Thương vụ để đời của Warren Buffett
Thương vụ mà “nhà hiền triết xứ Omaha” ưng ý nhất lại là với một doanh nghiệp chưa có tên trên bảng xếp hạng Fortune 500 mà chỉ là một thương hiệu sôcôla.
>>Ai có thể thay thế Warren Buffett đấu giá "bữa trưa"?
Ai cũng biết Warren Buffett là tay tổ trong chuyện “chọn tiệm gửi vốn”. Nếu đầu tư là một trò chơi điện tử, mọi người sẽ nghĩ ông có một dòng mã ăn gian vạn năng để “phá đảo” hết doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác.
Tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffet sở hữu 969 tỷ USD giá trị tài sản và 340 tỷ USD giá trị danh mục đầu tư vào hàng loạt công ty lớn nhỏ thuộc nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, thương vụ mà “nhà hiền triết xứ Omaha” ưng ý nhất lại là với một doanh nghiệp chưa có tên trên bảng xếp hạng Fortune 500 và chỉ là một thương hiệu sôcôla.
Hãng sôcôla nhà làm
Charles “See” là một dược sĩ, nhưng một trận cháy rừng đã khiến ông mất đi chuỗi nhà thuốc của mình, nên ông chuyển sang làm nhân viên chào hàng bánh kẹo một thời gian ngắn. Khi dọn đến thành phố Los Angeles, Charles quyết định quảng bá cho sản phẩm xịn nhất mà ông biết: kẹo sôcôla do chính mẹ ông làm.
Tháng 11/1921, nhà See khai trương cửa hàng See’s Candies đầu tiên với nhiều loại sôcôla làm từ nguyên liệu tươi và tôn chỉ “Chất lượng không nhân nhượng”. Ngay từ đầu, See’s định hướng sản phẩm chất lượng cao, được đóng gói nhỏ, và sử dụng nguyên liệu thượng hạng như hạt hạnh nhân California, hạt óc chó Ozarks, và sôcôla châu Phi.
Với hướng đi này, đến giữa thập niên 1920, See’s chỉ có tổng cộng 12 cửa hàng. Ngay cả trong cuộc Đại khủng hoảng hay Thế chiến II khi nguyên vật liệu khan hiếm, See’s vẫn duy trì tôn chỉ này, thậm chí có lúc phải ngừng sản xuất khi nguyên liệu cạn kiệt.
Thập niên 1970, những người quản lý hãng kẹo này muốn bán đi doanh nghiệp của mình. Cách đó chừng 1.500 dặm, tại thành phố Omaha (bang Nebraska), một người mua bất ngờ đưa ra đề nghị để đời.
>>Có gì trong "tâm thư" gửi cổ đông của Warren Buffett?
Sự thay đổi trong tư duy đầu tư
Năm 1972, thông tin hãng kẹo See rao bán đến tai Warren Buffett, nhưng ông không mấy hứng thú. Bởi vì, lúc đó See’s chỉ có 30 triệu USD doanh thu, 2 triệu USD lợi nhuận sau thuế, và 8 triệu USD tài sản.
Tuy nhiên, càng nghiên cứu hãng kẹo, Buffett càng hiểu ra rằng giá trị tiềm tàng của See’s nằm ở thương hiệu và sự gắn bó với khách hàng, và giá trị này to lớn hơn rất nhiều so với những con số trong báo cáo tài chính.
Vì thế, Buffet đã chốt một thương vụ lạ lẫm so với tôn chỉ trước đây của ông: 25 triệu USD cho See’s - gấp 6 lần lợi nhuận sau thuế và gấp 3 lần giá trị sổ sách của hãng kẹo.
See’s là thương vụ lớn nhất của Buffett ở thời điểm ấy, là một trong những công ty đầu tiên mà Berkshire sở hữu toàn bộ, và là mốc đánh dấu sự thay đổi trong tư duy đầu tư của “nhà hiền triết xứ Omaha”: sẵn sàng chi nhiều tiền cho những doanh nghiệp tiềm năng hơn.
Duy trì chất lượng
Buffett tin tưởng vào tiềm năng của See’s đến mức ông làm mọi cách để giữ lại những đặc trưng của hãng kẹo. Buffett nhận thấy See’s có ba lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ: (1) khách hàng quá trung thành; (2) sản phẩm quá tuyệt hảo nên khách không ngại bỏ tiền thưởng thức; và (3) chi phí vận hành quá tiết kiệm.
Thoạt nhìn, mức độ tăng trưởng của See’s trên báo cáo tài chính không quá ấn tượng: 10 năm sau thương vụ, số cửa hàng See’s chỉ tăng từ 167 lên 214 - khoảng 2% mỗi năm, trong khi lượng kẹo bán ra cũng chỉ tăng 3% mỗi năm.
Tuy nhiên, đơn giá kẹo lại tăng 10% mỗi năm, cao hơn cả mức lạm phát, mà khách vẫn mua kẹo ầm ầm, thậm chí gửi thư phản đối khi hãng ngừng bán một vài loại kẹo truyền thống mà họ thích ăn nhất, buộc hãng phải khôi phục sản xuất những loại kẹo đó.
Nhờ giá kẹo tăng, tổng doanh thu và lợi nhuận không làm các nhà đầu tư thất vọng: sau một thập niên, doanh thu trung bình của một cửa hàng tăng từ 187 nghìn USD đến 635 nghìn USD, trong khi lợi nhuận trung bình cũng tăng từ 12 nghìn USD lên 63 nghìn USD.
Chậm mà chắc
Năm 1982, có bên đề nghị mua lại See’s với giá 125 triệu USD - gấp 5 lần số tiền Buffett bỏ ra 10 năm trước. Tuy nhiên, ông từ chối mức giá này vì muốn See’s tiếp tục sinh lời.
Lời từ chối của Buffet thành ra là một nước cờ cao tay. Từ khi thương vụ hoàn tất nửa thế kỷ trước, See’s đã mang về cho Berkshire Hathaway nguồn thu hơn 2 tỷ USD, đồng nghĩa với tỷ suất hoàn vốn hơn 8.000% trong cả thời kì (tương đương 160% mỗi năm), trong khi chỉ tốn 32 triệu USD vốn hoạt động.
Chưa hết, sự tăng trưởng vững chắc của See’s còn giúp Berkshire có nguồn tiền ổn định để tiến hành các thương vụ M&A với những doanh nghiệp tiềm năng khác. Đơn cử như cuối thập niên 1980, Buffett dùng lợi nhuận của See’s để mua cổ phiếu Coca-Cola, để rồi giờ đây giá trị số cổ phiếu này đạt hơn 25 tỷ USD.
Hãng kẹo từng đứng vững trước Đại khủng hoảng và Thế chiến II hiện tại vẫn đương đầu tốt trong bối cảnh thương mại điện tử lên ngôi và đại dịch hoành hành khi hầu hết cửa hàng See’s vẫn hoạt động trong mùa dịch.
Trên hết, giữa một thương trường đầy rẫy đầu tư chóng vánh, câu chuyện của See’s là ví dụ điển hình cho nhận định “giá trị thực của một doanh nghiệp không hoàn toàn nằm ở báo cáo tài chính”.
Có thể bạn quan tâm
5 nguyên tắc đầu tư của Warren Buffett áp dụng vào cổ phiếu VNM
09:00, 17/05/2022
Warren Buffett lại "chơi lớn"
00:51, 24/03/2022
Vì sao tỷ phú Warren Buffett chi 12 tỷ USD để mua một công ty bảo hiểm?
04:30, 22/03/2022
Warren Buffett: Sự thỏa mãn trong công việc giúp đem lại thành công
01:02, 16/03/2022
Có gì trong "tâm thư" gửi cổ đông của Warren Buffett?
02:00, 04/03/2022