Nỗi đau đại gia Trường Thành

KHÁNH HÀ 16/11/2020 03:00

Sau những sai lầm về việc quản lý yếu kém, cha con đại gia Võ Trường Thành đã phải bồi thường cho cổ đông với số tiền khoảng 1,5 triệu USD.

Xuất thân là giáo viên dạy toán nhưng như một cơ duyên đã khiến ông Võ Trường Thành đến với ngành gỗ và biến Gỗ Trường Thành (TTF) trở thành công ty gỗ lớn nhất Việt Nam, biệt danh vua gỗ của ông cũng có từ đó. Nhưng, những biến cố cùng sai lầm nối tiếp đã khiến “Vua gỗ” một thời đành ngậm ngùi ra đi “không trống không kèn” khỏi công ty do chính ông cất công gầy dựng và chính thức “mất tích” trên thương trường.

Một thời oanh liệt

Ông Võ Trường Thành sinh năm 1958 tại Bình Định. Ông từng là giáo viên dạy toán nhưng tình thế thay đổi, cuộc sống trở nên khó khăn buộc ông phải vào Sài Gòn sinh sống rồi tham gia Thanh niên xung phong. Ở độ tuổi trẻ nhất, ông đã trở thành Giám đốc của lực lượng này. Nhưng không lâu sau đó, vì sự cố cá nhân, ông rời Thanh niên xung phong và bắt đầu khởi nghiệp.

Sau những sai lầm về việc quản lý yếu kém, cha con đại gia Võ Trường Thành đã phải bồi thường cho cổ đông với số tiền khoảng 1,5 triệu USD.

Sau những sai lầm về việc quản lý yếu kém, cha con đại gia Võ Trường Thành đã phải bồi thường cho cổ đông với số tiền khoảng 1,5 triệu USD.

Bằng số vốn ít ỏi trong tay nhưng may mắn gặp thời, ông mua được một công ty nhà nước thua lỗ với giá rất rẻ và phát triển nó thành doanh nghiệp ngành gỗ, lấy tên Gỗ Trường Thành.

Bằng tài năng và sự linh hoạt xoay chuyển tình thế của mình, Ông Thành đã đưa doanh nghiệp mình vượt khó khăn và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, khi mà nhiều doanh nghiệp khác phải đóng cửa.

Năm 2000, “Vua gỗ” ghi dấu ấn khi khi mua lại nhà máy VINAPRIMART một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên của tỉnh Bình Dương, chuyên sản xuất đũa gỗ, để chuyển thành nhà máy chế biến ván sàn và đồ gia dụng nội, ngoại thất bằng gỗ cho thị trường xuất khẩu.

Kinh doanh liên tục tăng trưởng giúp tên tuổi Gỗ Trường Thành được nhiều nhà đầu tư quan tâm, công ty đón cổ đông nước ngoài đầu tiên Quỹ Aureos Đông Nam Á (ASEAF) năm 2006. Sau đó là hàng loạt tên tuổi lớn tham gia như: VinaCapital, KITMC, Tong Yang…

Sự lớn mạnh của Gỗ Trường Thành càng giúp doanh nghiệp mở rộng nhanh chóng và đầu tư lớn.

Năm 2007, TTF thành lập các công ty trồng rừng tại Đăk Lăk và Phú Yên với chấp thuận chủ trương của địa phương lên đến 100.000 ha. Năm 2008, thành lập 1 nhà máy tại Phú Yên và 1 nhà máy hiện đại nhất Việt Nam tại Bình Dương. Năm 2010 tiếp tục đầu tư nhà máy thứ 8… TTF còn là một trong 30 doanh nghiệp đầu tiên được Chính phủ chọn vào Chương trình Thương hiệu Quốc gia.

Theo đó, chỉ 3 năm sau khi niêm yết, TTF đã có mức tăng trưởng doanh số kỷ lục, đạt gần 3.000 tỉ đồng doanh thu trong năm 2011, đưa TTF trở thành một trong những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất Việt Nam. Tên tuổi của ông Thành và công ty của mình cũng trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh gỗ cũng như quen thuộc với nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.

