Giấc mơ cà phê của doanh nhân Đỗ Ngọc Hòa

Diendandoanhnghiep.vn Chỉ vì đam mê với hạt cà phê sạch, cà phê rang xay nguyên chất mà anh quyết định từ bỏ tất cả, quyết tâm xây dựng thương hiệu cà phê sạch cho riêng mình.

Khi được hỏi về ý tưởng xây dựng cà phê cho riêng mình giữa lúc thị trường cà phê đã có quá nhiều thương hiệu nổi tiếng, CEO Đỗ Ngọc Hòa của Rain Coffee chỉ cười bảo, khi đã là đam mê thì không thể nào từ bỏ, chỉ biết quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Duyên trời định

Khởi nghiệp khi thị trường cà phê đã bão hoà, khó ai có thể vượt mặt được qua các ông lớn như Trung Nguyên, Highlands Coffee, Nestcafe… thời gian đầu nhiều người cười bảo anh là kẻ khùng, khùng vì dám liều lĩnh xây dựng một thương hiệu cà phê mới. Nhưng anh Hòa vẫn quyết làm, làm một cách hăng say và theo anh lý giải, hạt cà phê gắn bó như một cái duyên trời định.

Anh Hòa bên một số sản phẩm cà phê của Rain coffee.

Anh Hòa bên một số sản phẩm cà phê của Rain coffee.

Cách đây 5 năm, trong một lần ngồi uống cà phê trên phố Tô Hiệu, anh Hoà được bạn bè mời thưởng thức một cốc cà phê rang xay nguyên chất, vị hoàn toàn khác lạ những loại cà phê anh từng uống. Đó là hương vị nguyên chất, không hề bị tẩm ướp bởi bất kì phụ gia nào.

Chàng trai trẻ như bị cuốn hút bởi hương vị ấy, ngày nào anh cũng phải tìm đến quán để thưởng thức một ly cà phê đặc biệt. Càng mê cà phê, anh càng đau đáu khi thấy Việt Nam luôn thuộc top đầu về xuất khẩu cà phê nhưng người tiêu dùng lại không được thưởng thức sản phẩm đúng nghĩa.

Từ những trăn trở đó, Hòa cùng bạn quyết tâm khởi nghiệp tìm lại giá trị thật cà phê Việt, nuôi tham vọng góp phần định vị lại bản đồ cà phê Việt Nam. Đầu năm 2015, anh quyết định xin nghỉ việc ở công ty xây dựng, gom góp tiền tiết kiệm, vay mượn, để thuê mặt bằng khoảng 60m2 trong ngõ phố Tô Hiệu mở quán cà phê rang xay khởi nghiệp. Thời điểm đó, khái niệm cà phê hạt rang xay còn mới mẻ, ở phía Bắc mới chỉ có vài quán ở khu phố cổ.

Lúc ấy, bạn bè, gia đình ai cũng phản đối nhưng duy nhất có vợ anh, chị Trần Thị Quỳnh, người đã kề vai, sát cánh ngay từ những ngày đầu anh khởi nghiệp, là ủng hộ. Học quản trị kinh doanh nên chị hỗ trợ đắc lực cho chồng trong công việc quản lý, xây dựng thương hiệu. Sau này, Rain Coffee phát triển, chị Quỳnh nghỉ hẳn việc ở một công ty nước ngoài để cùng chồng xây dựng thương hiệu mới lớn mạnh.

Bước chân vào thị trường cà phê muộn màng khi mọi thứ đã bão hoà, Hòa xác định sẽ đi theo mô hình kinh doanh chuỗi giá trị, chia thành hai "nhánh" chính gồm sản xuất, phân phối cà phê sạch và nhượng quyền thương hiệu. Mô hình kinh doanh chuỗi sẽ tối ưu chi phí đầu tư, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có trong xã hội và phù hợp với những bạn trẻ ít vốn khởi nghiệp.

Trăn trở về hạt cà phê mộc

Phân khúc cà phê mộc không phổ biến trên thị trường, vì đây là thứ cà phê được rang xay chỉ bằng nhiệt độ. Vậy nên, Đỗ Ngọc Hòa phải sử dụng máy rang cà phê, canh chuẩn về màu sắc, sau đó đem xay và đưa vào sử dụng, chứ không thêm bất cứ một loại hương liệu nào khác trong khi rang. Dân trong nghề gọi nó là mộc, mang ý nghĩa mộc mạc để đặt tên cho loại cà phê này.

Rain Coffee phát triển theo hai hướng: phát triển hệ thống nhượng quyền thương hiệu và sản xuất, cung cấp các sản phẩm cà phê hạt rang xay nguyên chất ra thị trường. 

Nói về việc bắt đầu với cà phê, anh Hòa kể, những ngày đầu, anh đã phải khăn gói vào Đắk Lắk, Lâm Đồng tìm nguồn nguyên liệu và để học hỏi kinh nghiệm rang xay, chế biến, pha chế cà phê nguyên chất. Con cái, mọi công việc ở nhà anh để chị Quỳnh gánh vác, hành trang trên vai chỉ là chiếc ba lô cũ với vài bộ quần áo và ít tiền tiêu vặt. Anh lang thang khắp các vùng trồng cà phê của người Tây Nguyên nhiều tháng liền, theo chân những người nông dân quan sát tỉ mỉ cách thức thu hoạch, sơ chế hạt cà phê tại vườn.

Chàng trai trẻ vì niềm đam mê cứ thế đội nắng, đội gió mà đi. Ngày trở về Hà Nội đầy mệt mỏi, đen sạm vì nắng, gió, thế nhưng anh rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

"Có vùng người dân hái cà phê về sấy khô luôn, nơi lại sấy hạt ướt hoặc ngâm qua hạt cà phê trước khi sấy. Mỗi phương pháp cho ra những hương vị cà phê khác nhau. Nguyên liệu đầu vào quyết định đến 80% chất lượng cà phê thành phẩm", anh Hoà chia sẻ.

Sau nhiều tháng lăn lộn, anh Hoà tìm chọn được hai cơ sở cung cấp nguyên liệu cùng chung chí hướng. Anh sẵn sàng trả giá thu mua nguyên liệu cao hơn 30-40% so với thị trường. Đổi lại cà phê nhập về Rain Coffee phải đảm bảo các tiêu chí như độ chín của hạt trên 98%, không nhập hạt xanh, hạt non.

Giải xong bài toán vùng nguyên liệu, anh lại lặn lội xuống TP Hồ Chí Minh tìm cơ sở thuê sơ chế. Để khẳng định thương hiệu của mình, phương châm của Hoà là chỉ đưa vào chuỗi kinh doanh những cơ sở được đầu tư máy móc hiện đại, chủ cơ sở có tâm với ngành cà phê.

Hạt cà phê sau khi sơ chế được chuyển ra Hà Nội. Chính tay Hoà sẽ tự rang lại và pha trộn các dòng cà phê (gọi là Mix café) để cho ra các "gu" cà phê khác nhau. Đây là lúc anh vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức học tập được từ những người chuyên thưởng thức cà phê và người trồng cà phê.

Nói rồi anh say sưa kể về những dòng cà phê mình tự pha chế như dòng Robusta (cà phê vối) mang đặc trưng vị đắng và đậm. Trong khi dòng Arabica (cà phê chè) lại chua và thơm. Loại thứ ba là cà phê Culi, tức là những hạt biến dị trên cây cà phê chè, cà phê vối sẽ có vị chát đặc trưng.

Hơn 4 năm học hỏi, Đỗ Ngọc Hòa đã tạo ra những sản phẩm ngon hơn và vẫn giữ được vị cà phê nguyên chất, tạo sự lựa chọn đa dạng cho khách hàng. Theo anh, người tiêu dùng cần sản phẩm cà phê an toàn được pha chuẩn với công thức. Đây không phải là cuộc chơi ngắn hạn, bất cứ nhà đầu tư, chủ quán nào muốn nhận nhượng quyền kinh doanh Rain Coffee đều phải cam kết kinh doanh lâu dài, tối thiểu 4 năm.

Và quan trọng, ngay từ đầu, Đỗ Ngọc Hòa đã chọn mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu (franchise). Việc này giúp Rain Coffee đánh chiếm thị trường nhanh. Thời gian đầu, anh chấp nhận franchise không thu phí. Giờ đây khi đã ổn, anh bắt đầu thu phí khoảng 100 triệu đồng mỗi cửa hàng, với diện tích tối thiểu 40 m2.

Ngành F&B đang cố thủ vì đại dịch, Rain Coffee cũng không phải ngoại lệ. Năm 2020, Công ty bước vào giai đoạn II của mô hình kinh doanh, đóng gói được mô hình để tạo đà lên tầm cao mới. Cùng với đó là mở rộng thêm mảng đào tạo nhân sự F&B vì ngành du lịch Việt Nam còn rất tiềm năng và thị trường vẫn tăng trưởng tốt.

Rain Coffee từng xuất hiện trong tập cuối cùng của Shark Tank Việt Nam mùa 1 (năm 2018), với mục đích kêu gọi 2 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần của Công ty. Tuy nhiên, mô hình này không thuyết phục được các nhà đầu tư rót vốn.

“Thất bại đó giúp chúng tôi tỉnh táo hơn. Nhà đầu tư giúp tôi nhìn thấy và tối ưu lại con đường. Sau đó không lâu, chúng tôi bứt tốc, có thêm nhiều khách hàng. Nhưng có lẽ mọi người không nhìn vào đó, mà nhìn vào câu chuyện nguyên liệu, giữ chân khách hàng và chất lượng sản phẩm ổn định quanh năm của chúng tôi”, Đỗ Ngọc Hòa cho biết.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Giấc mơ cà phê của doanh nhân Đỗ Ngọc Hòa tại chuyên mục Doanh nhân của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713440204 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713440204 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10