TP.HCM: 9 mục tiêu của ngành Y tế trong năm 2022

ĐÌNH ĐẠI 04/01/2022 00:00

Trước những diễn biến khó dự báo của dịch bệnh COVID-19, Sở Y tế TP.HCM xây dựng 9 chiến lược vừa kiểm soát dịch, vừa củng cố hệ thống y tế, với mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.

>>>TP.HCM công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2021

Một là, chiến lược y tế thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ngành y tế tiếp tục triển khai tiêm vắc xin COVID-19 và hoạt động phòng chống dịch, sẵn sàng nhân lực, nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19. Một trong những mũi nhọn là tập trung bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và các giải pháp làm giảm tử vong.

TP.HCM tập trung bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và các giải pháp làm giảm tử vong.

TP.HCM tập trung bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và các giải pháp làm giảm tử vong.

Hai là, khôi phục các hoạt động khám, chữa bệnh. Sở Y tế TP.HCM tái cấu trúc các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo điều trị cho người bệnh COVID-19 và không COVID-19. Ngành y tế sẽ xác định mô hình bệnh tật hậu COVID-19 và cung ứng các dịch vụ tương ứng, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Thành phố đẩy mạnh chuyển đổi mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế, chăm sóc người mắc các bệnh mạn tính. Năng lực hồi sức cấp cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh, hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, dược lâm sàng sẽ được củng cố.

Ba là, ổn định thu nhập bệnh viện trong tình hình dịch kéo dài. Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế thời gian qua ảnh hưởng nguồn thu nghiêm trọng do ít bệnh nhân đến khám, nhân viên y tế đi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, bệnh viện tạm ngưng khám chữa bệnh dịch vụ, chuyển đổi công năng điều trị COVID-19...Do đó, Sở Y tế sẽ nghiên cứu và đề xuất các cơ chế giúp các đơn vị ổn định tài chính trong tình hình dịch bệnh kéo dài, nâng cao năng lực quản lý tài chính.

Bốn là, tăng nhân lực y tế. Năm 2022, Sở Y tế TP.HCM thực hiện đề án chuyển đổi Trung tâm y tế và Bệnh viện quận, huyện, TP Thủ Đức về địa phương quản lý. Ngoài ra, ngành y tế sẽ triển khai đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên khoa tại bệnh viện; thu hút nguồn nhân lực đối với các vị trí việc làm khó tuyển dụng.

Năm là, phát triển công nghiệp dược, nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM. Theo đó, Thành phố khởi động đề án nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật ngang tầm các nước trong khu vực; cùng đề án phát triển công nghiệp dược Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao năng lực cung ứng và quản lý thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Sở Y tế TP.HCM tăng cường giám sát, thanh kiểm tra công tác đấu thầu mua sắm tại các cơ sở y tế công lập.

>>>TP HCM: Khởi tố các vụ án mua bán, sản xuất thuốc điều trị COVID-19

nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cũng là một trong những mục tiêu của ngành Y tế TP.HCM trong năm 2022.

Nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cũng là một trong những mục tiêu của ngành Y tế TP.HCM trong năm 2022.

Sáu là, chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế. Thành phố tiếp tục tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử của từng người trên địa bàn sau những tháng gián đoạn vì COVID-19, từ đó xây dựng dữ liệu lớn về tình hình sức khỏe của người dân, giúp đánh giá và dự báo mô hình bệnh tật.

Ngoài ra, Thành phố xây dựng nền tảng số quản lý dịch bệnh COVID-19, triển khai hệ thống điều hành mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện, thí điểm phần mềm quản lý trang thiết bị y tế. Ngành y tế cũng tập trung xây dựng nền tảng liên thông, kết nối dữ liệu về phòng, chống dịch và dữ liệu khám, chữa bệnh. Xây dựng dữ liệu lớn về chứng chỉ hành nghề dược, chuyển đổi số công tác quản lý cơ sở hành nghề dược và mỹ phẩm.

Bảy là, đẩy nhanh xây dựng bệnh viện. Trong năm 2022, một loạt công trình xây dựng mới dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động, bao gồm Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Pháp y.

Các công trình đã hoàn thành sẽ được đưa vào hoạt động, bao gồm Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2), Khu Kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhân dân 115. Cơ sở hạ tầng các trạm y tế phường, xã cũng sẽ được nâng cấp đủ điều kiện hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Tám là, cải cách thủ tục hành chính. Thành phố xây dựng trang thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19, đánh giá bộ tiêu chí chất lượng về công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe. Về thủ tục hành chính, ngành y tế triển khai dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị, tích hợp vào Cổng dịch vụ công trực tuyến của Sở; áp dụng chữ ký số khi gửi và nhận văn bản điện tử...

Chín là, quản lý hành nghề y dược tư nhân. Sở Y tế TP.HCM sẽ triển khai thí điểm các cơ sở hành nghề y dược tư nhân tham gia phòng chống dịch, đồng thời kiểm tra chất lượng các phòng khám đa khoa, chuyên khoa (thẩm mỹ, răng hàm mặt). Thành phố tăng cường thanh tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, việc bán thuốc kê đơn, cấp tài khoản liên thông trên cổng dữ liệu dược quốc gia cho các cơ sở bán buôn thuốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản nhà ở TP.HCM sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022?

    Bất động sản nhà ở TP.HCM sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022?

    03:00, 02/01/2022

  • Vì sao hơn 8.000m2 “đất vàng” tại TP.HCM bị kiến nghị thu hồi?

    Vì sao hơn 8.000m2 “đất vàng” tại TP.HCM bị kiến nghị thu hồi?

    15:50, 31/12/2021

  • TP.HCM công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2021

    TP.HCM công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2021

    12:02, 31/12/2021

  • [Emagazine] Một năm khó quên của kinh tế - xã hội TP.HCM

    [Emagazine] Một năm khó quên của kinh tế - xã hội TP.HCM

    04:45, 29/12/2021

  • TP.HCM: Gần 20.000 tỷ đồng hàng hóa đón Tết Nhâm Dần

    TP.HCM: Gần 20.000 tỷ đồng hàng hóa đón Tết Nhâm Dần

    21:29, 28/12/2021

  • TP.HCM có Phó Chủ tịch Thường trực

    TP.HCM có Phó Chủ tịch Thường trực

    15:05, 25/12/2021

  • TS. Trần Du Lịch: TP.HCM không có đường vành đai mà toàn đường vành khuyên

    TS. Trần Du Lịch: TP.HCM không có đường vành đai mà toàn đường vành khuyên

    03:30, 23/12/2021

ĐÌNH ĐẠI