Kỳ 2: Những câu hỏi đặt ra xung quanh việc GPMB thu hồi đất tại Đông Triều?
Từ cách giải quyết “chóng vánh” của Trung tâm phát triển quỹ đất Đông Triều, cùng với thực tế nguồn tài nguyên than còn nhiều tại khu đất hồ Nội Hoàng, Đông Triều, Quảng Ninh.
Dư luận đặt câu hỏi về mục đích thực sự của việc thu hồi đất của ông Nguyễn Quang Hào. Có hay không sự bắt tay và tiếp tay của một nhóm lợi ích trong vụ thu hồi này?
Có thể bạn quan tâm
Đất đai là một trong những lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất
12:17, 18/01/2019
Nguồn cơn của tham nhũng đất đai!
05:03, 12/01/2019
Đông Triều (Quảng Ninh): Công dân mất trắng gần 10 tỷ đồng từ quyết định bồi thường trái luật?
08:05, 26/01/2019
Bất chấp nguyên tắc?
Về nguyên tắc, việc bồi thường đất đai phải cho chính chủ. Trước khi bồi thường họ phải được gặp gỡ, xác minh diện tích nguồn gốc đất đai, được trao đổi thông tin dự án và phương thức đền bù. Ông Nguyễn Quang Hào là chính chủ, (ngày 22/8/2012 chính bà Chu Mai Lâm đã lập giấy cam kết xác nhận mảnh đất trên thuộc quyền sở hữu riêng của ông Hào) nhưng oái oăm thay người được bồi thường lại là bà Lâm.
Trong suốt quá trình kiểm đếm đền bù, ông Hào đều không hay biết. Không một tờ thông báo, không một cuộc mời họp. Chỉ duy nhất một lần vào lúc 13h45p ngày 03/4/2017 ông nhận được một tin nhắn từ số điện thoại lạ (0937288xxx) với nội dung: “2h chiều hôm nay Trung tâm phát triển quỹ đất vẫn quyết định trả tiền bồi thường cho chị Lâm nhận tại công ty 397 mà vắng mặt anh đấy, anh có ý kiến gì không”. Sau đó ông Hào có gọi lại để xác minh sự việc nhưng không ai bắt máy.
Chính ông Nguyễn Công Quyền, cán bộ địa chính xã Hoàng Quế cũng xác nhận trong toàn bộ hồ sơ liên sự việc do ông thụ lý không hề có bất cứ giấy mời, thông báo nào gửi đến ông Hào.
Ngay sau khi biết sự việc ông Hào đã làm đơn và trình bày chi tiết về nguồn gốc và quyền sở hữu với đầy đủ giấy tờ làm căn cứ.
Cứ cho rằng công tác đền bù GPMB đã có sự sơ xuất, nhầm lẫn, bồi thường không đúng đối tượng thì khi ông Hào đã làm đơn và trình bày chi tiết về nguồn gốc và quyền sở hữu với đầy đủ giấy tờ làm căn cứ chứng minh, cơ quan chức năng Đông Triều phải lập tức sửa sai. Họ phải xác minh để bồi thường đúng đối tượng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân.
Nhưng không, họ dường như không nhìn thấy chứng cứ, không màng đến tiếng kêu cứu của chủ đất. Thậm chí còn bao biện: “Bà Lâm là đại diện gia đình nên đền bù không sai (!?)". Ở đây cũng cần nói tới trách nhiệm UBND xã Hoàng Quế. Họ đứng ở đâu và dựa vào căn cứ nào để xác thực khu đất đó là của bà Lâm chứ không phải của ông Hào?
Và điều khó hiểu nữa là trong khi ông Hào trưng ra chứng cứ, yêu cầu Trung tâm phát triển quỹ đất Đông Triều phải xem xét lại, đơn của ông đang trong quá trình thụ lý thì ngày 2/10/2018 toàn bộ vườn tược, tài sản của ông đều đã bị san gạt. Chỉ trong chốc lát một khu chăn nuôi, trồng trọt xanh mướt với bao mồ hôi, công sức và tiền bạc của ông Hào đã bị biến thành một bãi đổ thải khồng lồ.
Lại là câu chuyện than!
Cần phải nói rằng khu đất rừng của ông Hào nằm ở vị trí còn khá nhiều than nằm dưới lòng đất. Ở địa phương, vấn nạn khai thác trái phép đã xảy ra, thậm chí đã có án mạng. Năm 2017, tại khu vực mỏ Nam Tràng Bạch đã xảy ra một vụ án mạng giữa hai lái xe tại chính khai trường do Công ty CP 397 quản lý và bảo vệ.
