Sứ mệnh "nhân bản" của ông chủ Kakao
Lớn lên trong gia đình nghèo khó, thành công của Kakao đưa ông Kim Beom-su trở thành người giàu nhất Hàn Quốc, điều hành tập đoàn có vốn hóa hơn 60 tỷ USD...
Kim Beom-su – doanh nhân internet thành công bậc nhất tại Hàn Quốc từng nói đùa rằng cuộc sống của anh có lẽ đã rẽ sang một hướng khác nếu như hồi nhỏ có một chiếc máy tính để chơi game. Tỷ phú 49 tuổi này bản thân là một game thủ và hiện trong thời gian rảnh rỗi anh vẫn chơi những trò như Diablo cùng vợ và 2 con.
Từ hai bàn tay trắng ...
Trước khi trở thành tỷ phú, Kim Beom-su, 55 tuổi đã trải qua một chặng đường dài đầy khó khăn với xuất phát điểm vô cùng thiếu thốn. Ông lớn lên trong một gia đình đông con tại làng Dam-yang, khu vực nghèo nhất của Hàn Quốc. Bố ông là công nhân nhà máy còn mẹ làm dọn phòng ở khách sạn.
Kim bắt đầu tìm thấy lối thoát cho cuộc sống khó khăn khi thi đỗ đại học Quốc gia Seoul. Tuy nhiên gia đình không thể trả học phí cho Kim nên ông đã làm thêm công việc gia sư, đôi khi phải nhịn đói để tiết kiệm tiền trả tiền học.
Sau khi hoàn thành bằng đại học và thạc sỹ trong lĩnh vực kỹ sư công nghệ, Kim Beom-su đã làm việc cho tập đoàn Samsung trong vòng 6 năm. Vào năm 1988 ông đã quyết định rời khỏi Samsung để thành lập công ty game trực tuyến có tên Hangame.
Hai năm sau khi thành lập, Hangame đã sáp nhập với một công ty internet khác ở Hàn Quốc là Naver vào năm 2000 và lập ra công ty NHN. Sau đó NHN đã trở thành một trong những công ty thống trị mảng tìm kiếm dữ liệu và cổng web hàng đầu Hàn Quốc.
Tuy nhiên sau những mâu thuẫn với người đồng sáng lập Naver là Lee Hae-Jin về đường lối kinh doanh, Kim lúc đó giữ vị trí CEO cũng một số lãnh đạo khác đã rời NHN vào năm 2007. Đây cũng là thời điểm điện thoại thông minh bắt đầu xuất hiện và trỗi dậy sau sự kiện ra mắt iPhone của Apple, Kim đã có động lực để thử nghiệm một loạt thí nghiệm 2.0 và sáng lập ra startup Iwilab, chuyên phát triển ứng dụng cho điện thoại, tiền thân của Kakao.
Chia sẻ về quyết định mang tính bước ngoặt này, Kim cho biết: “Tôi đã đọc được một câu nói thế này: ''Con tàu ở bến cảng thì an toàn, nhưng đó không phải là điều mà nó sinh ra để làm. Điều này thôi thúc tôi tiếp tục mạo hiểm bước ra thế giới", vị tỷ phú chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2020.
Công ty Kakao của Kim bắt đầu với một ứng dụng nhắn tin xã hội mang tên Kakao Talk, đồng thời mở rộng các hoạt động kinh doanh bằng cách mua lại một công ty giải trí K-pop. Kakao cũng sáp nhập với cổng thông tin Internet lớn thứ hai của Hàn Quốc trong bối cảnh các dịch vụ thanh toán và thuê bao di động hiện ngày càng trở nên cần thiết đối với cuộc sống hàng ngày của nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc.
Theo nhiều chuyên gia, bước phát triển vượt bậc của Kakao được cho là nhờ tác động của đại dịch Covid-19 khi Hàn Quốc áp dụng các lệnh hạn chế như khuyến khích người dân ở nhà, làm việc từ xa, không tập trung nơi công cộng.
“Điều đó đã góp phần làm tăng trưởng doanh thu cho các dịch vụ Kakao mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng giảm”, Hwang Seung-taek, một nhà phân tích tại Công ty Đầu tư Tài chính Hana cho biết.
Giám đốc điều hành của Kakao, Mason Yeo cũng đồng ý rằng lưu lượng các cuộc đàm thoại bằng video và gọi trực tuyến ghi nhận mức tăng đáng kể trong bối cảnh dịch bệnh. "Chúng tôi cũng thấy sự gia tăng trong các lĩnh vực như vận chuyển quà tặng, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh và các hoạt động trong nhà”, ông Yeo cho biết.
Thêm vào đó các lĩnh vực khác của công ty như thanh toán và kinh doanh ngân hàng trực tuyến, có thể phát triển hơn nữa vì những ngành này hoạt động một cách độc lập, theo nhà phân tích Sung Jonghwa của Ebest Investment & Securities Co.
Sau hàng loạt thương vụ M&A lớn nhỏ, hiện tại Kakao tiếp tục mở rộng thêm quy mô hoạt động với công ty truyền thông đại chúng Kakao Entertainment và ứng dụng gọi taxi Kakao Mobility với kế hoạch IPO dự kiến vào năm sau.
“Kakao đang có kế hoạch xây dựng một hệ sinh thái toàn diện như WeChat tại Trung Quốc”, Dongkeun Yi, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu Counterpoint nhận định.
Chia sẻ về đế chế công nghệ của mình, Kim cho biết quan điểm của ông là không nên đặt ra giới hạn nào khi phát triển doanh nghiệp.
“Tôi được thúc đẩy bởi những thách thức mới như công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối blockchain và những ý tưởng như lên sao Hỏa. Tôi cho rằng không nên đặt ra giới hạn nào cho những gì Kakao làm. Vì vậy, tôi tiếp tục suy nghĩ về những thách thức mới", ông chủ Kakao chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 2020.
Hiện tại, Kakao đã trở thành một "gã khổng lồ" công nghệ tại Hàn Quốc, sánh ngang với các chaebol như Samsung, Hyundai, SK và LG. Kakao cũng là một trong những công ty có vốn hóa lớn nhất Hàn Quốc, khoảng 64 tỷ USD, vượt qua cả hãng sản xuất ô tô Hyundai Motor Co (khoảng 52 tỷ USD).
Sứ mệnh nhân bản
Theo tờ The Korea Times, hôm thứ Ba vừa qua giới chuyên gia và quan chức Hàn Quốc đã tiết lộ sứ mệnh to lớn của Kakao trong việc phát triển nền kinh tế nước này. Theo đó, nhà điều hành ứng dụng nhắn tin di động lớn nhất Hàn Quốc có tầm nhìn "nhân bản" mô hình kinh doanh của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon của Mỹ, thiết lập một đế chế kinh doanh bao gồm mua sắm - đọc sách trực tuyến, truyền thông đa phương tiện và logistics.
Amazon hiện là nhà điều hành kinh doanh thương mại điện tử lớn nhất thế giới, đạt doanh thu 108,5 tỷ USD trong quý 1/2021, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia của Research Insight, Amazon dự kiến sẽ vượt qua Walmart để trở thành nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ vào năm 2025. Dựa trên nền tảng mạnh mẽ của mình, con đẻ của tỷ phú Jeff Bezos cũng thể hiện năng lực vượt trội trong lĩnh vực kinh doanh điện toán đám mây.
Trong số những công ty công nghệ đang kinh doanh nền tảng tại Hàn Quốc, Kakao được coi là doanh nghiệp có sự tương đồng nhiều nhất với con đường thành công của Amazon. Sở hữu ứng dụng nhắn tin phổ biến với hơn 46 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, Kakao đang tận dụng nền tảng để mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, như thương mại điện tử, truyền thông đa phương tiện, ngân hàng trực tuyến và thậm chí cả giao dịch tiền ảo.
Kakao mới đây ra thông báo công ty đã mua lại Croquis, nhà điều hành nền tảng mua sắm thời trang ZigZag của Hàn Quốc. Đây là một nước đi mới nhằm phát triển mảng thương mại điện tử của Kakao. Mặc dù không tiết lộ chi tiết về hợp đồng, nhưng nhiều nguồn tin truyền thông cho biết Kakao được cho là đã trả gần 1 nghìn tỷ won (~ 900 triệu USD) cho thương vụ này.
Sau thương vụ mua lại ZigZag, nhà phân tích Park Ji-won của Kyobo Securities đã nâng giá trị doanh nghiệp của Kakao lên 7,3 nghìn tỷ won (~ 6,5 tỷ USD). Park cho biết, anh đặt kỳ vọng vào mảng quảng cáo trên KakaoTalk và thương mại điện tử. Bên cạnh đó, nhà phân tích cũng nói thêm rằng dịch vụ đặt xe taxi và truyền thông đa phương tiện của Kakao cũng được dự báo sẽ có mức tăng trưởng lớn.
Một nhà phân tích khác cũng đánh giá cao triển vọng của Kakao khi Dunamu, nhà điều hành sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất Hàn Quốc, Upbit, đang thúc đẩy niêm yết trên thị trường chứng khoán New York. Kakao nắm giữ 21,3% cổ phần của Dunamu.
"Dunamu ước tính đạt doanh thu 590 tỷ won và lợi nhuận hoạt động 544 tỷ won trong quý đầu tiên. Kakao dự kiến sẽ thu về khoảng 100 tỷ won lợi nhuận vốn cổ phần", nhà phân tích Lee Chang-young của Yuanta Hàn Quốc cho biết.
Kakao được cho là đang trong thương vụ đàm phán với Radish, nền tảng tiểu thuyết trực tuyến lớn thứ năm ở Mỹ. Động thái mua lại Radish cho thấy Kakao đang đặt mục tiêu tăng cường hoạt động kinh doanh sở hữu trí tuệ của mình.
Một nguồn tin khác trong ngành cho biết nhiều khả năng Kakao sẽ hợp tác với các hãng truyền thông khổng lồ của Mỹ là Netflix hoặc Disney trong tương lai. "Các gã khổng lồ truyền thông của Mỹ kỳ vọng có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty dựa trên tài nguyên mạnh mẽ của nền tảng KakaoTalk".
Có thể bạn quan tâm
Chiến thuật thâu tóm của "ông vua" kính mắt Leonardo Del Vecchio
03:00, 19/07/2021
Câu chuyện đằng sau vụ đắm tàu Titanic!
11:00, 18/07/2021
Chuyện khởi nghiệp tuổi 40 của "Nữ hoàng váy cưới" Vera Wang
03:00, 17/07/2021
Người đứng đầu VinAI và tham vọng đưa Việt Nam vào bản đồ AI toàn cầu
03:00, 16/07/2021