Mô hình kinh doanh độc đáo: Dịch vụ làm… Robinson (Phần 1)

HẢI VY 27/11/2023 02:00

Nếu có chương trình du lịch siêu xa xỉ, phục vụ tận răng khách hàng, thì cũng có những dịch vụ đưa khách đến những nơi hoang vu, để khách “tận hưởng” cảm giác “tự sinh tự diệt”.

>>Công nghệ - “bệ đỡ” cho nhiều mô hình đào tạo mới

Doanh nhân Ben Saul-Garner đã phải “móc túi” ra 3.700 USD để “được” bỏ rơi trên một hòn đảo xa xôi ở Indonesia. Vị doanh nhân 33 tuổi này bay từ quê nhà London đến Jakarta, sau đó bay thêm một chuyến đến sân bay địa phương. Một chiếc xe hơi đưa anh đến cảng, tiếp đó anh đi ca nô 90 phút, băng qua đại dương và dừng chân trên một hòn đảo hoang vu, bao phủ đầy những cây cọ và bụi rậm.

Chiếc cano quay đầu rời đi, còn Saul-Garner ở lại hòn đảo trong vòng 10 ngày, không ai bên cạnh, gần như không có bất kỳ nhu yếu phẩm nào. Anh ngủ trên võng, sinh tồn nhờ dừa và cua, dành cả ngày để kiếm củi.

Chia sẻ về trải nghiệm này, anh nói rằng bản thân rất thích hòa mình vào thiên nhiên, tập trung vào những thứ cơ bản. Khi loại bỏ được mọi phiền nhiễu, anh cho rằng con người “sẽ nhận ra bản thân mình thực sự là ai”.

Những tâm hồn ngao du

Nơi cung cấp tour du lịch này cho Saul-Garner là Docastaway, một công ty chuyên phục vụ những du khách đang mong muốn được trải nghiệm cảm giác “làm Robinson trên đảo hoang”.

Docastaway được Alvaro Cerezo thành lập năm 2010. Cerezo sinh ra ở Malaga (Tây Ban Nha). Ông là một người thích ngao du, từng dành những ngày hè của mình để khám phá các bãi biển đầy đá và những vịnh nhỏ bí mật ở biển Alboran. Năm lên 8, ông từng làm một chuyến thám hiểm ra khơi trên một chiếc bè hơi.

Trong thời gian học đại học, ông bay đến châu Á và trả vài đô để lên tàu đánh cá đi đến một hòn đảo xa xôi. Kể từ đó, những hòn đảo trở thành “nỗi ám ảnh” của ông. Ông bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi về các quần đảo ở Indonesia, Philippines, Polynesia và Micronesia. Niềm đam mê này kéo dài và đến khi tốt nghiệp, ông quyết định kiếm sống dựa trên đam mê.

Thế là năm 2010, Docastaway ra đời. Cái tên này là sự kết hợp giữa “Do” (Làm) và “Castaway” (người sống một mình, người bị dạt vào đảo hoang). Cerezo ví von sản phẩm của mình là cách để du khách tách khỏi sự lộn xộn và hỗn loạn kỹ thuật số của thế giới hiện đại. Đến với Docastaway, du khách sẽ trả tiền để được thả một mình trên đảo hoang và tự sinh tồn (dĩ nhiên trong thời gian nhất định).

Nhu cầu về du lịch hoang dã khắc nghiệt đã tăng lên nhờ các chương trình TV như Man vs. Wild hoặc Survivorman, cũng như ngày càng nhiều kênh YouTube với chủ đề các kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã. Khi được tiếp xúc với những nội dung kiểu ấy, mọi người sẽ muốn kiểm tra bản thân, và không có bài kiểm tra nào tốt hơn việc sống một mình trên một hòn đảo không thức ăn, không đồ uống, không nơi trú ẩn.

Những khách hàng đầu tiên của Cerezo là bạn bè ông, đa số được ông rủ rê tham gia các chuyến thám hiểm. Tuy nhiên dần dần Docastaway cũng nhận được sự quan tâm một cách tự nhiên của những du khách yêu thích phiêu lưu từ khắp nơi trên thế giới.

