Thuê đất 35 năm, 10 năm qua bỏ ra hàng chục tỷ đồng tôn tạo, nhưng khi chưa kịp thu hồi vốn thì khu đất vườn lại bị... "hô biến" khiến ông Nguyễn Quốc Hào... trắng tay.
Đau lòng hơn, đó là một quyết định quá vội vàng của UBND huyện Đông Triều với lý do thu hồi đất để triển khai dự án khai thác lộ thiên, cải tạo hồ. Nhưng quá trình từ thông báo đến đền bù và GPMB ông Hào đều không hay biết, số tiền đền bù gần 3 tỷ đồng được huyện này trao toàn bộ cho vợ ông (2 vợ chồng đang trong quá trình giải quyết ly hôn). Nói là đau lòng, bởi chính quyền là nơi mà người dân đặt niềm tin và cũng chính họ đã khuyến khích người dân đầu tư, cải tạo đất rừng làm trang trại, vườn tược phát triển kinh tế gia đình, thì nay những quyết định thiếu tình, thiếu lý như cướp đi tất cả công sức, tiền bạc mà người dân đã đầu tư gần chục năm nay.
Nghịch lý người không phải chủ đất được nhận tiền đền bù
Có mặt tại văn phòng báo Diễn đàn Doanh nghiệp tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Quang Hào (hiện trú tại phường 7, quận 3, TP HCM) không giấu nổi bức xúc và cho biết, ông đã gửi đơn đến các bộ ngành trung ương, và mới nhất, thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu huyện Đồng Triều tổ chức đối thoại lại và giải quyết dứt điểm những kiến nghị của mình trong tháng 1/2019.
“Tối ngày 24/1, tôi nhận được thông báo có mặt tại huyện để giải quyết vụ việc. Nhưng đáng nói là, tôi thường trú tại TP. Hồ Chí Minh, quá trình gửi bưu điện thì phải mất 3 ngày mới đến nơi. Thực tế là tối 24 tôi mới nhận được giấy mời (có dấu bưu điện), nhưng trong thư mời lại ghi là chiều 24 tổ chức đối thoại, vậy hỏi làm sao có thể xoay sở kịp? tôi cho rằng đây chỉ là “chiêu trò” của Trung tâm quỹ đất Đông Triều nhằm hợp thức đầy đủ giấy tờ”, ông Hào bức xúc nói.
Nhắc lại sự việc, ông Nguyễn Quốc Hào cho biết, ngày 8/11/2010 ông và vợ là bà Chu Mai Lâm cùng ký mua mảnh đất vườn lô số E2 và E3 khoảnh 4, tiểu khu 28, hồ Nội Hoàng (xã Hoàng Quế, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) từ ông Phan Văn Lộc và bà Văn Thị Yến.
Khu vườn này vốn là đất của Lâm trường Đông Triều, giao khoán đất lâm nghiệp (50 năm) để trồng cây ăn quả cho ông Phan Văn Lộc và bà Văn Thị Yến.
Ngày 22/08/2012, bà Chu Mai Lâm đã lập giấy cam kết xác nhận mảnh đất trên thuộc quyền sở hữu riêng của ông Hào. Từ đó đến nay, ông Hào cùng một số đối tác có ký hợp đồng là người trực tiếp quản lý sử dụng, đầu tư trồng trọt và chăn nuôi tại mảnh đất trên.
Vẫn theo ông Hào, trong khoảng thời gian trên, nhiều lần ông đi đăng ký làm sổ đỏ nhưng không được do chính quyền đùn đẩy đất thuộc quyền quản lý của Lâm trường Đông Triều.
Tuy nhiên, ngày 3/4/2017, ông Hào bất ngờ nhận được một tin nhắn từ số điện thoại lạ, nội dung cho hay vào 14h, trung tâm phát triển quỹ đất sẽ trả tiền bồi thường cho chị Lâm và nhận tại công ty TNHH 379 ( Tổng công ty Đông Bắc). Người nhắn cũng hỏi xem ông Hào có ý kiến gì không. Nhưng, sau đó ông Hào gọi lại để xác minh sự việc thì không ai bắt máy.
Hơn một tuần sau, ngày 11/4/2017 ông Hào làm đơn gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Đông Triều để thông báo sự việc trên.
Tới ngày 16/5/2017, ông Hào có buổi làm việc đầu tiên (và duy nhất đến thời điểm này) tại UBND xã Hoàng Quế. Tại đây ông Hào được nghe và cung cấp các biên bản mà Trung tâm phát triển quỹ đất đã lập trước. Nội dung cho thấy, bà Lâm đã tự ý đơn phương hoàn thiện các biên bản với Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Đông Triều về việc đền bù thu hồi khu đất trên.
Ông Hào cho biết, tại buổi làm việc đã thông báo, ông là chủ sở hữu duy nhất của mảnh vườn trên và cho biết từ ngày 5/6/2015 đến 2/11/2016 vợ chồng ông đang trong quá trình giải quyết ly hôn có tranh chấp tài sản chung tại Tòa án Nhân dân quận 3 TP HCM.
Tuy nhiên, mặc dù ông đã giải thích và cung cấp nhiều chứng cứ quan trọng về khu đất là do ông sở hữu và đứng tên, lẽ ra Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Đông Triều phải xem xét lại cách giải quyết vấn đề, thì đơn vị này mặc nhiên cùng bà Chu Mai Lâm vẫn triển khai việc đền bù và giải phòng mặt bằng.
Có thể bạn quan tâm
20:35, 02/07/2018
11:01, 29/06/2018
07:47, 16/04/2018
Cơ quan chức năng mâu thuẫn trong trả lời
Trao đổi với PV DĐDN, bà Nguyễn Thị Thao - chuyên viên Trung tâm phát triển quỹ đất Đồng Triều khẳng định, việc thu hồi đất thực hiện dự án là Khai thác than lộ thiên kết hợp cải tạo các hồ khu vực mỏ Nam Tràng Bạch tại các xã Hoàng Quế, Hồng Thái Tây đối với thửa đất của hộ bà Chu Mai Lâm được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 69 Luật Đất đai 2013.
Cụ thể, ngày 26/10/2016, UBND thị xã Đông Triều có thông báo thu hồi đất gửi các hộ gia đình đang quản lý, sử dụng tại xã Hoàng Quế và xã Hồng Thái Tây. Sau đó, ngày 10/1/2017, bà Chu Mai Lâm có bản kê khai về đất, tài sản trên đất. Bà Lâm đại diện hộ gia đình ký đơn.
Ngày 18/1/2017, UBND xã Hoàng Quế có văn bản chứng nhận nhà, đất, tài sản trên đất cho hộ bà Lâm, diện tích đất trong ranh giới dự án là 54.724,7m2.
Tiếp đó, ngày 15/3/2017, Trung tâm phát triển quỹ đất lập phương án bồi thường hỗ trợ cho chủ hộ Chu Mai Lâm với tổng giá trị là hơn 2,8 tỷ đồng. Và ngày 3/4/2017, bà Lâm đã nhận hơn 2,8 tỷ đồng và bàn giao mặt bằng.
Vì sao không thông báo cho ông Hào biết sự việc và tham gia việc kiểm đếm tài sản cũng như chi trả tiền hỗ trợ bồi thường? Bà Thao cho biết, bà Lâm là đại diện gia đình nên Trung tâm đã thực hiện không sai. Bà Thao cũng cho biết đã nhiều lần thông báo cho ông Hào nhưng ông Hào không đến. Tuy nhiên khi phóng viên hỏi giấy mời ông Hào thì bà Thao không cung cấp được.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Công Quyền, cán bộ địa chính xã Hoàng Quế cho biết, trong toàn bộ hồ sơ liên quan sự việc do ông thụ lý không hề có bất cứ giấy mời, thông báo nào gửi đến ông Hào.
Một câu trả lời bất nhất, cho thấy những việc làm đáng ngờ của Trung tâm phát triển quỹ đất Đông Triều.
Điều đặc biệt, là khi đơn kiến nghị của ông Hào đang trong quá trình thụ lý giải quyết, thì ngày 2/10/2018 toàn bộ vườn tược, tài sản của ông đều đã bị san gạt lấy mặt bằng cho công ty TNHH 397 đổ thải và lấp hồ Nội Hoàng.
Có mặt tại khu đất nhà ông Hào, phóng viên không thể hình dung nổi chỉ trong chốc lát một khu chăn nuôi, trồng trọt xanh mướt đã bị biến thành một bãi đổ thải khồng lồ. Và những cuộc san gạt lấp hồ nội Hoàng cũng đang hoàn thành.
Bù lại cho dự án được gọi là cải tạo các hồ nước, thực chất chỉ là những hố moong được bỏ lại trong qua trình khai thác than trước đó, giờ được tận dụng để làm hồ. Trong khi, nằm sát đó là hồ Nội Hoàng với nhiều năm là nguồn tưới tiêu cho người dân thì bị san lấp.
Theo một số người dân bản địa, khu vực hồ Nội Hoàng còn khá nhiều than nằm sâu dưới lòng đất.