Những ngày “giông bão”

Đang trên đà tăng trưởng lại nắm trong tay nhiều dự án được kỳ vọng đem lại lợi nhuận cao, những tưởng Gỗ Trường Thành sẽ tiếp tục “phất” lên. Nhưng câu chuyện lại đi theo một chiều hướng khác khi sự hạn chế trong năng lực quản trị của lãnh đạo đã đẩy doanh nghiệp này nhanh chóng rơi vào khủng hoảng.

Việc dự trữ một lượng lớn những loại gỗ đắt tiền dành cho xuất khẩu khiến TTF chịu mất mát khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập đến vào năm 2008. Khách hàng không còn chuộng sản phẩm đắt đỏ, mà quay sang lựa chọn các dòng rẻ tiền hơn, khiến TTF bị chôn vốn, không có tiền để chuyển sang những mặt hàng rẻ hơn phục vụ thị trường, và sau đó phải bán lỗ số gỗ quý.

Việc trồng rừng với mục đích chủ động nguồn nguyên liệu để phát triển bền vững thì hóa ra lại góp phần đẩy doanh nghiệp này đến với bề vực sụp đổ khi mà nguồn vốn tài trợ cho dự án lại là vốn vay. Lạm phát phi mã đẩy lãi suất cho vay lên cao khiến TTF rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Với Trường Thành, vấn đề không dừng lại ở đó, mà còn là hàng trăm tỷ đồng đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực bất động sản, y tế, thủy sản... trong năm 2008 và đều đặn chi tiền tỷ để đầu tư vào kênh này trong những năm tiếp theo.

Đầu tư ngoài ngành với số tiền lớn trong nhiều năm nhưng chưa thể ghi nhận nguồn thu, Gỗ Trường Thành rơi vào cảnh nợ bủa vây và mất khả năng chi trả các khoản nợ đến hạn.

Vào giữa năm 2013, lượng tiền mặt của công ty lúc ấy chỉ còn vỏn vẹn 2 tỷ đồng nhưng phải chịu áp lực từ nhiều phía, trong đó có áp lực biến động tăng gấp 2 thậm chí là gấp 3 lần của lãi suất tiền vay từ các ngân hàng. 

Cục diện lúc đó đã có những xoay chuyển với những tình tiết hết sức bất ngờ. Bằng những việc làm chưa có tiền lệ, ông Võ Trường Thành đã xoay chuyển được tình thế để đưa TTF trở lại mạnh mẽ .

Đến năm 2014, tình hình tại TTF phần nào ổn định hơn, với nỗi lo về dòng tiền cơ bản được khắc phục.

2014-2015 là giai đoạn trở lại hoàng kim của Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) khi đạt được kết quả kinh doanh rất ấn tượng và trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất về lĩnh vực xuất khẩu gỗ. Năm 2015, doanh thu của TTF tăng gần gấp đôi so với cùng kì lên 2.752 tỷ đồng, lãi ròng tăng gấp ba lên mức kỉ lục gần 189 tỷ đồng.

Niềm vui còn nhân đôi khi Gỗ Trường Thành nhận được tin có thể trở thành công ty con của một tập đoàn kinh tế lớn trong nước và được bao tiêu 30% doanh thu, cũng như nhận được nguồn lực mạnh mẽ để nâng cấp, mở rộng kinh doanh.

Những nỗ lực tái cấu trúc tài chính dưới bàn tay của “vua gỗ” giúp TTF có sự hồi phục sau đó. Bằng những việc làm chưa có tiền lệ, ông Võ Trường Thành đã xoay chuyển được tình thế để đưa TTF trở lại mạnh mẽ.

