Bài toán sử dụng năng lượng xanh cho sản xuất
Sử dụng điện mặt trời mái nhà kết hợp với điện lưới, đang được các doanh nghiệp sản xuất ưu tiên lựa chọn vì đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu và giảm chi phí sử dụng năng lượng.
>>Ngành may mặc buộc chọn năng lượng điện mặt trời để đáp ứng “xanh hóa”
Để rõ hơn về lợi ích cũng như các giải pháp đầu tư với mô hình điện mặt trời mái nhà cho nhóm ngành sản xuất, doanh nghiệp chế biến, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Kim Thanh, Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực miền Bắc Công ty TNHH GreenYellow – Một nhà đầu tư tiên phong về điện mặt trời mái nhà tự dùng ở Việt Nam xung quanh nội dung này,
- Thưa bà, trước kế hoạch tăng giá bán lẻ điện và các yêu cầu, điều kiện của hội nhập thì sử dụng năng lượng tái tạo sẽ là giải pháp thiết yếu?
Nhu cầu sử dụng điện hiệu quả của doanh nghiệp là rất lớn, vì vậy chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMT MN) phục vụ tự dùng là một cánh cửa mở ra giúp Doanh nghiệp có thể tiếp cận được với thêm một nguồn điện bổ sung, vừa mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng cho doanh nghiệp, vừa giảm tải áp lực lưới điện cũng như thể hiện cam kết của doanh nghiệp về việc bảo vệ môi trường, giảm phát thải và hướng đến phát triển bền vững. Đứng trước những yêu cầu ngày một khắt khe của thị trường về nguồn gốc nhiêu liệu và năng lượng phục vụ sản xuất, việc sử dụng điện mặt trời cũng là giải pháp thiết yếu cho xuất khẩu hàng hóa ở thời điểm hiện tại.
- Vậy sử dụng năng lượng mặt trời mái nhà kết hợp với điện lưới sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất tiết kiệm được bao nhiêu phần trăm?
Đối với những nhóm ngành sử dụng năng lượng cao như thủy hải sản, dệt sợi, linh kiện điện tử hay ngành công nghiệp phụ trợ, việc sử dụng điện mặt trời áp mái có thể giúp Doanh nghiệp tiết kiệm từ 10-30% chi phí điện. Theo tính toán thực tế mà chúng tôi đang triển khai thì trong suốt vòng đời dự án có những khách hàng mua điện từ nguồn điện mặt trời mái nhà của GreenYellow có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng.
Để giảm bớt chi phí điện năng của khách hàng, GreenYellow sẽ tài trợ 100% vốn, thiết kế, thi công, vận hành và bảo trì cho toàn bộ hệ thống năng lượng mặt trời được thiết kế riêng tùy theo nhu cầu của khách hàng.
>>Hoàn thiện cơ chế cho điện mặt trời mái nhà
>>Năm 2023 ngành dệt may cần “xanh hóa” để dành lợi thế xuất khẩu
Tính đến thời điểm hiện tại GreenYellow đã đầu tư hơn 2600 tỷ đồng cho tổng công suất lên tới 170MWp để cung cấp nguồn điện xanh cho hơn 100 doanh nghiệp tại Việt Nam. Trên quy mô toàn cầu chúng tôi đã đầu tư hơn 1,3 tỷ Euro tương ứng với tổng công suất điện mặt trời đang cung cấp lên tới 930MWp.
Ngoài ra, GreenYellow còn được trang web chứng chỉ năng lượng tái tạo I-REC Standard công nhận là đơn vị hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục để các doanh nghiệp tại Việt Nam được cấp chứng chỉ năng lượng tái tạo I-REC. Đối với các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản các đối tác xuất khẩu họ đang rất chú trọng đến việc đơn hàng của Việt Nam đang dùng nguồn năng lượng nào và muốn các nhà nhập khẩu phải chứng minh nguồn gốc nguồn năng lượng đó đến từ đâu.
Chính vì lí do đó mà chứng chỉ Năng lượng tái tạo I-REC (International Renewable Energy Certificate) ra đời như một công cụ để chứng minh rằng năng lượng hoặc điện năng sản xuất đến từ nguồn năng lượng tái tạo. Theo đó, tất cả chứng chỉ I-REC được cấp từ GreenYellow đều được tạo ra thông qua hoạt động sản xuất điện mặt trời tại các dự án điện mặt trời mái nhà do GreenYellow đầu tư.
- Để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng xanh, bà có những ý kiến như thế nào cần đề xuất không?
Đầu tiên chúng tôi mong muốn có những quy định và hướng dẫn cụ thể hơn cho doanh nghiệp sử dụng điện cũng như nhà đầu tư điện mặt trời và EVN để có thể triển khai hệ thống điện mặt trời một cách thuận lợi, đúng với chủ trương khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo của hính phủ.
Thứ hai, bản thân các cơ quan quản lý nhà nước và các Hiệp hội ngành nghề sản xuất của Việt Nam như Hiệp hội Dệt may, thủy sản, công nghiệp phụ trợ… cũng cần tăng cường truyền thông chia sẻ các lợi ích của việc sử dụng năng lượng xanh và thậm chí là cơ chế khuyến khích đặc thù.
Bên cạnh đó, ngoài giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời mái nhà, các doanh nghiệp hiện nay cũng rất quan tâm đến việc tối ưu chi phí đầu vào thông qua các giải pháp tiết kiệm điện như giám sát sản lượng điện sử dụng tại nhà máy (monitoring) và xem xét rò rỉ điện từ các thiết bị, hoặc thay thế các thiết bị cũ tiêu hao năng lượng bằng những thiết bị mới tiên tiến hơn và GreenYellow cũng đồng thời cung cấp giải pháp toàn diện từ tài trợ 100% vốn, khảo sát/đánh giá sử dụng điện tại nhà máy, từ đó tư vấn các giải pháp nhằm giúp khách hàng tiết kiệm điện năng.
Mặt khác, các hướng dẫn cho việc triển khai hệ thống ĐMT MN phục vụ cho khái niệm tự dùng vẫn chưa rõ ràng, cũng như chưa thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương sẽ là những hạn chế cho doanh nghiệp để tiếp cận được với nguồn điện xanh từ hệ thống ĐMT mái nhà.
Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Yếu tố hỗ trợ ngành dệt may trong năm 2023 đến từ các FTA
03:30, 16/02/2023
Năm 2023 ngành dệt may cần “xanh hóa” để dành lợi thế xuất khẩu
04:00, 13/01/2023
Ngành may mặc buộc chọn năng lượng điện mặt trời để đáp ứng “xanh hóa”
04:00, 24/02/2023
Tăng giá điện: Xu hướng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo
11:00, 22/02/2023
Khơi thông thị trường năng lượng tái tạo
03:00, 01/02/2023
Doanh nghiệp mong cơ chế linh hoạt cho điện mặt trời mái nhà
04:30, 11/12/2022