Hai xu hướng của ngành bán lẻ thế hệ mới

BẠCH LÂN 02/07/2021 03:28

Các ông lớn bán lẻ đến nay hầu như đều có cả ứng dụng lẫn các cửa hàng. Người tiêu dùng có thể đặt hàng trên ứng dụng và ra cửa hàng để lấy hàng.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng, làm cho các mô hình bán lẻ truyền thống gặp nhiều khó khăn. Trong khi giá thuê mặt bằng không giảm, thì lưu lượng khách đến cửa hàng lại giảm mạnh. Theo thống kê của Google, lượng khách trực tiếp đến cửa hàng bán lẻ để mua sắm đã giảm đến gần 40% so với trước đại dịch.

Sự thay đổi này đòi hỏi đổi mới trong cách vận hành bán lẻ. Qua quá trình thử nghiệm và chọn lọc tự nhiên, ngành bán lẻ nổi lên hai xu hướng lớn, không chỉ giúp các chuỗi cửa hàng bán lẻ vượt qua khủng hoảng, mà còn có thể đặt nền móng cho một nền bán lẻ hoàn toàn mới và hiện đại trong tương lai. Hai xu hướng đó là bán lẻ đa kênh (omnichannel) và cửa hàng tích hợp một-điểm-dừng.

Xu hướng bán lẻ đa kênh

Giả sử bạn muốn mua một chiếc lò nướng mới. Bạn có hai phương án: mua ở cửa hàng truyền thống (như Điện Máy Xanh hoặc Điện Máy Chợ Lớn), hoặc mua trên mạng (Tiki, Shopee…).

Cửa hàng truyền thống có lợi thế về cự li và trải nghiệm: Bạn có thể dùng thử, và nhận hàng ngay tức thì, nhưng phải chấp nhận rủi ro sản phẩm hết hàng hoặc không có mẫu mà bạn thích.

Cửa hàng trực tuyến có ưu điểm về chi phí vận hành và sự tiện lợi: Thay vì phải ra trực tiếp cửa hàng, bạn có thể ở nhà để mua; hơn nữa, danh mục sản phẩm sẽ đa dạng hơn vì không bị giới hạn bởi không gian kệ.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, rất nhiều người vẫn xem đây là hai mô hình đối đầu lẫn nhau. Trong các công ty có cả kênh truyền thống lẫn kênh trực tuyến, đây là hai bộ phận vẫn bị xem là cạnh tranh: khách hàng đã mua ở cửa hàng truyền thống nghĩa là kênh trực tuyến đã mất đi một khách. Thế nên, nếu là lúc trước, bạn chỉ có thể chọn ra cửa hàng mua tại chỗ, hoặc lên mạng.

Thời gian gần đây, các chuỗi cửa hàng đã cải thiện quan điểm vận hành, họ nhận ra hai kênh này là hai mặt không thể tách rời của hoạt động bán lẻ. Thay vì xây dựng hai kênh và tạo sự cạnh tranh, các chuỗi cửa hàng ngày nay đề cao tinh thần hợp tác, và bán lẻ đa kênh ra đời.

Với mô hình bán lẻ đa kênh, mỗi kênh sẽ chỉ đảm nhiệm phần việc mà mình làm tốt nhất. Thay vì cố gắng chốt đơn, kênh trực tuyến sẽ tập trung giới thiệu danh mục sản phẩm phù hợp nhất, sau đó hướng bạn đi trải nghiệm tại cửa hàng. Kênh cửa hàng cũng không cần phải cố gắng hút khách, chèo kéo, hay tăng tồn kho để giới thiệu tất cả những sản phẩm mà mình có, mà chỉ cần tập trung chốt đơn khi khách đến cửa hàng.

Các ông lớn bán lẻ đến nay hầu như đều có cả ứng dụng lẫn các cửa hàng. Người tiêu dùng có thể đặt hàng trên ứng dụng và ra cửa hàng để lấy hàng.

Như vậy, nhờ bán lẻ đa kênh, doanh nghiệp có thể tối ưu vận hành, còn khách hàng lại được tối ưu trải nghiệm. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đây, bán lẻ đa kênh đã không mạnh mẽ đến như vậy. Mô hình này đã tạo ra một hệ quả: xu hướng bán lẻ thứ hai—cửa hàng tích hợp.

Xu hướng cửa hàng tích hợp một-điểm-dừng

Nhờ mô hình bán lẻ đa kênh, cửa hàng truyền thống rũ bớt trách nhiệm trữ đầy đủ đa dạng tồn kho, và chỉ tập trung vào phần trải nghiệm trực tiếp và chốt đơn.

Như vậy, thay vì tập trung sử dụng toàn bộ không gian của mình cho một hạng mục sản phẩm, các chuỗi cửa hàng có thể tối ưu không gian, bày bán tất cả những sản phẩm phục vụ tất cả các nhu cầu của khách hàng—thứ đã được kênh trực tuyến xác định nhờ dữ liệu mạng.

Thay vì chỉ bày bán đồ điện máy, Điện Máy Xanh có thể tối ưu và bán cả những sản phẩm bán chạy khác như xe đạp hay laptop.

Thay vì chỉ bán điện thoại, các cửa hàng FPT Store đã dần tích hợp thêm các module bán thuốc.

Và đặc biệt nhất là mô hình một-điểm-dừng của chuỗi VinMart: Tại đây, bạn có thể tìm thấy tất cả những gì mà mình cần: từ thực phẩm, đồ giặt tẩy cho đến… trà sữa Phúc Long hay thực hiện các giao dịch tài chính với Techcombank.

Như vậy, hai xu hướng lớn của bán lẻ đã giảm gánh nặng cho cửa hàng truyền thống, từ đó cởi trói cho các cửa hàng thực hiện những hoạt động khác có giá trị hơn. Thay vì một cửa hàng chuyên một dòng sản phẩm, ngày nay chúng ta sẽ thấy các cửa hàng bán tất cả mọi thứ mình cần.

Mô hình cửa hàng bán lẻ đa kênh một điểm dừng mà VinMart và các chuỗi bán lẻ lớn đang hình thành chắc chắn là tương lai của ngành bán lẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Đâu là “miền đất hứa” của bán lẻ tại các thành phố lớn

    Đâu là “miền đất hứa” của bán lẻ tại các thành phố lớn

    13:11, 29/06/2021

  • Xu hướng bán lẻ “hậu dịch” 2021

    Xu hướng bán lẻ “hậu dịch” 2021

    10:00, 22/06/2021

  • Tự tin vẽ lại “bản đồ” bán lẻ Việt Nam

    Tự tin vẽ lại “bản đồ” bán lẻ Việt Nam

    06:30, 19/06/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hai xu hướng của ngành bán lẻ thế hệ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO