Đất đai là một trong những lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất

Nguyễn Việt 18/01/2019 12:17

Cần phải rà soát, hoàn thiện Luật đất đai để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, và có cơ chế điều tiết chênh lệch địa tô khi giá trị đất quanh dự án tăng lên.

Hạn chế của chính sách làm thất thoát nguồn thu từ đất, tạo nên bất cập trong quản lý đất đai. Ảnh: Nguyễn Việt

Nhiều chuyên gia đánh giá, hạn chế của chính sách làm thất thoát nguồn thu từ đất, tạo nên bất cập trong quản lý đất đai. Ảnh: Nguyễn Việt

Đây là một số trong những khuyến nghị được nêu lên tại buổi đối thoại chính sách: “Những vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp đất đai ở Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 17/1.

Ở Việt Nam, các chính sách kinh tế đất nói chung và huy động nguồn thu từ đất cho phát triển kinh tế - xã hội nói riêng đã liên tục được điều chỉnh, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước về đất đai. Các khoản thu từ đất đã trở thành một nguồn thu quan trọng cho nhiều địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế đất và các chính sách kinh tế đất vẫn còn nhiều hạn chế, là nguyên nhân căn bản không chỉ làm thất thoát nguồn thu từ đất mà còn tạo nên những bất cập trong công tác quản lý đất đai.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Xa (Nguyên Cục trưởng – Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính), Luật hiện nay có nhiều kẽ hở, nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để nên tham nhũng, trục lợi từ đất đai khá dễ dàng. Và nguồn lực từ đất đai chưa được khai thác hiệu quả dẫn đến nhà nước bị thất thu.

GS.TS. Nguyễn Văn Song (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) khẳng định: chưa có thị trường đất đai mà chỉ có thị trường chuyển đổi quyền sử dụng đất vì đất vẫn thuộc quyền sở hữu Nhà nước. Bảng giá đất hiện nay quá lạc hậu. Thị trường đất đai lại chưa minh bạch. Không khó khi xác định giá đất theo thị trường vì chỉ cần điều tra thị trường là được không cần bàn vấn đề định giá.

Không đồng tình với quan điểm chưa có thị trường đất đai, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, cứ có người mua người bán là có thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, quan trọng nhất là tìm được giá thị trường. Nhưng khi mọi thông tin đầu vào vừa thiếu vừa không đúng và còn bị giấu diếm thì không thể có được giá thị trường thực sự.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu -Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, đất là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá không thể thay thế nhưng lại không có Bộ đất đai chỉ có Bộ Tài nguyên Môi trường. Luật Đất đai hiện nay thì đang nhiều bất cập. Bảng giá đất thì điều chỉnh hàng năm mà giá chỉ bằng 30 -50% giá thị trường nên đây là “cơ hội” cho trục lợi từ đất đai.

Trong khi nguồn thu từ đất đai đang không bao quát được hết nên ngân sách vẫn thất thu nhưng phía chủ đầu tư và doanh nghiệp lại phải nộp nhiều khoản mà không được tính là chi phí hợp lý, lại không thể tiên lượng được tiền sử đụng dất phải nộp bao nhiêu khi xây dựng dự án đầu tư vì bảng giá đất được điều chỉnh hàng năm.

Có thể bạn quan tâm

  • Khoảng trống lớn nhất trong Luật đất đai là... vốn hóa đất đai

    Khoảng trống lớn nhất trong Luật đất đai là... vốn hóa đất đai

    05:49, 28/06/2018

  • Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Sửa Luật Đất đai để tránh “lửa bùng lên từ đất”

    Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Sửa Luật Đất đai để tránh “lửa bùng lên từ đất”

    15:30, 25/05/2018

  • Luật Đất đai 2013 chưa điều chỉnh được giá đất

    Luật Đất đai 2013 chưa điều chỉnh được giá đất

    13:13, 24/12/2017

Tại tọa đàm, các nghiên cứu các vấn đề kinh tế trong chính sách và luật pháp đất đai ở Việt Nam đã được trình bày và thảo luận về chính sách từ các góc nhìn khác nhau. Những vấn đề đang là nóng nhất, gây ra nhiều bất cập nhất đang đòi hỏi phải có những thay đổi mạnh mẽ đã được nêu lên. Đó là các vấn đề cần định giá đất theo giá thị trường nhưng làm thế nào để định giá theo giá trị thị trường. Xác định giá trị gia tăng khi Nhà nước thay đổi quy hoạc đầu tư và đầu tư hạ tầng, khi mục đích sử dụng đất thay đổi. Với những bất cập, kẽ hở được nêu tại tọa đàm cho thấy “nguy cơ tham nhũng trong quản lý đất đai vẫn thuộc nhóm đứng đầu”, theo các nói của GS.TSKH Đặng Hùng Võ.

Tọa đàm đã thảo luận về cách định giá đất theo cơ chế thị trường; Cơ chế, chính sách kinh tế trong giao đất, cho thuê đất và trong thu hồi và đền bù khi thu hồi đất, trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong quản lý kinh tế đất.

Để nguồn lực từ đất đai được huy động và sử dụng hiệu quả, người bị thu hồi và người được giao đất được bảo đảm quyền lợi và công bằng, ngăn chặn trục lợi và đầu cơ, không để khiếu kiện xảy ra, nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng thuận lợi khi tiến hành dự án... nhiều kiến nghị và giải pháp rất cụ thể được nêu lên tại tọa đàm.  

Tựu chung lại, kiến nghị của Tọa đàm là cần phải có một luật đất đai mới thay thế cho luật đất đai hiện hành, nên áp dụng cơ chế giá thị trường, thông tin về đất đai phải được minh bạch và phải có sự tham gia quản lý, giám sát của người dân. Giá đất phải cụ thể cho từng miếng đất một vì nó còn phục thuộc vào sinh kế của người dân sống trên mảnh đất đó, nó còn phụ thuộc vào hướng đất vị trí đất… Để các khoản thu về đất không mất không lọt thì mọi khoản thu cần được thu qua kênh ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đất đai là một trong những lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO