Lấy thách thức làm động lực
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Long Quảng Nam cho rằng, có không ít khó khăn khi thực hiện thi công hạ tầng ở vùng cao tỉnh Quảng Nam.
>>NeoManager - Lãnh đạo kiểu mới
Nhưng đó không phải là rào cản mà là động lực để doanh nghiệp thay đổi, thích ứng để tiếp tục phát triển.
Trong kinh doanh, chúng ta chỉ mới nghe đến “vùng cao” đã thấy được những thách thức đặt ra, đặc biệt là với những doanh nghiệp chuyên thi công hạ tầng tại các vùng cao của Quảng Nam.
- Đâu là những thách thức với doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, thưa ông?
Thứ nhất là khoảng cách về địa lý, bởi khi vận chuyển thiết bị, vật liệu đến khu vực thi công đã tốn khá nhiều chi phí hơn so với ở khu vực thành thị. Ngoài ra, hạ tầng giao thông cũng chưa được hoàn thiện đầy đủ, có rất khu vực xuống cấp, gập ghềnh rất khó di chuyển. Chưa kể đến là việc tìm nhân công để đưa lên đây thi công cũng gặp nhiều trở ngại. Do đó, doanh nghiệp phải tận dụng tối đa thời gian, vận chuyển vật tư trước để phục vụ dự án.
Thứ hai là về thời tiết. Tại vùng cao mùa mưa đến sớm hơn, liên tục và lâu qua hơn. Thời tiết bất lợi, sạt lở bất thường luôn khiến cho công tác thi công gặp gián đoạn ảnh hưởng đến tiến độ dự án cũng như mất an toàn cho công nhân. Nếu không hoàn thành dự án đúng tiến độ, việc giải ngân sẽ khó đúng thời điểm cũng sẽ ảnh hưởng đến người lao động.
Thứ ba là về chính sách. Thực tế hiện nay các doanh nghiệp hoạt động tại đây vẫn thiếu các chính sách hỗ trợ. Phần lớn các doanh nghiệp sẽ sử dụng nội tại của mình, đồng thời vận động nhân công đồng hành để tiếp tục phát triển. Hiện nay, Chính phủ, Nhà nước có chính sách ưu tiên phát triển vùng miền núi nhưng lại thiếu cơ chế để phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây.
Thứ tư là lương nhân công tại vùng cao lại thấp hơn tại vùng đồng bằng. Vì vậy, để tìm nguồn lao động ổn định cũng chính là bài toán khó cho doanh nghiệp.
>>Lợi thế từ phát triển bền vững
- Khó khăn cố hữu là vậy, chưa kể trong hơn 2 năm qua doanh nghiệp còn chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng tác động của giá cả leo thang. Thế nhưng, vì đâu ông vẫn kiên trì với lựa chọn của doanh nghiệp mình, thưa ông?
Chúng tôi luôn có niềm tin. Đây là những rào cản rất lớn nhưng không thể vì thế mà cản lại hành trình phát triển của doanh nghiệp. Chúng tôi luôn thích ứng, thay đổi để đáp ứng được nhu cầu của thực tế.
Là đơn vị thi công, trước mỗi dự án phía doanh nghiệp và chủ đầu tư đều đã ký kết hợp đồng về kinh phí triển khai. Do đó, vật giá tăng nhưng giá trị hợp đồng lại không thể thay đổi nên đơn vị thi công sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng, suy giảm lợi nhuận thậm chí là hòa vốn tại các dự án.
- Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp đã có những giải pháp nào để ổn định cuộc sống cho người lao động đồng thời tiếp tục trụ vững với lĩnh vực thi công nơi vùng cao, thưa ông?
Rõ ràng là trong bối cảnh khó khăn chung, cả người lao động và doanh nghiệp đều phải tìm cách để cầm cự. Trong đó, mặt dù triển khai các dự án không được thường xuyên nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm tròn trách nhiệm để đời sống của người lao động được ổn định. Các chính sách đãi ngộ, tiền lương phải luôn đảm bảo đúng lúc, kịp thời.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải tạo uy tín, chất lượng và đảm bảo tiến độ để xây dựng thương hiệu bền vững. Cơ chế của Nhà nước luôn siết chặt, vì vậy chất lượng phải đảm bảo, nếu cứ bảo hành thì doanh nghiệp sẽ lỗ, mà lỗ thì uy tín sẽ giảm sút với địa phương. Đồng thời, công tác xã hội cũng sẽ được chú trọng hơn.
Thương hiệu luôn là đích đến của mỗi doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm