ở cấp độ toàn cầu. Alabaster đã có hơn 30 khoản đầu tư giai đoạn đầu vào các lĩnh vực như khoa học vật liệu, chất bán dẫn và công nghệ sinh học.

Lê Diệp Kiều Trang - Nhà sáng lập Alabaster, cựu CEO Go-Viet và Facebook Việt Nam . Ảnh: FBNV

Lê Diệp Kiều Trang - Nhà sáng lập Alabaster, cựu CEO Go-Viet và Facebook Việt Nam . Ảnh: FBNV

Cô cũng là Chủ tịch Harrison.ai, công ty Australia phát triển phần mềm tự động phân tích các hình ảnh X-quang và cung cấp cho các bác sĩ hỗ trợ quyết định theo thời gian thực. Cô cũng đang tạm thời là Giám đốc tài chính tại Arevo, công ty in 3D tự động hóa dùng cấu trúc polyme gia cố bằng sợi carbon (CFRP).

Nói về sự khác biệt khi đảm nhiệm vị trí CEO startup do mình sáng lập (Entrepreneur) và khi được tuyển dụng về làm CEO của một doanh nghiệp lớn (Excutive).

Theo cô, nếu nhìn qua mọi người đều nghĩ CEO startup và CEO doanh nghiệp lớn rất giống nhau. Họ đều là những người đứng đầu một công ty.

“Người đứng đầu Coca-Cola gọi là CEO, người đứng đầu một startup cũng gọi là CEO. Họ đều là người dẫn dắt công ty, chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, về những tác động với xã hội của doanh nghiệp. Họ cũng là người phải chịu trách nhiệm với khách hàng, nhân viên và những người liên quan đến công ty đó”, Kiều Trang nói.

Tuy nhiên, nhà sáng lập Alabaster cho rằng con đường đến vị trí CEO của một tập đoàn lớn như Coca-Cola sẽ rất khác con đường đến vị trí điều hành của một startup.

“Khi làm Excutive, bạn gia nhập một công ty với đội ngũ có sẵn, có các phòng ban và người đứng đầu các bộ phận. Nó giống như bạn bước lên một con thuyền, đảm nhận vị trí thuyền trưởng và các đội trưởng đã được sắp xếp đội hình đâu ra đấy”, cô lấy ví dụ.

“Ngược lại khi bạn làm Entrepreneur, con thuyền đó có thể chỉ có mình bạn, hoặc may mắn hơn có thêm co-founder. Các bạn sẽ là những người xếp các viên gạch đầu tiên cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đó dần lớn lên sẽ có thêm các nhân viên và phòng ban khác”, cựu CEO Go-Viet nói thêm.

Theo Kiều Trang, thử thách của Entrepreneur là sẽ phải tự tìm hướng đi cho “con tàu” của mình và xây dựng công ty phát triển từ nhỏ đến lớn. Trong khi đó, Excutive phải biết cách “lái một con tàu lớn”. Vì vậy, “bài toán mà Entrepreneur và Excutive phải giải quyết sẽ rất khác nhau”.

“Một con tàu nhỏ rất dễ rung lắc, gặp sóng lớn là chòng chành. Là Entrepreneur cũng vậy, công ty của bạn sẽ có những thời điểm rất khó khăn, đi lên đi xuống rất nhiều. Các bạn có thể thử nghiệm một sản phẩm mới, bỏ vào đó rất nhiều tiền và công sức những cuối cùng thất bại. Muốn làm lại sản phẩm bạn phải đi gọi vốn, thuyết phục nhà đầu tư và đội ngũ...”, Trang nói.

“Có thể 6 tháng trước sản phẩm của bạn không là gì cả, nhưng số user có thể tăng lên một thành phố hay một quốc gia rất nhanh. Tốc độ tăng trưởng có thể là 100 hay 1.000 lần, đặc biệt với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao”, cựu CEO Go-Viet nói về khả năng tăng trưởng của một startup.

Khác với startup, doanh nghiệp lớn đòi hỏi sự ổn định cao, “người lái thuyền không thể lạng qua lạng lại vì không an toàn và những người trên tàu cũng không thể thích nghi”.

“Với startup có thể chỉ ảnh hưởng đến 10 người, nhưng với những doanh nghiệp lớn, đằng sau bạn là hàng trăm con người và rất nhiều nhà đầu tư. Vì vậy, “cách lái” phải khác, mục tiêu hướng đến không phải là mức tăng trưởng 100 hay 1.000 lần vì định giá của nó có thể đã là vài trăm, vài tỷ USD”, bà Trang giải thích.