Ông là người đầu tiên mua doanh nghiệp nước ngoài, Ông lại là người đầu tiên phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá đồng thời cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên thuyết phục được DATC mua nợ. Kế đến là câu chuyện phát hành thành công khoản vay chuyển đổi 1.200 tỷ đồng cho công ty con của Vingroup là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát vào cuối năm ngoái.

Với một loạt những giải pháp được thực thi cùng với “chiếc phao” đến từ Tập đoàn Vingroup, cổ phiếu TTF đã được nhà đầu tư săn đón trên thị trường với kỳ vọng nhờ nguồn lực của VIC, TTF sẽ bay cao bay xa…

Ông Võ Trường Thành cũng từng chia sẽ với cổ đông rằng việc trở thành công ty con của VIC sẽ giúp công ty phát triển mạnh hơn. Phần vốn của gia đình ông tại TTF giảm xuống, nhưng giá trị thì lại tăng lên. Cổ đông cũng tin là như vậy, khi giá cổ phiếu TTF ngấp nghé dưới ngưỡng 30.000 đồng/cổ phiếu, nhiều đồn đoán cho rằng thời gian tới cổ phiếu TTF sẽ vượt lên mức 50.000 đồng/cổ phiếu và cao gấp cả chục lần so với mức giá khủng hoảng.

Ông Thành khi đó còn được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị Công Ty Cổ Phần Khoáng Sản và Xây Dựng Bình Dương ( BIMICO), một doanh nghiệp khai thác đá xây dựng có hiệu quả kinh doanh rất tốt trên sàn chứng khoán Tp.HCM.

Đó là thời điểm mà nhiều người cho rằng Ông Thành cùng gia đình đã tiến lên nấc thang cao hơn trong sự nghiệp. Uy tín cũng như khả năng chèo lái con thuyền TTF vượt bão của ông đã gây tiếng vang trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá trị tài sản của gia đình Ông cũng đã tăng lên đáng kể. Và lẽ dĩ nhiên, nhiều cổ đông và nhà đầu tư cũng vô cùng hào hứng khi giá cổ phiếu TTF lên cao.

Đến tháng 5/2016, công ty con nói trên đã chi ra 1.800 tỷ thâu tóm 49,9% vốn Gỗ Trường Thành. Tuy nhiên, sau đó, họ đã phát hiện ra một số sai lệch rất nghiêm trọng về số lượng hàng tồn kho tại báo cáo tài chính của “vua gỗ” nên đã tạm ngưng chuyển đổi khoản nợ này.

Ngay khi thông tin này được công bố, cổ phiếu TTF đã có chuỗi giảm sàn kỉ lục tới 24 phiên liên tiếp, bốc hơi hơn 80% giá trị từ 43.600 đồng xuống 8.100 đồng. Sau đó, khi công bố BCTC quý 2/2016, Gỗ Trường Thành đã giáng một đòn choáng váng vào các cổ đông với khoản lỗ bất ngờ lên đến 1.081 tỷ đồng.

Vấn đề khiến nhà đầu tư “chết lặng” là việc kiểm kê phát hiện thiếu tới gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho trong giá vốn hàng bán, khiến cho giá vốn trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng vọt lên mức 1.690 tỷ đồng – cao gấp đôi doanh thu. Đó là chưa kể đến hàng loạt những giao dịch với các công ty có liên quan bị nghi ngờ để tạo doanh thu khống và doanh nghiệp chưa trích lập dự phòng đối với khoản phải thu khó đòi.

Kết thúc năm 2016 “kinh hoàng”, Gỗ Trường Thành báo lỗ ròng 1.271 tỷ đồng, tổng nợ phải trả lên đến 3.453 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu còn vỏn vẹn 132 tỷ đồng.

Cổ phiếu TTF đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, cha con người sáng lập – ông Võ Trường Thành – đã phải đắng cay từ nhiệm sự nghiệp cả đời của mình và đối mặt với việc đền bù thiệt hại đã gây ra cho công ty.

