Adnan Khashoggi là một doanh nhân, lái buôn vũ khí khét tiếng của Ả Rập Saudi. Vào thời điểm những năm 1980, ông từng là người giàu nhất thế giới với tài sản lên đến 4 tỷ USD.
Adnan Khashoggi được biết đến với lối sống xa hoa với biệt danh "Gatsby vĩ đại của Trung Đông". Tuy nhiên, cái mà người ta biết nhiều nhất đến Khashoggi là vai trò đứng đầu Triad International Holding, một tập đoàn đầu tư tư nhân đa quốc gia bao gồm một loạt bất động sản và doanh nghiệp lớn trên toàn cầu.
Trong cuộc đời mình, Adnan Khashoggi dính líu mật thiết đến cả hai vụ bê bối nổi tiếng trên thế giới là vụ “áp phe” Iran-Contra và vụ bê bối hối lộ Lockheed. Đồng thời, ông cũng là “kẻ châm ngòi” cho hàng loạt vụ phá sản với các khoản thanh toán lớn nhất trong lịch sử của công ty SIPC.
Du thuyền của ông đã từng được sử dụng trong bộ phim “Never Say Never Again” của James Bond. Vào thời kỳ đỉnh cao của mình, ông được biết đến khi chi tiêu khoảng 250.000 USD mỗi ngày cho các thú vui hưởng lạc.
Khởi đầu sự nghiệp…
Adnan Khashoggi sinh năm 1935 tại Mecca, Ả Rập Saudi. Là con trai của Mohammad Khashoggi, bác sĩ riêng của vua Ả Rập Saudi Abdul Aziz Al Saud. Khashoggi theo học Cao đẳng Victoria ở Alexandria, Ai Cập, sau đó đến Mỹ, theo học Đại học Bang California, Đại học Bang Ohio và Đại học Stanford. Khi còn đi học, ông đã gặp vua tương lai của Jordan, Hussein bin Talal, và đã từng tạo điều kiện cho một cuộc gặp gỡ kinh doanh giữa cha của hai người bạn cùng lớp. Khashoggi cuối cùng đã bỏ dở việc học để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh.
Một trong những giao dịch lớn đầu tiên trong đời, Adnan Khashoggi sử dụng số tiền do cha mình cho, để mua một số xe tải Kenworth, có bánh rộng để đi qua sa mạc. Thời điểm đó, việc vận chuyển hàng hóa xuyên qua sa mạc hầu hết là được chuyên chở bằng lạc đà. Khashoggi đã kiếm được 250.000 USD để thuê xe tải cho công ty xây dựng và trở thành đại lý của Kenworth có trụ sở tại Ả Rập Xê Út trong quá trình này.
Sau đó, Adnan Khashoggi tiếp tục là người gây dựng các thương vụ lớn trong những năm 60 và 70, đứng ở trung gian, giúp tập hợp các công ty phương Tây lại với nhau để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của chính phủ Ả Rập Saudi.
Trong số các công ty mà ông làm việc có Lockheed, một hãng chế tạo máy bay, vũ khí, tên lửa, vệ tinh và các kỹ thuật tiên tiến quốc phòng, công ty sau này đã trả cho Khashoggi 106 triệu USD tiền hoa hồng từ năm 1970 đến 1975. Đối với Lockheed, ông cung cấp chiến lược, lời khuyên và phân tích, đồng thời trở thành cánh tay tiếp thị của công ty. Sau đó, Khashoggi thành lập một số công ty ở Liechtenstein và Thụy Sĩ để xử lý tiền hoa hồng của mình, đồng thời liên hệ với các nhân vật lớn như các sĩ quan CIA Kim Roosevelt và James H. Critchfield.
Để có được ảnh hưởng với những người quan trọng trên thế giới, Khashoggi thường gửi cho họ hai thứ làm mê muội hầu hết cánh đàn ông trên thế giới, đó là “tiền và gái đẹp”. Một trong những "món quà" của ông đã từng đến tay của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon.
Đỉnh cao tiền bạc và danh vọng
Tuy nhiên, một trong những nỗ lực kinh doanh quan trọng nhất của Khashoggi là việc phát triển và sở hữu công ty Triad International Holding. Được thành lập vào đầu những năm 60, Triad đã mở rộng để bao gồm các bất động sản trên năm châu lục và có một số công ty con tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ và nguồn tài chính.
Trong số cổ phần của Triad International có trung tâm mua sắm, khách sạn, nhà máy lọc dầu, ngân hàng, công ty xây dựng, mỏ vàng, nhượng quyền thương mại ô tô và đội bóng ở NBA, Utah Jazz. Thông qua Triad, Khashoggi sở hữu Câu lạc bộ Safari Mount Kenya, còn được gọi là Ol Pejeta Conservancy, San Francisco Town Centre East, nhà máy lọc dầu Long Beach Edgington Oil, Colorado Land & Cattle Company, và nhiều thứ khác…
Về bất động sản, Khashoggi sở hữu các dinh thự tư nhân ở những nơi như Beirut, Geneva, Cairo, Salt Lake City, Rome, Paris và London. ông cũng sở hữu một căn hộ áp mái nhiều tầng trong tòa tháp Olympic ở New York. Ngoài ra, Khashoggi còn sở hữu một số siêu du thuyền, máy bay trực thăng và máy bay phản lực tư nhân, bao gồm 3 chiếc Boeing 727.
Các vụ bê bối chính trị và tham nhũng
Có lẽ trong cuộc đời mình, Adnan Khashoggi được người ta biết nhiều đến ông thông qua các vụ “áp phe” vũ khí và chính trị.
Một trong những “thành tích” của Adnan Khashoggi là việc “làm cò” trong vụ bê bối Iran-Contra, hay còn gọi là “Iran-Contra affair”, vụ áp phe trao đổi vũ khí lấy con tin dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Vụ bê bối này liên quan đến việc Mỹ bí mật bán vũ khí cho Iran (được cho là sẽ giúp giải phóng các con tin người Mỹ ở Trung Đông). Một phần trong số tiền thu được từ giao dịch này được sử dụng để bí mật tài trợ cho cuộc chiến của Contra ở Nicaragua.
Vụ bê bối đã làm rung chuyển chính quyền của Reagan và làm lung lay niềm tin của công chúng vào chính phủ Mỹ. Cuối cùng, 11 thành viên của chính quyền Tổng thống đã bị kết án sau một loạt các cáo buộc liên quan đến vụ bê bối này. Khashoggi cũng bị truy tố về tội gian lận vào năm 1989.
Cũng trong những năm cuối thập niên 80, Khashoggi lại gặp rắc rối pháp lý khi bị bắt ở Thụy Sĩ vì giấu tiền và lừa gạt cùng với Imelda Marcos, góa phụ của tổng thống Philippines lưu vong Ferdinand Marcos. Bị giam giữ trong ba tháng, năm 1990, Khashoggi và Imelda Marcos được bồi thẩm đoàn liên bang ở Manhattan tuyên bố trắng án.
Ảnh hưởng xã hội
Như trên đã từng nói, với lối sống cực kỳ xa hoa và hưởng lạc, Khashoggi từng được coi là “Gatsby vĩ đại của Trung Đông”. Liên quan đến biệt danh Gatsby này, có lẽ đây là một cách gọi có phần mỉa mai của truyền thông thời điểm đó.
“Gatsby vĩ đại” là tên một tiểu thuyết của nhà văn F. Scott Fitzgerald người Mỹ, được xuất bản lần đầu vào ngày 10 tháng 4 năm 1925. Jay Gatsby, là người giàu mới nổi, "giàu xổi" theo suy nghĩ khinh miệt của đám quý tộc lâu đời, lại tự xưng mình "học ở Oxford", "được thừa hưởng gia sản lớn", khoe khoang chiến công trong Thế Chiến I, chạy theo những thứ danh hão mà người đời tung hô và cuối cùng chết trong lặng lẽ.
Tuy nhiên, Adnan Khashoggi không chỉ như Gatsby, trong thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, ông từng là một nhân vật nổi tiếng, thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, xuất hiện trên một số chương trình truyền hình và các trang bìa tạp chí đáng chú ý. Thậm chí ông từng tham gia bộ phim truyền hình Mỹ "Cuộc sống giàu có và nổi tiếng" do Robin Leach đạo diễn năm 1985.
Năm 1991, ông còn tham gia bộ phim truyền hình Anh "After Dark". Trong chương trình thảo luận đêm khuya, ông xuất hiện cùng với Lord Weidenfeld và cựu Thủ tướng Edward Heath, và một số những nhân vật nổi tiếng khác.
Về đời tư…
Năm 1961, Khashoggi kết hôn với cô gái 20 tuổi người Anh Sandra Daly, người sau này lấy tên là Soraya khi bà cải sang đạo Hồi. Họ cùng nhau có một con gái, Nabila, và bốn con trai, Mohamed, Khalid, Hussein và Omar. Hai người ly hôn vào năm 1974.
Năm 1978, Khashoggi kết hôn với người vợ thứ hai, Laura Biancolini người Ý, người mà ông đã gặp khi cô 17 tuổi. Biancolini cũng cải sang đạo Hồi, lấy tên là Lamia. Với cô, Khashoggi có một con trai, Ali. Sau đó, vào năm 1991, Khashoggi kết hôn với người vợ thứ ba và cũng là người vợ cuối cùng của mình, Shahpari Azam Zanganeh, người mà ông đã ở cùng cho đến năm 2014.
Trong hôn nhân, Khashoggi đã vướng vào vụ ly hôn “tốn kém nhất thế giới” thời điểm đó, với người vợ đầu Soraya Khashoggi, vụ án kéo dài suốt 5 năm đầy cay đắng. Sau tất cả, thẩm phán yêu cầu Adnan phải trả 875 triệu USD cho Soraya.
Năm 2017, khi đang điều trị bệnh Parkinson tại Bệnh viện St Thomas ở London, Khashoggi đã qua đời ở tuổi 81.
Có thể bạn quan tâm
Tấm lòng doanh nhân trong mùa dịch
11:30, 03/08/2021
Chuyện về “cựu tử tù” doanh nhân Liên Khui Thìn
10:17, 28/07/2021
Doanh nhân Nguyễn Đức Toàn: Vẹn nguyên tình đồng đội
11:30, 27/07/2021
Nỗi day dứt của một doanh nhân
04:00, 27/07/2021
Doanh nhân Sao đỏ Vũ Văn Tiền và sứ mệnh "người thắp lửa"
08:00, 23/07/2021
Nữ doanh nhân Việt vào danh sách tỷ phú thế giới 2021
00:00, 13/07/2021
Giấc mơ cà phê của doanh nhân Đỗ Ngọc Hòa
03:00, 14/07/2021