Dự thảo tuyên bố chung của COP26: Kêu gọi loại bỏ nguyên liệu hóa thạch
Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã công bố dự thảo tuyên bố chung lần đầu tiên kêu gọi các nước bỏ dần nguyên liệu hóa thạch.
Cụ thể, dự thảo do nước chủ trì COP26 - Vương quốc Anh công bố sẽ phải được các nước tham dự hội nghị đàm phán và thống nhất. Dự thảo dài 7 trang kêu gọi các quốc gia tăng cường các mục tiêu giảm phát thải vào cuối năm 2022 và lần đầu tiên, kêu gọi loại bỏ dần than và các khoản tài trợ nhiên liệu hóa thạch.
Dự thảo nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris, cần có hành động có ý nghĩa và hiệu quả trong "thập kỷ quan trọng này", và kêu gọi các quốc gia, vào cuối năm 2022, đưa ra các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đồng thời "xem xét lại và củng cố" các mục tiêu cắt giảm phát thải vào năm 2030 trong các kế hoạch quốc gia để phù hợp với mục tiêu của Hiệp định Paris.
Tổn thất và thiệt hại - một vấn đề quan trọng đối với các nước đang phát triển - đã được đưa vào dự thảo, với việc kêu gọi các nước phát triển và các tổ chức khác hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia dễ bị tổn thương để ứng phó với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và giải quyết những thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.
Bên cạnh đó, nội dung dự thảo thừa nhận cần tài trợ cho các nước đang phát triển nhiều hơn mức cam kết 100 tỷ USD/năm vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay cam kết này chỉ có thể được thực hiện sớm nhất vào năm 2022. Ngoài ra, dự thảo cũng có nội dung trong đó yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres triệu tập cuộc họp các nhà lãnh đạo thế giới vào năm 2023 để xem xét tiến triển của các nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu cho năm 2030.
Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết ông mong đợi văn bản chính thức sẽ sớm được công bố, nhấn mạnh thỏa thuận cuối cùng của hội nghị sẽ định hướng tương lai cho các thế hệ mai sau. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết tất cả các nước đã đạt được "tiến bộ đáng kể" trong những ngày qua, song vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Ông Johnson kêu gọi tất cả các quốc gia cần thảo luận với tham vọng lớn hơn nếu muốn đạt mục tiêu hạn chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Bên cạnh đó, một trong những sự kiện đáng chú ý là liên minh gồm 19 nước, trong đó có Anh và Mỹ, đã nhất trí thiết lập các tuyến vận tải biển không phát thải khí carbon kết nối các cảng, để tăng tốc tiến trình phi carbon hóa ngành hàng hải toàn cầu.
Thỏa thuận mới có tên là "Clydebank Declaration" được công bố trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh).
Trong đó, các nước tham gia nhất trí ủng hộ đến năm 2025 sẽ thiết lập ít nhất 6 hành lang vận tải biển xanh. Việc thiết lập các hành lang này đòi hỏi phải có hệ thống cung ứng nhiên liệu không phát thải khí carbon và các cơ sở hạ tầng tương ứng cũng như các cơ chế quản lý đi kèm. Các bên tham gia thỏa thuận cũng bày tỏ mong muốn đến năm 2030 sẽ đưa thêm nhiều tuyến đường vận tải biển xanh vào vận hành; cũng như vày tỏ sự tin tưởng ngành vận tải biển quốc tế có thể đạt mục tiêu không phát thải vào năm 2050.
Theo các chuyên gia đánh giá, kết quả tuần thảo luận đầu tiên của COP26 đã đạt được nhiều bước tiến tích cực khi chứng kiến một loạt cam kết về khí hậu, khi các quốc gia thống nhất cùng nhau chấm dứt và đảo ngược nạn phá rừng, loại bỏ than đá và giảm 30% lượng khí thải mê-tan vào năm 2030.
Johan Rockstrom, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam và một trong những nhà khoa học Trái đất có ảnh hưởng nhất thế giới cho biết, “Tôi đến COP26 với rất ít kỳ vọng sau khi chứng kiến những kết quả từ Hội nghị G20. Và tôi nghĩ cho đến nay, đã có nhiều điểm tích cực hơn mong đợi".
Rockstrom nhấn mạnh cam kết khôi phục và bảo vệ rừng và thỏa thuận cắt giảm phát thải khí mê-tan là hai bước tiến “đầy hứa hẹn”. Ông cho biết việc Brazil nằm trong số các quốc gia ký kết để ngăn chặn nạn phá rừng vào cuối thập kỷ này là rất đáng khích lệ.
Mặc dù vậy, các nhà hoạch định chính sách vẫn còn rất nhiều việc làm để giảm mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch để hướng tới mục tiêu không còn phát thải khí carbon vào năm 2050. Chắc chắn, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của thế giới dự kiến sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nếu không có những hành động mạnh mẽ từ các chính phủ và khu vực tư nhân.
Chắc chắn, ngưỡng 1,5 độ C là mục tiêu quan trọng trên toàn cầu bởi vì vượt quá mức này, cái gọi là điểm tới hạn sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn. Điểm giới hạn đề cập đến sự thay đổi không thể đảo ngược trong hệ thống khí hậu, làm tăng thêm hệ thống sưởi toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
COP26 và niềm tin phát triển bền vững
01:05, 06/11/2021
COP26: "Tiễn" than đá vào ký ức?
05:23, 05/11/2021
COP26 vẫn ẩn chứa mầm mống thất bại
05:30, 03/11/2021
Những thắng lợi đầu tiên từ Hội nghị COP26
04:30, 03/11/2021
Việt Nam thúc đẩy hợp tác giải quyết biến đổi khí hậu tại COP26
13:25, 02/11/2021