Người đưa cúc áo Việt vào làng thời trang thế giới
Tôn Văn được "vua nút áo" Tôn Thạnh Nghĩa xây dựng với thông điệp: “Đưa thiên nhiên vào thời trang”.
Ông Tôn Thạnh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn, được biết đến với tên gọi "vua cúc áo" Việt Nam. Tôn Văn Group chuyên xuất khẩu cúc áo bằng vỏ sò và ngọc trai sang rất nhiều nước trên thế giới. Ông Nghĩa cũng được coi là một nhà sản xuất cúc áo vào cỡ hàng đầu của thế giới.
Vào đời bằng khe cửa hẹp
Ông Nghĩa sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam. Trên kênh truyền hình TP HCM (TFS), ông Nghĩa từng kể về thời thiếu niên nghèo khó cùng gia đình, sống mộc mạc đến giản đơn, nên trong suy nghĩ ông luôn khát khao làm giàu và đổi đời.
Như những người khác, ông làm việc để nuôi vợ và hai con. Nhưng do không đủ sống, ông quyết định vào Sài Gòn để học tiếng Anh rồi tiếng Nhật.
Cơ duyên bước vào lĩnh vực kinh doanh khá "ngách" này, ông Nghĩa cho biết, từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, một công ty của Nhật làm cúc áo từ vỏ sò, vỏ ốc biển, chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ông Nghĩa làm phiên dịch cho họ, giúp họ “chạy” các thủ tục, gặp các lãnh đạo ở Ủy ban Hợp tác và Đầu tư nước ngoài. Công ty của Nhật được cấp phép đầu tư, thành lập năm 1993.
Bốn năm sau, năm 1997, sau khi phục vụ các ông chủ Nhật, được họ yêu mến và đã tiếp nhận được công nghệ từ họ, ông Nghĩa bắt đầu tự làm ông chủ.
Khởi đầu với 6 người thợ cần mẫn mài cắt từng vỏ sò, vỏ ốc trên căn gác xép ở quận Phú Nhuận (TPHCM). Có điều lạ rằng, ngày xưa ông bà mình đã dùng nút áo bằng vỏ ốc, vỏ trai rồi thế mà nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam rất lạ lùng khi ông Nghĩa đến. Không bán được cái nào ở thị trường trong nước, ông chào hàng với các đối tác nước ngoài. Liên lạc với một người quen cũ là ông Ohno Kazuo, doanh nhân Nhật có cửa hiệu buôn bán ở Hong Kong, để chào hàng, ông Nghĩa được khuyến khích gửi hàng sang. “Ông ấy xem hàng rồi điện thoại chỉ vẽ thêm cho tôi rất nhiều. Tôi tồn tại được là nhờ ông ấy. Bây giờ ông ấy vẫn là khách hàng chính của tôi”, ông Nghĩa nhớ lại.
Vượt qua chính mình
Khởi nghiệp với doanh nghiệp riêng ở tuổi 40, cũng với sản phẩm là nút áo, trong thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, công ty ông Nghĩa sản xuất ra những chiếc nút áo chất lượng không tốt, ông bỏ đi làm lại và có những lúc tưởng chừng như phá sản. Dần dần, ông tự nhận sai rồi sửa bằng cách khách hàng chê chỗ nào thì sửa chỗ đó.
"Lúc đó mình cũng buồn, phải nói là vô lý tại sao mình làm tốt như vậy, đâu có thua ai mà họ lại chê. Nhưng rồi về sau mình cũng phải nghĩ cách để làm cho tốt hơn, cho đạt yêu cầu của người ta... Anh cố làm cái người ta cần chứ không phải bán cái mình có", ông Tôn Thạnh Nghĩa chia sẻ.
Thời điểm mới thành lập công ty và làm nút áo bằng vỏ ốc vỏ sò, trên thị trường hầu như chưa có doanh nghiệp nào làm sản phẩm tương tự. Giai đoạn đầu khi còn thiếu kinh nghiệm và vốn, ông chú trọng đến việc làm chậm nhưng phải đảm bảo tính kỹ lưỡng và chất lượng sản phẩm.
Bài toán chi phí trong điều kiện ít vốn cũng phải tính toán kỹ và tiết kiệm tối đa. "Ví dụ như dao cắt nút chuyên dụng là phải cố mua cho được. Kim khoan lỗ phải chọn cái thật tốt", ông Nghĩa nói.
Ngoài khó khăn thì doanh nghiệp của ông cũng được hưởng những điều kiện thuận lợi về nguồn nguyên liệu vỏ ốc, vỏ sò sẵn có, rải rác trên đường bờ biển dài hơn 3.000km ở Việt Nam và cả các đảo, quần đảo.
Thời điểm đó, vỏ ốc, sò còn rất nhiều tiềm năng khai thác bởi các doanh nghiệp lúc bấy giờ chỉ khai thác sản phẩm này để trạm khảm, gắn lên đồ gỗ mỹ nghệ.
Sau này, khi đã thành thục và nắm rõ công nghệ, đặc biệt là kỹ thuật dùng lazer để in hình nút áo, công ty của ông cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao hơn và có nguồn gốc từ thiên nhiên nên được giới thời trang công nhận và trở thành đối tác của ông Nghĩa.
Đến giờ Công ty Tôn Văn đã là một nhà máy sản xuất trên mặt bằng hơn 10.000 m2 với 150 công nhân. Doanh thu thì tính bằng số triệu USD.
Mỗi con ốc qua 20 công đoạn sơ chế, cắt định hình, khoan lỗ, khắc hoa văn, nhuộm (nếu có), đánh bóng, sàng lọc... mới ra được những hạt nút tỉ mỉ đạt chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật…
Ngoài nút áo, Tôn Văn còn sản xuất cả ngàn loại sản phẩm như: thìa ăn trứng cá muối, dao ăn bánh, kem, trái cây, dĩa…
Sản phẩm của công ty ông Nghĩa hiện có mặt ở hầu hết các hãng thời trang lớn trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngoài xuất khẩu ra nước ngoài, ông Nghĩa cũng chinh phục thị trường trong nước với sản phẩm nút áo với giá thành rẻ hơn từ 5 – 7 lần so với sản phẩm nhập từ nước ngoài.
Kể từ khi khởi nghiệp và miệt mài với sản phẩm nút áo bằng vỏ sò, tới nay ông đã gắn bó với nghề này được 25 năm.
Trong thời gian làm từ thiện cùng đoàn bác sỹ người Nhật phẫu thuật mổ và chữa trị cho những trẻ em bị sứt môi, ông nhận thấy các bác sỹ hay mua quà về để về tặng mọi người khi về nước. Từ đó, ông Nghĩa tiếp tục nghĩ ra phải làm một sản phẩm quà tặng từ vỏ ốc thiên nhiên của Việt Nam cho du khách quốc tế.
Cây bút máy từ vỏ ốc ra đời với hơn 10 năm thử nghiệm rồi chính thức xuất sản phẩm trên thị trường. Với sản phẩm bút máy mới ra mắt này, ông Nghĩa để lại công việc kinh doanh cho con gái cũng như công nghệ chạm khắc để con độc lập tự làm.
Chia sẻ về sự nghiệp gắn bó với bản thân hơn nửa đời người, ông Nghĩa nói: "May mắn là cuộc đời cũng đi theo sở thích của tôi. Nghề sản xuất là nghề tạo ra của cải và tôi rất may mắn đã theo được cái nghề này".
Có thể bạn quan tâm
George Soros – “Phù thủy Phố Wall”!
05:00, 11/08/2021
Những người thừa kế kín tiếng (Kỳ 1): "Kiềng ba chân" ở LVMH
04:00, 10/08/2021
Bí quyết đầu tư của ông chủ quỹ đầu tư lớn nhất thế giới Ray Dalio
03:03, 09/08/2021
Hãy cứ khát khao...
05:00, 08/08/2021
Trao oxy nối dài sự sống
11:37, 07/08/2021
Adnan Khashoggi – “Gatsby vĩ đại của Trung Đông”!
04:00, 07/08/2021
Satya Nadella - kiến trúc sư đại tài của đế chế Microsoft
03:00, 06/08/2021