Và cũng cần nhấn mạnh rằng, Công ty CP 397, đơn vị hiện đang thực hiện việc khai thác than tại địa phương đã liên tục vi phạm mốc giới thuê đất khai thác. Nói đúng hơn là lấn chiếm đất. Báo cáo số 3158/BC-TNMT, ngày 12/6/2018 của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Đông Triều chỉ rõ: Khu vực Công ty 397 đã tác động ra ngoài ranh giới thuê đất giai đoạn 1 và 2.
Cụ thể, tại xã Hoàng Quế, Công ty CP 397 đã san gạt mặt bằng vượt sang ranh giới thuộc thửa đất số 30 của hộ ông Bùi Văn Giáp với diện tích 4.968m2. Tại xã Hồng Thái Tây, Công ty CP 397 đã san gạt mặt bằng vượt sang ranh giới 4 thửa đất là thửa số 180, với diện tích 1.461m2, hiện mảnh đất này đang thành nơi tập kết than; Vượt sang thửa 248 của hộ ông Nguyễn Thanh Xuyển, diện tích 9000 m2; Ngoài ra còn 2 hộ khác là bà Nguyễn Thị Là và ông Nguyễn Văn Thuận…
Có thể nói việc Công ty 397 tự ý lấn đất, dịch chuyển mốc giới là hành vi coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai và các nghị định của Chính phủ. Và khu vực đất của ông Hào liệu cũng có phải là “miếng bánh ngon” để Công ty 397 mở rộng “lãnh thổ” của mình, phục vụ cho mục đích khai thác? Ở đây cũng không thể không đặt câu hỏi có phải cũng vì như vậy mà những người làm công tác GPMB huyện Đông Triều đã sốt sắng “giúp” doanh nghiệp giải tỏa khu đất của ông Hào một cách vội vàng, sai đối tượng, bất chấp các nguyên tắc, quy định của luật đất đai?
Trong một diễn biến khác, khu đất nhà ông Hào nằm trong dự án giải tỏa để thực hiện dự án Khai thác lộ thiên và cải tạo các hồ nước mỏ than Nam Tràng Bạch. Nhưng thực tế hồ Nội Hoàng lại đang bị san lấp, việc cải tạo dành cho những hố moong do việc khai thác tài nguyên để lại nằm sát ngay hồ Nội Hoàng. Điều này càng dấy lên những hoài nghi về mục đích thật sự của việc giải tỏa khu đất nhà ông Hào.
Than đã mang lại những gì cho Quảng Ninh? Những con số đóng góp phát triển kinh tế, không thể phủ nhận.
Nhưng than cũng mang lại biết bao câu chuyện buồn cho tỉnh này. Đó là sự tàn phá môi trường, là sự tranh chấp bất chấp pháp luật với những cuộc hỗn chiến đã từng cướp đi những sinh mạng. Là nỗi khổ của người dân với những vụ sụt lún đất kinh hoàng, sự ô nhiễm môi trường sống… Là những dự án “treo đầu dê, bán thịt chó”, mượn danh những điều tốt đẹp cải tạo môi trường, sinh thái nhưng thực chất là chiếm đất, khai thác than làm giàu bất chính cho một số người.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã có nhiều giải pháp để xử lí những tồn tại này.
Nhưng, ở rất nhiều nơi “thâm sâu huyền bí” mà những người đứng đầu tỉnh không phải lúc nào cũng tới được, thì sự lỏng lẻo vẫn tiếp diễn, những cuộc khai thác bất chấp hay “được chấp” vẫn đang diễn ra. Những nguyên tắc bị bỏ qua, quyền lợi của người dân bị xâm hại có liên quan đến chữ: Than! Đông Triều không phải là ngoại lệ. Và vụ giải tỏa đất nhà ông Nguyễn Quang Hào rất có thể là một trong những ví dụ như vậy.
“Tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương chuyển đổi kinh tế từ nâu sang xanh nhưng không hiểu vì sao chính quyền nơi này lại thu hồi và san phẳng cả một quả đồi xanh đang mang lại nhiều giá trị trong phát triển kinh tế cho người dân chúng tôi để tiếp tục cấp phép dự án khai thác lộ thiên”, ông Hào bức xúc nói.
Kỳ 3: "Chính quyền xã cố tình làm sai, bắt tay ăn chia tiền đền bù"?