Thị trường xuất khẩu gỗ đang rơi vào “khoảng lặng”, lợi thế cạnh tranh của những doanh nghiệp sớm chú trọng các tiêu chuẩn phát triển bền vững đã ngày càng được thể hiện.
>>Xuất khẩu gỗ bất ngờ “giảm tốc” do bão lạm phát
Đó là khẳng định của Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ & Chế biến Gỗ TP.HCM Nguyễn Chánh Phương với Diễn đàn Doanh nghiệp về định hướng phát triển của ngành gỗ, trong thời gian tới.
- Để có thể đạt được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Châu Âu và Mỹ về phát triển bền vững, chắc hẳn các doanh nghiệp ngành gỗ đã gặp rất nhiều khó khăn, thưa ông?
Đúng vậy, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam có nền tảng sản xuất rất mạnh, nhưng khả năng về quản trị lại rất hạn chế, đặc biệt là quản trị về thông tin, các doanh nghiệp thường thiếu cập nhật. Do đó, khi tiếp cận các quy định mới, doanh nghiệp thường bị lúng túng và gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, hiện nay chúng ta đang nhắc nhiều đến một thuật ngữ mới về phát triển bền vững, đó là thuật ngự ESG (Environmental Social Governance), tạm dịch là Môi trường – Xã hội – Quản trị. Đây là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng, tập trung rất nhiều vào yếu tố người lao động trong các nhà máy.
ESG là một thuật ngữ mở và rộng. Do đó, nó vừa là lợi thế, song cũng là một bất lợi đối với các doanh nghiệp. Lợi thế là vì mở nên nếu nhà máy có hệ thống điện năng lượng mặt trời, có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn hoặc thường xuyên làm các chương trình cho công nhân thì sẽ có điểm cộng. Đặc biệt là chữ “G” là nói về quản trị doanh nghiệp; sự minh bạch trong việc tuân thủ pháp luật về kế toán của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi khái niệm càng rộng, thì doanh nghiệp lại càng thấy mơ hồ, họ sẽ không hiểu hết được những vấn đề cần phải tuân thủ. Đặc biệt, với cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, các doanh nghiệp ngành gỗ hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về lộ trình thực hiện từ phía Nhà nước riêng cho ngành mình.
>>Nhiều dư địa xuất khẩu gỗ vào thị trường Hoa Kỳ
- Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp khó khăn thị trường xuất khẩu. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Ngành gỗ Việt Nam hiện đang đứng trong một “khoảng lặng” sau nhiều năm tăng trưởng đều đặn từ 15-20%. Sự chậm lại này bắt đầu từ tháng 4/2022, những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chững lại và đến tháng 6, tháng 7 thì thể hiện rõ nét hơn, khi xuất khẩu của ngành gỗ sụt giảm khá mạnh.
Nguyên nhân của hiện tượng này đầu tiên phải nói đến đó là do lạm phát tăng cao ở Mỹ và châu Âu. Trong khi sản phẩm đồ gỗ lại không phải là mặt hàng thiết yếu dẫn đến sức tiêu thụ giảm mạnh. Ngoài ra, sự “bùng nổ” sức tiêu thụ đồ gỗ trong đại dịch COVID-19 vừa qua ở Mỹ và châu Âu, đã khiến các nhà mua hàng lạc quan với các kế hoạch đặt hàng của họ. Nhưng khi sức mua chậm lại thì lượng tồn kho của các nhà mua hàng rất lớn, ảnh hưởng đến kế hoạch xuất hàng của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này sẽ khiến ngành gỗ bị chậm lại từ 6 tháng đến 1 năm.
Tuy nhiên, đây chỉ là sự chậm lại trong ngắn hạn. Và thời điểm này cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc lại thị trường, tìm kiếm những thị trường mới thay thế cho các thị trường truyền thống. Đồng thời, tăng tốc đầu tư công nghệ, đầu tư vào thiết kế, thay đổi mẫu mã, đầu tư vào tay nghề để thực hiện những sản phẩm khó hơn, cần ít lao động hơn.
- Để gia tăng sức cạnh tranh xuất khẩu, doanh nghiệp ngành gỗ cần lưu ý những tiêu chuẩn về phát triển bền vững nào, thưa ông?
Nếu như, 20 năm về trước, phát triển bền vững của ngành gỗ chỉ đề cập đến chuyện nguồn gốc của gỗ, thì nay cần nhiều tiêu chuẩn hơn. Từ năm 2013, khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu sang thị trường châu Âu, các doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định về gỗ của Liên minh châu Âu (tiêu chuẩn EUTR). Trong quy định này, họ đề cập rất nhiều đến nguồn gốc xuất xứ của gỗ, từ rừng trồng đến việc khai thác và đưa sản phẩm vào chuỗi cung ứng.
Một vấn đề nữa là khi xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ thì bắt buộc các doanh nghiệp phải kiểm định và đánh giá các nhà máy sản xuất. Trước đây, việc đánh giá này dựa theo yếu tố quản lý chất lượng (ISO) như ISO: 9001 quản lý về chất lượng; ISO: 14.000, quản lý về môi trường. Nhưng gần đây, hầu hết các nhà máy xuất khẩu đều sử dụng tiêu chuẩn BSCI (Business Social Compliance Initiative) – Bộ tiêu chuẩn đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh để đánh giá nhà máy. Bộ tiêu chuẩn này được đánh giá rất nghiêm ngặt. Các nhà máy xuất khẩu phải đạt được bộ tiêu chuẩn này thì mới đủ điều kiện xuất khẩu.
- Xin cảm ơn ông
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán cứng chưa bị Mỹ áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại
02:03, 24/08/2022
Thị trường lớn giảm đơn hàng, doanh thu xuất khẩu gỗ giảm gần 40%
03:30, 29/07/2022
Xuất khẩu gỗ bất ngờ “giảm tốc” do bão lạm phát
07:11, 15/07/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025
20:13, 10/03/2022