Cựu lãnh đạo Walmart và mối duyên đặc biệt khiến ông “cập bến” Bibo Mart
Henry Neilson, vị chuyên gia lão luyện và đầy tiếng tăm trong lĩnh vực bán lẻ quốc tế gây bất ngờ khi chọn Bibo Mart để gắn bó suốt từ năm 2017 tới nay.
4 năm ở Bibo Mart là quãng thời gian ít ai đoán được, khi biết rằng Henry Neilson vốn gắn liền với những thương hiệu bán lẻ lớn nhất và nổi tiếng thế giới như Walmart, 7-Eleven, Dairy farm, Welcome Taiwan… ở vị trí Giám đốc điều hành và thành viên Ban Giám đốc.
Vì thế, rất tất yếu khi nhiều người tò mò tại sao ông lại chọn một thương hiệu Việt, trong phân khúc mẹ và bé, với doanh thu rất khiêm nhường khi so sánh với những gã khổng lồ quốc tế? Henry Neilson đã làm gì trong 4 năm qua giúp Bibo Mart từ hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ truyền thống trở thành 1 hệ sinh thái số như hiện nay?
PV đã có cuộc trò chuyện cùng Henry Neilson khi vị chuyên gia đang giữ cương vị Giám đốc chiến lược cũng như thành viên HĐQT độc lập Bibo Mart thường di chuyển giữa nhiều quốc gia.
"Điều lạ" ở Bibo Mart
- Sau Walmart, Dairy Farm, Watson, 7 eleven… , tại sao lại là Bibo Mart trong danh sách doanh nghiệp ông tham gia chèo lái?
Khi tiếp xúc lần đầu tiên với Bibo Mart, tôi giữ vai trò cố vấn cấp cao cho một đối tác của Bibo Mart. Chỉ sau ít lần làm việc với Mrs.Trịnh Lan Phương – người sáng lập Bibo Mart cùng đội ngũ nhân sự của công ty, tôi đã cảm nhận được văn hóa doanh nghiệp là sự tử tế, nhân văn. Ngoài ra Bibo Mart có tầm nhìn, định hướng chiến lược rõ ràng, có tham vọng đủ lớn để trở thành chuỗi bán lẻ số một về sản phẩm mẹ và bé tại thị trường Việt Nam vào thời điểm đó.
Tôi còn nhận thấy, từ rất sớm Bibo Mart đã xây dựng được mô hình tiên phong – một mô hình lấy khách hàng làm trọng tâm. Từ người sáng lập cho đến các cộng sự đều có suy nghĩ và hành động đều tập trung vào khách hàng. Tuy thương hiệu chưa có tầm quốc tế nhưng Bibo Mart với mô hình lấy khách hàng làm trọng tâm sớm muộn sẽ vươn lên thành công và trở thành một thương hiệu lớn trên thị trường.
Với những nền tảng này, sự phát triển sẽ nhanh và rõ ràng hơn nếu được áp dụng các kiến thức và chuẩn mực của bán lẻ thế giới. Do vậy, khi Mrs. Phương đề xuất về cơ hội hợp tác, tôi đã không mất thời gian để nhận lời.
- Bibo Mart đã sớm chiếm được tình cảm của ông bằng ADN là sự nhân văn tử tế cùng mô hình lấy khách hàng làm trọng tâm. Hẳn sẽ có câu chuyện khiến ông đặc biệt ấn tượng để đưa đến những đánh giá này?
Có một điều rất lạ ở Bibo Mart so với các hệ thống bán lẻ khác và điều này khiến tôi ngạc nhiên. Đó là Bibo Mart ưu tiên tuyển dụng y tá, nữ hộ sinh, những người có kiến thức y khoa vào làm nhân viên tư vấn bán hàng. Bạn cứ tưởng tượng bản thân là một người phụ nữ đang mang bầu, băn khoăn nên và không nên chọn gì để tốt cho em bé.
Bạn đến cửa hàng, được tư vấn bởi những người có kiến thức y tế, được lắng nghe và chia sẻ… Điều này sẽ mang lại trải nghiệm khó quên và gắn bó sâu sắc về sau.
Đồng nghĩa Bibo Mart không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn cung cấp cả giải pháp. Bibo Mart làm những điều đó với niềm đam mê nhiệt huyết hiếm thấy và tôi vô cùng ấn tượng.
- Sau khi nhận lời, công việc cụ thể của ông tại Bibo Mart là gì?
Khi mới đến Việt Nam, tôi thấy các doanh nghiệp bán lẻ nói chung hay như Bibo Mart là những doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, làm vì niềm đam mê, kinh nghiệm quản trị chưa nhiều, chưa lượng hóa được hết các rủi ro và chưa có kế hoạch triển khai bài bản.
Sự tham gia của tôi vào Bibo Mart để làm gia tăng thêm năng lực quản trị với các quy trình, cách làm theo thông lệ bán lẻ quốc tế.
Tuy nhiên, chúng tôi thống nhất vẫn tôn trọng ý tưởng, nhiệt huyết và giữ bộ gene của Bibo Mart. Điều đó giúp Bibo Mart thực hiện ước mơ một cách hiệu quả nhất.
Cú chuyển mình trước thị trường lên hệ sinh thái số
- Thời điểm nào ông cùng các đồng sự tại Bibo Mart tính đến bài toán về chuyển đổi số thay vì mở rộng chuỗi cửa hàng vật lý?
Trước 2018, mục tiêu Bibo Mart hướng đến là phải xây dựng được hoạt động chuẩn bán lẻ của các chuỗi bán lẻ hàng đầu thế giới như tôi đã làm. Số lượng cửa hàng trên toàn quốc sẽ là 500 sau một vài năm.
Nhưng những khảo nghiệm quốc tế đã khiến Mrs. Phương và cả Bibo Mart nhận định: việc tăng thêm số lượng cửa hàng vật lý không có nhiều ý nghĩa. Sau 2018, Bibo Mart đưa ra tham vọng cải tiến, xây dựng mô hình mới là Factories to customers (từ nhà máy tới khách hàng)
Đây là mô hình cấp tiến và tất yếu, đầy thách thức nhưng rất truyền cảm ứng với tất cả chúng tôi. Bởi lẽ những cái mới sẽ giúp doanh nghiệp thoát ra khỏi lối mòn, lên tầm cao mới.
- Ông có thể chia sẻ về điều khó nhất khi ông tham gia thực hiện quá trình chuyển đổi số tại Bibo Mart?
Điều khó khăn nhất trong quá trình chuyển đổi số tại một doanh nghiệp là việc thay đổi nhận thức và cần có định hướng chuyển đổi số một cách rõ ràng. Bởi lẽ chuyển đổi số không đơn thuần là chúng ta mua công nghệ để số hóa các bước hoạt động, các thao tác đang làm.
Điểm tốt là Bibo Mart có nhận thức trước thị trường về chuyển đổi số và có quyết tâm để thực hiện.
Khi bắt tay vào thực thi, do còn thiếu kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số, Bibo Mart phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhằm tìm ra phương pháp đúng.
Bibo Mart cũng có sự chia sẻ về việc chuyển đổi số trong nội bộ doanh nghiệp từ các lãnh đạo cấp cao đến các cấp nhân viên. Việc hiểu cách làm và có sự đồng thuận diễn ra sâu rộng trong công ty đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đi nhanh. Bản thân Mrs.Phương cũng đã nắm giữ vị trí CIO cho thấy tầm quan trọng của nó.
- Ông có thể mô tả hệ sinh thái số của Bibo Mart một cách khái quát nhất? Hoàn thành chuyển đổi số mở ra cơ hội phát triển cho Bibo Mart như thế nào, thưa ông?
Chuyển mình lên hệ sinh thái số nghĩa là Bibo Mart vận hành mọi khâu trên nền tảng dữ liệu lớn. Việc chú trọng xây dựng hệ thống dữ liệu lớn bao trùm tất cả mảng hoạt động của hệ sinh thái, kết hợp với việc tập hợp “domain expert” (kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia hàng đầu), mô phỏng cách thức giải quyết vấn đề và khai thác cơ hội bằng các thuật toán, Bibo Mart đã thực sự trở thành một tổ chức hoạt động trên cơ sở data-driven, tự động tính toán và vận hành tối ưu mọi công đoạn của chuỗi giá trị.
Bibo Mart thấu hiểu khách hàng hơn, phát triển sản phẩm chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh, xây dựng được nền tảng để quản lý hiệu suất chuỗi cung ứng. Toàn bộ chuỗi cung ứng trở nên “trong suốt” và khả năng mở rộng là không giới hạn.
Đây là cơ hội để Bibo Mart trở thành cầu nối đấu nối với các bên để tối ưu mọi nguồn lực xã hội và mang lại lợi ích cho các bên tham gia.
- Ông có thể chia sẻ chiến lược hành động tiếp theo mà ông cùng đồng sự sẽ triển khai tại Bibo Mart?
Sau 03 năm Bibo Mart tập trung vào việc xây dựng chuyển đổi số, thời gian tới Bibo Mart sẽ hướng ra bên ngoài để thực hiện giai đoạn tiếp theo là kết nối các đối tác vào hệ sinh thái để cùng phát triển và tạo ra các giá trị bền vững cho xã hội.
- Ông nhận định thế nào về xu hướng chuyển đổi số của các doanh nghiệp?
Đó là một xu hướng tất yếu trong hiện tại và tương lai. Trong bối cảnh nền kinh tế đang diễn biến khó lường, thói quen tiêu dùng của khách hàng đang thay đổi bởi sự tác động của nhiều yếu tố mang tính vĩ mô như đại dịch, khủng hoảng kinh tế, nếu các doanh nghiệp không thực hiện việc chuyển đổi số vào hoạt động thì những khó khăn có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên cần hiểu và triển khai đúng việc chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số phải được xuất phát từ chính trong tư duy của ban lãnh đạo doanh nghiệp cho tới từng nhân sự trong tổ chức không phải là từ bên ngoài hay trông chờ vào một giải pháp mang tính đột biến.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Amazon vẫn tiếp tục thống trị thị trường bán lẻ?
03:08, 13/07/2021
Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ hệ thống bán lẻ
01:00, 11/07/2021
Tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp bán lẻ chuyển đổi số
03:06, 06/07/2021
Hai xu hướng của ngành bán lẻ thế hệ mới
03:28, 02/07/2021
Đâu là “miền đất hứa” của bán lẻ tại các thành phố lớn
13:11, 29/06/2021
Xu hướng bán lẻ “hậu dịch” 2021
10:00, 22/06/2021
Tự tin vẽ lại “bản đồ” bán lẻ Việt Nam
06:30, 19/06/2021