Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn: “5 năm tới, ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ”
Năm 2021, các doanh nghiệp ngành gỗ đã “vượt dịch” ngoạn mục, mang về hàng tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu. Đây sẽ là tiền đề để ngành gỗ bứt phá trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
>>>Doanh nhân Hà Thị Vân Giang: “Bông hồng vàng” ngành gỗ
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về những cơ hội cũng như thách thức của các doanh nghiệp ngành gỗ trong năm 2022, ông Huỳnh Thanh Vạn – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ tỉnh Bình Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Furniture cho rằng, năm 2022 chắc chắn sẽ là một năm nhiều thuận lợi hơn đối với ngành gỗ.
Bởi trong năm 2021 các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đã “cán đích” ngoạn mục trong bối cảnh khó khăn và thách thức chồng chất do đại dịch COVID-19, mang về hàng tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, bước sang năm 2022, thị trường đã được mở cửa, đơn hàng của các doanh nghiệp sẽ rất lớn. Hơn nữa, khách hàng cũng đã có nhiều thay đổi so với những năm trước.
“Đơn cử như khâu làm sản phẩm mẫu, nếu như trước đây, khách hàng phải sang Việt Nam để xem và duyệt mẫu, tốn kém rất nhiều thời gian và chi phí cho việc đi lại. Tuy nhiên, hiện nay các nhà máy sẽ dựng mẫu và quay video trực tiếp cho khách hàng xem, kể cả quy trình sản xuất trong nhà máy cũng được quay video và gửi cho khách hàng. Do đó, sẽ rút ngắn được thời gian duyệt mẫu, cũng như giảm chi phí cho khách hàng. Đây là một điểm mới mang lại lợi thế cho ngành gỗ”, ông Vạn phân tích.
Lợi thế thứ hai là hiện nay Việt Nam đang là một trong những quốc gia kiểm soát tốt dịch COVID-19 và đã mở cửa hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Nếu so với Trung Quốc thì đây là một lợi thế rất lớn của Việt Nam, bởi Trung Quốc hiện vẫn duy trì chính sách “zero COVID”, nên sẽ rất rủi ro nếu các nhà máy bị đóng cửa. Do đó, các thị trường như Mỹ, Anh, Úc, châu Âu…đang rất kỳ vọng vào Việt Nam và việc chuyển hướng trong chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam cũng được các đối tác, khách hàng đánh giá rất cao. Vì vậy, đơn hàng chuyển về Việt Nam cũng sẽ lớn hơn trong năm 2022.
Theo ông Vạn, Trung Quốc hiện nay vẫn đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, khi bị Mỹ và châu Âu áp giá thì chắc chắn các nhà nhập khẩu sẽ phải tìm kiếm một thị trường mới. Đặc biệt là gỗ thì Việt Nam đang phát triển rất mạnh, nên trong vòng 5 năm tới, ngành gỗ Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
>>>Doanh nghiệp ngành gỗ đề xuất bỏ "ba tại chỗ"
Ngoài ra, một cơ hội lớn khác của ngành gỗ Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng sofa, đây cũng là mặt hàng được khách hàng chuyển từ Trung Quốc sang và dư địa của mặt hàng này ở Việt Nam hiện còn rất lớn.
“Nếu như trước đây, để sản xuất mặt hàng sofa, các doanh nghiệp phải nhập khẩu toàn bộ vật tư, nguyên liệu từ Trung Quốc, nhưng hiện nay, các doanh nghiệp chỉ phải nhập khẩu vải. Những nguyên liệu khác, doanh nghiệp đã tự sản xuất được, nên đã chủ động được rất nhiêu trong việc sản xuất các sản phẩm sofa phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Do đó, mặt hàng này sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới”, ông Vạn chia sẻ.
Nói về những áp lực của ngành gỗ hiện nay, ông Vạn cho rằng, nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất của ngành gỗ hiện nay đang rất ổn định. Bởi chúng ta đang có nguồn gỗ Tràm, gỗ Cao Su và nguồn gỗ tái sinh rất lớn, giá lại thấp nên sẽ không có nhiều biến động. Tuy nhiên, ông Vạn cho biết, hiện nay các doanh nghiệp lại đang vướng bởi nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ nước ngoài như gỗ Sồi, gỗ Tần Bì, gỗ Óc Chó… đang bị ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển, nên giá đội lên rất cao và tăng liên tục, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước nhưng không thể đàm phán tăng giá sản phẩm.
Một áp lực nữa đối với các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam là đang phải đối diện với sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp FDI, bởi các doanh nghiệp FDI rất mạnh về tài chính, họ được vay USD ở nước ngoài với lãi suất thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất mà các doanh nghiệp Việt Nam vay USD ở trong nước. Do đó, họ có lợi thế rất lớn so với các doanh nghiệp Việt Nam.
“Lãi suất đang là gánh nặng rất lớn đối với các doanh nghiệp, khi nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa thể “khỏe lại” sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Do đó, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về lãi suất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để doanh nghiệp có thể gượng dậy tiếp tục sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu của thị trường, mang lại lợi ích về kinh tế cho đất nước”, ông Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nhân Hà Thị Vân Giang: “Bông hồng vàng” ngành gỗ
06:00, 31/12/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp ngành gỗ đề xuất bỏ "ba tại chỗ"
05:01, 26/09/2021
Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp: Đề xuất đưa nguyên liệu ngành gỗ vào "luồng xanh"
13:25, 08/08/2021
Ngành gỗ xuất khẩu kỷ lục, do đâu?
11:00, 16/06/2021
Ngành gỗ không “ăn may”!
04:30, 15/05/2021
Tuyên Quang phải trở thành “cứ điểm quan trọng” của ngành gỗ
17:12, 23/02/2021