Bến Tre: Từ “quản lý” sang “phục vụ” doanh nghiệp

Thùy Linh thực hiện 01/11/2019 16:22

Đây là một yêu cầu đã được Chính phủ đặt ra với các địa phương từ nhiều năm qua.

Chia sẻ với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh Bến Tre coi yêu cầu trên là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để triển khai tới toàn bộ hệ thống cơ quan, cán bộ công chức của tỉnh.

- Thưa ông, năm 2018, Bến Tre xếp thứ tư trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc, vậy đâu là điểm nhấn trong nâng cao chỉ số PCI thưa ông?

Để kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, góp phần thu hút đầu tư vào tỉnh. Trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình hành động và đạt được những kết quả quan trọng.

Trong đó, nổi bật là đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp thông qua Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, với nhiều hoạt động thiết thực như: bồi dưỡng, hỗ trợ hoàn thiện các ý tưởng khởi nghiệp và thương mại hóa sản phẩm; hình thành Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bến Tre; tăng cường các hoạt động giao thương, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ cho khởi nghiệp; đào tạo, nâng cao kiến thức cho đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp; ban hành chính sách khuyến khích khởi nghiệp đặc thù của Bến Tre... Nhờ đó, đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nâng số lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm của tỉnh đạt khoảng 600 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ khá cao so với giai đoạn trước.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh luôn được tỉnh Bến Tre chú trọng thực hiện. Đến nay, thời gian cấp phép đăng ký doanh nghiệp rút ngắn chỉ còn 1,5 ngày, nhiều trường hợp giải quyết trong một buổi; cấp chủ trương đầu tư giảm còn 2/3 thời gian so với quy định; hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục hành chính trọn gói có liên quan cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua Tổ dịch vụ công do Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh đảm nhận.

p/Cải cách thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh luôn được tỉnh Bến Tre chú trọng thực hiện.

Cải cách thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh luôn được tỉnh Bến Tre chú trọng thực hiện.

Bến Tre có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế. Đó là tập trung phát triển các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế so sánh về kinh tế vườn, kinh tế biển, phát triển năng lượng sạch, phát triển du lịch và các ngành công nghiệp chế biến,…; khai thác tốt vị trí địa kinh tế, với lợi thế nằm rất gần TP.HCM và trong tuyến kết nối quan trọng giữa TP.HCM và các tỉnh duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL để thu hút đầu tư, mở rộng giao thương và liên kết, hợp tác phát triển vùng; cùng với tham gia vào xu hướng toàn cầu hóa, tận dụng các cơ hội giao lưu, kết nối với các tổ chức, quốc gia trên thế giới để tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu khoa học-công nghệ phục vụ sự phát triển chung của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như tổ chức 04 diễn đàn đối thoại doanh nghiệp hàng năm; tổ chức “Cà phê doanh nghiệp” và “Bàn tròn khởi nghiệp” định kỳ hàng tháng để tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và định hướng hoạt động các doanh nghiệp khởi nghiệp; các huyện/thành phố đều có nhiều mô hình đối thoại và gặp gỡ với doanh nghiệp,... Nhờ đó, phần lớn những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được chỉ đạo xử lý nhanh và hiệu quả; nhiều chủ trương, chính sách mới được kịp thời chia sẻ và thông tin đến với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà.

- Từ thực tiễn điều hành, ông có thể cho biết việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần chú trọng vào những nội dung gì?

Từ thực tiễn công tác, tỉnh Bến Tre đã đúc kết được những bài học kinh nghiệm quý báu để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh trong thời gian tới. Trước hết, Bến Tre sẽ tiếp tục triển khai và phát huy cao kết quả đạt được của Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp. Tỉnh từng bước thay đổi tư duy “quản lý” sang “phục vụ” doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục nêu gương, khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo và quyết liệt của các ngành, các cấp trong chỉ đạo thực hiện các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư. Tỉnh cũng xây dựng nhiều kênh đối thoại với doanh nghiệp - tạo sự gần gũi, thân thiện và tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập sâu rộng, tỉnh Bến Tre đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Bến Tre là một trong số các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Diện tích đất phục vụ phát triển còn manh mún, khó tổ chức sản xuất hàng hóa lớn. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu, thiếu tính liên kết và hợp tác để tận dụng nguồn lực về vốn, công nghệ và thị trường...

- Thưa ông, đâu là lợi thế cạnh tranh của tỉnh Bến Tre trong thu hút đầu tư?

Bến Tre là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí địa kinh tế quan trọng và hội tụ nhiều điều kiện, cơ hội thuận lợi để phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực. Nhờ lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phong phú, điều kiện đất đai màu mỡ, đồng thời là vùng đất có khí hậu khá ôn hòa, với hai mùa mưa nắng trong năm được phân chia khá rõ rệt, tạo ra hai lợi thế tương đối lớn cho Bến Tre trong phát triển kinh tế nông nghiệp là kinh tế vườn và kinh tế thuỷ sản.

Là tỉnh nằm ở cuối nguồn sông Mê công, tiếp giáp biển Đông, được phù xa của bốn trong chín nhánh sông Cửu Long bồi đắp và hình thành ba vùng sinh thái tự nhiên: ngọt, lợ, mặn khá phong phú. Trong đó, vùng ngọt và lợ là vùng trọng điểm trong phát triển kinh tế vườn, với nhiều chủng loại cây trồng nổi tiếng trong khu vực như dừa, cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng các loại,... luôn xanh tốt quanh năm, tạo thành một hệ sinh thái miệt vườn sông nước, giúp cho Bến Tre không chỉ có nền sản xuất nông nghiệp đơn thuần mà còn có những tiềm năng, thế mạnh rất lớn về phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, kết hợp với tham quan những địa danh lịch sử, văn hóa.

Tiếp giáp với biển Đông, với bờ biển dài trên 65 km và bốn cửa sông lớn, Bến Tre có một hệ sinh thái mặn, đa dạng về chủng loài thuỷ, hải sản, là điều kiện rất thuận lợi trong phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện từ nuôi trồng, đánh bắt đến hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá… kết hợp với phát triển du lịch biển. Từ đó, đã đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Song song đó, cũng nhờ lợi thế bờ biển dài, thềm lục địa nông, rộng… Bến Tre đang có ưu thế cạnh tranh cao trong cả nước về phát triển năng lượng tái tạo như: điện gió, điện mặt trời.

- Xin ông cho biết những lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?

Nhằm khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Bến Tre tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế so sánh cao, như: chế biến dừa, thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch,... Song song đó, tỉnh sẽ thu hút thêm những nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực xã hội hóa (môi trường, giáo dục mầm non, năng lượng sạch và các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu,...). Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên mời gọi đầu tư theo định hướng, tầm nhìn chiến lược của tỉnh; khuyến khích đầu tư các trung tâm thương mại; đầu tư hạ tầng kết hợp chỉnh trang đô thị theo hướng xã hội hóa, hợp tác công tư (PPP); các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng các khu - cụm công nghiệp,...

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bến Tre: Từ “quản lý” sang “phục vụ” doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO