Bến Tre: Điểm dừng chân “không thể thiếu” trong các tour du lịch miền Tây

Thùy Linh 17/11/2019 23:15

Bến Tre tiếp tục là điểm sáng về phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cả vùng ĐBSCL. Kết quả đó có được nhờ Bến Tre đã tận dụng tốt cây dừa và du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn…

Khai mạc Lễ hội Dừa lần thứ V

Khai mạc Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ V 2019

Trong giai đoạn 2017-2019, tỉnh Bến Tre đã đạt được nhiều bước tiến mới trong công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh đất và con người Bến Tre cũng như kêu gọi các dự án đầu tư góp phần làm nên thương hiệu du lịch “Sinh thái sông nước xứ Dừa” ngày một vươn xa hơn, ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.

Có thể bạn quan tâm

  • Khai mạc Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần V năm 2019

    Khai mạc Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần V năm 2019

    21:32, 16/11/2019

  • Ra mắt không gian hỗ trợ khởi nghiệp Bến Tre

    Ra mắt không gian hỗ trợ khởi nghiệp Bến Tre

    11:15, 16/11/2019

  • Bến Tre kiến tạo môi trường đầu tư - phát triển kinh tế: Khơi thông quỹ đất sạch

    Bến Tre kiến tạo môi trường đầu tư - phát triển kinh tế: Khơi thông quỹ đất sạch

    17:14, 01/11/2019

  • Bến Tre: Từ “quản lý” sang “phục vụ” doanh nghiệp

    Bến Tre: Từ “quản lý” sang “phục vụ” doanh nghiệp

    16:22, 01/11/2019

Trong Kế hoạch kêu gọi đầu tư giai đoạn 2017-2020, tỉnh Bến Tre có 8 dự án du lịch với quy mô 20 - 1.000ha, gồm: Khu du lịch sinh thái ven sông Cổ Chiên; Điểm du lịch biển Cồn Hố; Điểm du lịch không gian văn hóa dừa; Khu du lịch Cồn Nhàn - Cồn Ngoài; Khu Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển; Vùng du lịch 8 xã ven sông Tiền thuộc huyện Châu Thành; Du lịch sinh thái các xã Thanh Tân - Thạnh Ngãi - Phú Mỹ.

Thời gian gần đây tỉnh Bến Tre cũng đã cấp chủ trương đầu tư cho 6 dự án thuộc lĩnh vực du lịch với tổng số vốn 54,5 tỷ đồng, gồm có: Công ty TNHH Sài Gòn Tiền Giang (điểm du lịch Sài Gòn - Bình Đại); Công ty TNHH Du lịch con Thòi Lòi (Khu nghỉ dưỡng Lý Cây Bông và Khu nghỉ dưỡng Quao Retreat); Công ty TNHH MTV Du lịch Đất Dừa (Khu du lịch sinh thái Đất Dừa); Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Du lịch - Du thuyền Xoài (Du lịch sinh thái Ngôi Nhà Xoài ven sông); Công ty CP HK Tourism Viet Nam (Du lịch sinh thái HK Tourism Châu Thành).

Đồng diễn áo bà ba tại Lễ hội Dừa

Đồng diễn áo bà ba trong khuôn khổ Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019

Ngoài ra, để phát triển du lịch một cách toàn diện, cùng với việc thực hiện các ưu đãi cho các dự án đầu tư, Bến Tre đã tích cực trong phát triển doanh nghiệp bằng việc chú trọng chiêu sinh các dự án khởi nghiệp để tiến hành ươm tạo. Đến nay, Bến Tre đã thu hút được nhiều dự án đăng ký tham gia ươm tạo như: Bến Tre - Hương sắc quê dừa; Sống như người Bến Tre; sản phẩm lưu niệm từ lá dừa; gáo dừa Hồng Yến; du lịch homestay; du lịch sinh thái đất dừa; thiên nhiên gọi mời; chợ nổi; homestay Cocoland.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Đức, thực tế, du lịch Bến Tre phát triển còn chậm, chưa xứng đáng với tiềm năng hiện có, lượng khách du lịch đến Bến Tre tăng về số lượng, nhưng doanh thu từ hoạt động du lịch chưa cao, do sản phẩm du lịch còn trùng lắp, đơn điệu, chưa phong phú, đa dạng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch còn thấp, chưa thật sự thu hút, hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách khi đến Bến Tre.

Thời gian qua, mặc dù ngành Du lịch đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch tỉnh nhà, nhưng vẫn chưa có giải pháp mang tính đột phá, để giúp cho du lịch Bến Tre thật sự phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững như mong muốn.

Liên hoan ẩm thực xứ dừa Bến Tre

Liên hoan ẩm thực xứ dừa Bến Tre

Ông Nguyễn Văn Đức cho biết, định hướng phát triển du lịch của tỉnh Bến Tre là cung cấp các sản phẩm du lịch cho tất cả đối tượng khách trong và ngoài nước. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch tiềm năng bao gồm: cụm du lịch sinh thái và trải nghiệm văn hóa, cụm du lịch nghỉ dưỡng ven biển, cụm du lịch tâm linh, cụm loại du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm (MICE)…. Trong đó, tỉnh Bến Tre dự kiến sẽ hình thành các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn huyện Châu Thành, khu du lịch Sân chim Vàm Hồ, khu du lịch trên địa bàn huyện Chợ Lách và khu du lịch nghỉ dưỡng Thạnh Phú…

Trong năm 2020, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, cũng như cải thiện chất lượng hình ảnh để đến năm 2025, các sản phẩm du lịch tâm linh đi vào hoạt động, các dịch vụ du lịch kèm theo được cải thiện và hình ảnh Bến Tre được quảng bá rộng rãi đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Cùng với triển khai đồng bộ giải pháp phát triển nông nghiệp, tỉnh kỳ vọng đến năm 2030, các sản phẩm du lịch sinh thái đi vào hoạt động, hoạt động nông nghiệp sẽ gắn kết, tích hợp với du lịch để phát triển đồng bộ 2 lĩnh vực trong tổng thể phát triển, đến năm 2045 các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đi vào hoạt động; hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh với đa dạng các loại hình giải trí, nghỉ dưỡng, tâm linh, lịch sử văn hóa và du lịch thiết lập hội nghị, hội thảo, triển lãm.

Theo ông Đức, phát triển du lịch Bến Tre trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần thực hiện mục tiêu và định hướng phát triển của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch. Đồng thời, tăng cường hợp tác, kết nối để khơi dậy và phát huy đúng tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực để phát triển, gắn kết du lịch Bến Tre với du lịch các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Trong tương lai, du lịch tỉnh Bến Tre sẽ phát triển xứng tầm với vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “quê hương xứ Dừa”, trở thành điểm dừng chân không thể thiếu trong các tour du lịch miền Tây. Đồng thời có sự liên kết tốt với các tỉnh, thành trong vùng để thúc đấy phát triển du lịch cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thùy Linh