Cái kết buồn của "vua gỗ"

Ngày 12/8/2016, tập đoàn TTF quyết định bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Võ Trường Thành với lý do: ông Võ Trường Thành đã không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT trong tình hình khó khăn khẩn cấp của công ty.

chế biến, xuất khẩu gỗ hàng đầu Việt Nam.

Trường Thành dưới thời ông Võ Trường Thành từng là công ty chế biến, xuất khẩu gỗ hàng đầu Việt Nam.

Hai năm sau ngày bị bãi nhiệm, trang thông tin của Bộ Công an đã công bố quyết định 09 ký ngày 29 tháng 06 năm 2018 về tội: “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.” đối với ông Võ Trường Thành.

Những nguyên nhân sâu xa từ việc sai lệch thông tin có phải xuất phát từ “vua gỗ” hay đến từ những nguyên nhân khác vẫn còn là “ẩn số”. Tuy nhiên, “vua gỗ” đã chính thức “mất tích” trên thương trường Việt Nam sau 25 năm sóng gió cùng với nó.

Vào cuối tháng 8, Gỗ Trường Thành thông báo ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn đã thực hiện hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với công ty. Đây là hành động nhằm khắc phục hậu quả do quản lý yếu kém bằng cách chuyển giao quyền sở hữu của bản thân và người có liên quan cho công ty.

Trước đó vào tháng 3/2017, ông Thành (nhà sáng lập Gỗ Trường Thành) và ông Tuấn (con trai ông Thành) dùng nhiều tài sản đảm bảo để hoàn trả bao gồm 15,4 triệu cổ phiếu TTF và hơn 57 tỷ đồng vốn thực góp tại các doanh nghiệp khác như CTCP Trường Thành, CTCP Chế biến Gỗ Trường Thành, Nông Lâm Nghiệp Trường Thành, Phú Hữu Gia, Trường Thành Xanh...

Như vậy là sau khoảng 23 năm làm chủ một “đế chế” chế biến, xuất khẩu gỗ hàng đầu Việt Nam. Ông Võ Trường Thành đành ngậm ngùi ra đi “không trống không kèn” khỏi công ty do chính Ông cất công gầy dựng và từng vượt qua biết bao nhiêu khó khăn từ thời kinh tế mới giai đoạn đầu mở cửa.

Trong câu chuyện với NDH, ông Thành cũng kể rằng, lúc đang khó khăn, ông từng nói với con trai của mình là Võ Diệp Văn Tuấn rằng, là nếu bây giờ ông bước ra khỏi công ty và giao lại hết cho ngân hàng thì gia đình ông vẫn sống bình thường, tài sản, nhà cửa đất đai cái gì cũng có hết. Nhưng về danh chánh, sự nghiệp sau này thì đó là một vết nhơ và ông không xứng đáng để nhìn lại chuyện sau này đối với cổ đông hay là dạy con dạy cháu cũng không nên lời. Do đó, ông đã quyết định là sẽ chiến đấu tới cùng.

Quả thật TTF đã được cứu, công ty đã được giữ lại, nhưng rõ ràng việc ra đi sớm và trong tư thế không mấy tốt đẹp như vậy chắc chắn cũng là một ký ức buồn cho doanh nhân tên tuổi một thời.

Có thể bạn quan tâm

  • Gỗ Trường Thành “sụp đổ”: Sai một ly, đi nghìn tỷ

    Gỗ Trường Thành “sụp đổ”: Sai một ly, đi nghìn tỷ

    11:00, 04/11/2020

  • Hai cha con ông Võ Trường Thành đã chuyển giao tài sản khắc phục hậu quả cho Gỗ Trường Thành

    Hai cha con ông Võ Trường Thành đã chuyển giao tài sản khắc phục hậu quả cho Gỗ Trường Thành

    11:07, 27/08/2020

  • "Con tàu đắm" Gỗ Trường Thành hiện giờ ra sao?

    11:00, 28/04/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nỗi đau đại gia Trường Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO