CEO Gojek: Mặt trái của tinh thần kinh doanh có thể khiến các doanh nhân hành động sai lầm
Các doanh nhân đầy tham vọng cần phải chuẩn bị tinh thần đối diện với cả chiến thắng và thất bại. Đức tính kiên trì thật sự là yếu tố quan trọng, CEO Gojek chia sẻ.
Tháng 5/2021, hai công ty khởi nghiệp giá trị lớn nhất Indonesia Gojek và Tokopedia đã hợp nhất thành một công ty mẹ có tên GoTo. Trong đó, cổ đông của Gojek nắm 58% cổ phần của liên doanh.
"Tôi nghĩ chúng ta sắp bước vào thời kỳ vàng son của các công ty công nghệ ở Indonesia và trên toàn Đông Nam Á", ông Kevin Aluwi, người đồng sáng lập và CEO Gojek chia sẻ.
Tận dụng "cơ hội vàng"
Một thập kỷ kể từ khi Kevin Aluwi và hai người bạn bắt đầu khởi nghiệp với ứng dụng Gojek và góp phần thay đổi hoàn toàn diện mạo thị trường xe ôm của Indonesia, Gojek hiện được định giá 18 tỷ USD sau khi sáp nhập với Tokopedia. Đây hiện là một trong những kỳ lân tỷ đô nổi tiếng nhất Đông Nam Á.
Mặc dù thị trường đã có nhiều thay đổi, Aluwi nhận định cơ hội lớn vẫn mở rộng cửa với các dự án khởi nghiệp công nghệ. Đông Nam Á hiện là thị trường có cơ cấu dân số trẻ đầy tiềm năng, với khả năng tiếp nhận các công nghệ mới rất tốt. Riêng Indonesia là quốc gia có dân số lớn thứ 4 thế giới với độ tuổi bình quân 29,7.
Khi nền kinh tế Đông Nam Á vẫn đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, ông Aluwi nhận định còn rất nhiều dư địa cho các công ty khởi nghiệp công nghệ để tạo nên những giải pháp thực tế cho xã hội.
Hiện tại, sau khi Gojek và Tokopedia về chung một nhà, đế chế Goto đóng góp tới 2% trong tổng quy mô GDP 1,1 nghìn tỷ USD của đất nước Indonesia thông qua các sản phẩm dịch vụ từ tài chính cho tới thương mại điện tử.
“Điều đó phản ánh cơ hội ở Indonesia nói riêng và phần còn lại của Đông Nam Á nói chung, rằng chúng ta có thể xây dựng những nền tảng lớn dựa trên sự phát triển kinh tế nhanh chóng hiện tại. Đồng thời, các nền tảng này cũng sẽ giúp ích cho hàng triệu người dân sống ở tầng lớp dưới cùng của xã hội, tương tự như việc Gojek giúp tăng thu nhập cho hàng triệu xe ôm ở Indonesia.
Những gì chúng tôi thấy ở các nền kinh tế đang phát triển là có cơ hội để đi tắt đón đầu. Khi thị trường chưa có các sản phẩm và dịch vụ lớn đã tạo thành thói quen ăn sâu vào người tiêu dùng như tại các nền kinh tế phát triển, thì bạn có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận người tiêu dùng bằng công nghệ tốt và mới hơn” - ông Aluwi chia sẻ.
Đồng quan điểm với Aluwi, nhà sáng lập Tokopedia William Tanuwijaya cũng nhận định: “Chúng tôi có lợi ích khi phát triển một công ty công nghệ ở một thị trường mới nổi. Nó tựa như một cỗ máy du hành thời gian, bạn có thể học hỏi sự phát triển công nghệ từ khắp nơi trên thế giới, tại những nước phát triển, rồi quay ngược trở lại áp dụng vào trong nước”.
Tuy nhiên, bất chấp những cơ hội ngày càng lớn cho các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Đông Nam Á, nhà đồng sáng lập Gojek Aluwi đã cảnh báo về mặt trái của tinh thần kinh doanh, điều có thể khiến các doanh nhân hành động sai lầm. Bởi xây dựng một công ty khởi nghiệp là một điều rất khó và việc thất bại là dễ hiểu. Các doanh nhân đầy tham vọng cần phải chuẩn bị tinh thần đối diện với cả chiến thắng và thất bại. “Đức tính kiên trì thật sự là yếu tố quan trọng” - ông Aluwi cho hay.
Tham vọng sải bước ra toàn cầu
"Một trong những trọng tâm chính của chúng tôi trong năm 2021 là mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài Indonesia", ông Aluwi nói thêm.
Vị đồng CEO khẳng định, trong vài năm qua, rõ ràng Gojek mới đầu tư số tiền tương đối nhỏ vào các thị trường bên ngoài Indonesia. "Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng 2021 là năm mà chúng tôi thực sự muốn sải cánh và trở thành một doanh nghiệp toàn cầu và khu vực", ông Aluwi nhấn mạnh.
Gojek khởi nghiệm với dịch vụ gọi xe vào năm 2010 tại Indonesia và kể từ đó đã "đa ngành" sang các mảng kinh doanh khác, bao gồm: giao hàng thực phẩm, thanh toán số, và logistics. Startup này đã có mặt tại hơn 200 thành phố của 5 quốc gia Đông Nam Á, nhưng Indonesia vẫn là thị trường hàng đầu.
Theo đánh giá của đại diện Gojek, một số quốc gia nơi công ty hoạt động dường như đã phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh dịch bệnh. Còn với Indonesia, dù đã triển khai chương trình tiêm chủng hàng loạt, nhưng quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á vẫn đang vật lộn với việc kiểm soát Covid-19, theo ghi nhận từ dữ liệu dịch bệnh của Đại học Johns Hopkins.
Đại diện Gojek cho biết, hầu hết doanh nghiệp ở Indonesia đang phải trải qua một thời kỳ khó khăn, kể cả lĩnh vực dịch vụ vận tải cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù Gojek đã cảm nhận được những khó khăn, nhưng ông Aluwi cho rằng việc startup này đa dạng hóa các lĩnh vực, từ giao thực phẩm, tạp hóa và logistics, đã kiến tạo "những nguồn tăng trưởng có ý nghĩa".
Gạt tác động tiêu cực sang một bên, đại dịch Covid-19 rõ ràng đã thúc đẩy người tiêu dùng toàn cầu ưu tiên mua sắm trực tuyến và lựa chọn dịch vụ giao hàng thay vì "mục sở thị" các nhà hàng hoặc siêu thị. Ngay cả khi các chương trình vaccine được triển khai trên toàn thế giới, một số chuyên gia cho rằng xu hướng mua sắm trực tuyến và những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng một năm qua vẫn tiếp diễn, kể cả sau khi đại dịch được kiểm soát.
"Chúng tôi cho rằng năm 2021 sẽ là một năm tăng trưởng và quan trọng hơn, chúng tôi đã dành năm 2020 để đầu tư vào rất nhiều nền tảng kinh doanh, sản phẩm và hoạt động, sao cho khả năng sinh lời và tính bền vững trở nên tốt lên qua từng năm", ông Aluwi cho biết.
Theo Công ty phân tích kinh doanh và dữ liệu toàn cầu CB Insights, Gojek hiện được định giá 10 tỷ USD. Startup của Indonesia đang trong tầm ngắm của các nhà đầu tư lớn như Google (Mỹ), Tencent (Trung Quốc), và Temasek (Singapore).
Có thể bạn quan tâm