Giấc mơ xuất khẩu trí tuệ Việt

Nhiều người sẽ nhớ đến Misfit - thành công startup của Kiều Trang vì con số 260 triệu USD bán được cho Fossil Group. Nhưng Kiều Trang, "tác giả" của nó lại nhớ tới đội ngũ khoảng 10 kỹ sư Machine Vision (Thị giác máy), nhận diện hình ảnh bằng Machine Learning (Máy học) của Misfit. Gần một thập niên "lăn lộn" khởi nghiệp cũng là chừng ấy thời gian Kiều Trang trải nghiệm với công việc "săn" nhân tài.

ông Sonny Vũ

Lê Diệp Kiều Trang cùng chồng - ông Sonny Vũ.

Năm 2011, khi còn đang yêu thích công việc tại McKinsey, ông Sonny Vũ, chồng cô khuyến khích về khởi nghiệp với Misfit. Kiều Trang nhận chiêu mộ kỹ sư cho dự án và bắt đầu say mê với công việc đi khám phá những nhân tài còn "ẩn dật" hay chưa được mài dũa.

Ban đầu, cô "săn tìm" các du học sinh thạc sỹ, tiến sỹ Việt Nam sang Mỹ theo học bổng VEF (Học bổng cao học dành cho sinh viên ưu tú Việt Nam của chính phủ Mỹ). "Về Việt Nam, các bạn chỉ có đi dạy chứ không có điều kiện làm nghiên cứu. Vì vậy, tôi gọi về Misfit. Các bạn về sau trở thành đầu tàu để hướng dẫn cho nhóm kỹ sư tốt nghiệp tại các trường đại học của Việt Nam", cô chia sẻ trên Vnexpress.

Năm 2015, khi Misfit được bán đi cũng là giai đoạn các công ty nước ngoài nhộn nhịp tìm đến Việt Nam mở văn phòng để tuyển kỹ sư xây dựng sản phẩm. Thị trường kỹ sư công nghệ phần mềm chuyên làm R&D bắt đầu phát triển.

Nhận thấy nhu cầu thị trường cao về Machine Vision, gia đình Kiều Trang giúp Fossil cấu trúc và bán nhóm kỹ sư cho công ty khác. Kết quả, một công ty Mỹ chuyên phát triển súng điện cho cảnh sát Mỹ đã mua lại. Đội ngũ từ 10 người thời ấy nay đã hơn 70 người.

Cuối 2019, Kiều Trang "tái xuất" tại "Diễn đàn lãnh đạo trẻ Việt Nam 2019" sau khi rời Facebook và Go-Viet với vai trò đồng sáng lập quỹ Alabaster. Trong các dự án mà quỹ rót vốn có Harrison. Công ty này có dữ liệu hình ảnh X-quang tại Australia nhưng thiếu chuyên gia để dạy cho AI học cách đọc.

Thế là, cô tìm các bác sỹ Việt Nam. "Ban ngày, các bác sỹ làm việc ở bệnh viện, ban đêm họ dạy cho các máy học. Hiện giờ, dự án này chúng tôi có hơn 150 bác sỹ cộng tác tại TP HCM", Kiều Trang nói.

Đến dự án Arevo, Kiều Trang kỳ vọng vào việc xây dựng vào lực lượng kỹ sư sản xuất ưu tú. Thông qua tự động hóa, Arevo có thể đẩy nhanh thời gian ra mắt sản phẩm lên đến 500 lần và giảm chi phí sản xuất lên tới 20 lần so với một vật liệu nhẹ nhưng chắc chắn. Sản phẩm đầu tiên của Arevo là những chiếc xe đạp in 3D.

"Hiện chúng tôi là người duy nhất trên thế giới giữ bản quyền công nghệ in 3D CFRP. Lõi công nghệ thì mình đã có, giờ kỹ sư Việt Nam chưa phải là người phát minh ra công nghệ đó nhưng có thể người thương mại hoá được nó".

Nói là làm, Trang cùng chồng quyết định mở nhà máy ở Khu công nghệ cao quận 9, TP HCM. Nhà máy đang chờ giấy phép cuối, máy in đã lên thuyền từ Mỹ chuẩn bị cập cảng và lắp máy vào tháng sau.

Trong quá trình thực hiện niềm đam mê là tạo cơ hội cho những kỹ sư giỏi, Kiều Trang nhận thấy năng lực khoa học của trí thức Việt Nam rất tốt nhưng không có môi trường phát triển. Cùng với đó, nhóm kỹ sư giỏi tiếng Anh còn ít nên cơ hội đi nước ngoài "thao luyện" chưa nhiều. Hoặc nếu đi được thì đầu quân cho các công ty lớn như Google, Facebook xong cũng chỉ dừng lại ở đó, khó có khả năng xây được một dự án kinh doanh và mang về nước.

"Và nếu họ không về nước khởi nghiệp mà về nước làm việc thì cũng không có môi trường chuyên nghiệp như Google, Facebook. Cuối cùng, mình lại chảy máu chất xám. Họ ở lại đó luôn cũng không trách được", Kiều Trang nói.

Cô thấy điểm chung giữa Misfit, Alabaster, Harrison hay Arevo... là đều thiên về công nghệ cao và phi kỹ thuật số (non-digital), những điều khá hiếm trong một hệ sinh thái khởi nghiệp đang chỉ mới sôi động ở mảng kỹ thuật số (digital) với thương mại điện tử, gọi xe, fintech...

Trang cho rằng Việt Nam có những người "deep tech" như vậy nhưng họ là kỹ sư, không phải người kinh doanh. Sản phẩm của họ có thể không phải là thứ thị trường cần. Ngoài ra, họ cũng không biết cách gọi vốn, tổ chức kinh doanh. "Do vậy, những công trình nghiên cứu khoa học rất dễ chết yểu", cô lý giải.

Kiều Trang cho rằng cần phải có thời gian cho startup "deep tech" trưởng thành. "Ngay cả những bạn giỏi về công nghệ, giỏi về kinh doanh nhưng họ ít tìm thấy nhau hoặc khó làm việc với nhau. Vì vậy, cần có thời gian để cải thiện việc này. Nếu có vài dự án thành công sẽ có những nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư ", cô nói.

Khi được hỏi làm sao để nhiều trí thức về nước dành nhiều thời gian hoặc tâm sức cho Việt Nam hơn, cô nói "tất cả chỉ là vấn đề cơ hội".

"Cơ hội" được hiểu có thể là việc làm, không chỉ thu nhập cao mà còn là cơ hội phát triển nghề nghiệp. Với một số người muốn về startup thì "cơ hội" là điều kiện để xây dựng doanh nghiệp. Ngoài ra là các điều kiện cho con cái họ. "Nếu về Việt Nam thu nhập vẫn tốt, vẫn phát triển được về chuyên môn về cá nhân thì tôi nghĩ hầu hết mọi người sẽ muốn về", Kiều Trang nói.

Với tố chất của một công dân toàn cầu, Lê Diệp Kiều Trang đương nhiên không phải là người sẽ cố định ở một chỗ mãi nhưng cô nói thích ở Việt Nam. "Được gần giới trẻ quê nhà, tôi cảm thấy sẽ tạo được tác động xã hội nhiều hơn. Chưa kể, con tôi rồi nó cũng sẽ phải dùng nhiều tiếng Anh nên nếu sống ở Việt Nam, được nói tiếng Việt thì cơ hội này không phải dễ có được", cô tâm sự.

Có thể bạn quan tâm

  • Shark Louis Nguyễn:Thị trường Việt Nam quá hấp dẫn để đầu tư

    Shark Louis Nguyễn:Thị trường Việt Nam quá hấp dẫn để đầu tư

    03:00, 17/11/2020

  • Nỗi đau đại gia Trường Thành

    Nỗi đau đại gia Trường Thành

    03:00, 16/11/2020

  • Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dành bao nhiêu tiền làm từ thiện?

    Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dành bao nhiêu tiền làm từ thiện?

    03:00, 13/11/2020

  • Tân Chủ tịch HĐQT của Descon là ai?

    Tân Chủ tịch HĐQT của Descon là ai?

    02:23, 12/11/2020

  • Ông chủ Louis Vuitton và những phương thức kinh doanh siêu tưởng

    Ông chủ Louis Vuitton và những phương thức kinh doanh siêu tưởng

    03:15, 11/11/2020

  • Quan điểm khác biệt về thời gian của doanh nhân Thái Vân Linh

    Quan điểm khác biệt về thời gian của doanh nhân Thái Vân Linh

    03:00, 10/11/2020

KHÁNH HÀ