Cerezo chia sẻ rằng hiện nay rất ít công ty nào cung cấp dịch vụ giống Docastaway. Vậy nên khi khách hàng tìm kiếm “công ty du lịch đảo hoang” trên mạng, dịch vụ của ông sẽ xuất hiện đầu tiên. Với nhu cầu ngày càng tăng, ông nhận thấy cần phải hoàn thiện dịch vụ, phải tìm ra những điểm đến hoàn hảo cho tua đảo hoang.

Nghệ thuật “tìm” đảo

Cerezo biết rằng khách hàng muốn biệt lập, muốn đến đảo hoang, nhưng không muốn đi quá xa, vì họ thường chỉ có thể dành ra khoảng 8 đến 10 ngày đi du lịch. Hay theo cách nói vui của Cerezo, ông phải tìm những hòn đảo xa xôi và biệt lập, nhưng lại không được quá xa xôi và biệt lập.

Trong quá trình tìm hiểu, Cerezo nhận ra rằng để đưa khách nước ngoài đến vùng lãnh thổ chứa các hòn đảo, ông cần phải tìm hiểu một chút mánh khóe chính trị, bao gồm cả tiền “lót đường”. Mỗi khi tìm thấy một hòn đảo phù hợp tiêu chí, ông thường tìm gặp chủ nhân hòn đảo và các quan chức địa phương để thảo luận hợp tác.

Quá trình thông thường diễn ra như sau:

Trả cho chủ nhân hòn đảo từ 100 đến 150 USD để thuê hòn đảo trong vài ngày. Tiếp đến là trả tiền cho cảnh sát để đảm bảo không có những vấn đề như cướp biển hoặc trộm đồ. Sau đó là trả tiền cho quan chức địa phương để ngăn các tàu đánh cá hoặc những loại thuyền khác tiến vào hòn đảo nơi du khách đang trải nghiệm.

Tổng lại, những khoản tiền lót đường, tiền tip và các chi phí khác tốn khoảng 300 USD cho mỗi chuyến đi. Cerezo cho biết hầu hết các hòn đảo đều theo kiểu hoang sơ và không được du khách biết đến. Vậy nên những người chủ đều rất vui vẻ khi được trả tiền thuê đảo trong vài ngày.

Tuy nhiên, tìm được đảo hoang và sắp xếp với những bên liên quan chỉ mới là khởi đầu. Việc tạo cho du khách cảm giác biệt lập hoàn toàn nghe có vẻ dễ, nhưng thực ra rất khó. Ngay cả với những hòn đảo xa xôi nhất, Cerezo vẫn phải đụng tay đụng chân để tạo nên nét biệt lập.

Ông phải cố gắng hết sức để bảo đảm không có chiếc tàu đánh cá nào lọt vào tầm nhìn của các hòn đảo nơi du khách đang trải nghiệm. Để làm được điều này, ông thành lập một đội hỗ trợ trên một hòn đảo gần đó và “ngăn chặn, xử lý” những chiếc thuyền đang ở quá gần đảo chính.

Ngoài ra, trước khi đưa khách lên đảo, đội nhóm của ông phải dọn sạch đảo, nhằm tạo cho đảo có vẻ đẹp nguyên sơ. Bởi vì trên thực tế, những hòn đảo giữa đại dương thường là điểm tập kết rác thải.

Với những tiêu chí về an toàn và biệt lập như vậy, trung bình Cerezo phải khảo sát 20 hòn đảo mới tìm được 1 đảo phù hợp.

Còn nữa...

Có thể bạn quan tâm

  • Mô hình mua sắm kiêm giải trí lan rộng

    Mô hình mua sắm kiêm giải trí lan rộng

    02:00, 25/11/2023

  • Mô hình đồ ăn nhanh đang sụp đổ?

    Mô hình đồ ăn nhanh đang sụp đổ?

    05:01, 18/11/2023

  • Nhờ mô hình độc đáo, Wonder nhận 100 triệu đầu tư từ Nestle

    Nhờ mô hình độc đáo, Wonder nhận 100 triệu đầu tư từ Nestle

    00:30, 10/11/2023

HẢI VY