Nghệ An: Một xã “gánh” 03 mỏ đá hành dân
Nhiều năm nay, quy trình khai thác, vận chuyển đá tại khu vực mỏ đá lèn 12 thung và lèn Dầu tại xã Trù Sơn, huyện Đô Lương của 03 doanh nghiệp đang “bức tử” cả một vùng quê.
Người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên cấp có thẩm quyền đề nghị vào cuộc chấn chỉnh, xử lý nhưng sự việc ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động…vẫn liên tục tái diễn, gây bức xúc kèo dài trong dư luận.
Mỏ đá hành dân
Bụi bặm phủ kín cả nhà dân, “tra tấn” cả người đi đường là cảnh đã diễn ra trong suốt thời gian qua do tình trạng khai thác, vận chuyển đá của 03 công ty tại khu vực lèn 12 thung và lèn Dầu trên địa bàn xã Trù Sơn, huyện Đô Lương.
Không ít lần, do bức xúc về tình trạng đua nhau gây ô nhiễm môi trường từ việc vận chuyển đá ra ngoài nên người dân địa phương đã nhiều lần lập barie chốt chặn, yêu cầu các chủ mỏ phải khắc phục nhưng sự việc chỉ như “muối bỏ bể”.
Mưa khiến đường sá lầy lội, tạo nhiều vũng trâu, ổ voi do các phương tiện cơ giới vận chuyển đá đua nhau cày xới, băm nát các tuyến đường giao thông nông thôn, tiềm ẩn nguy cơ gây trở thành tác nhân gây tai nạn giao thông. Trời nắng thì bụi bặm phả vào mặt người đi đường, nhiều người đã phải mua vải bạt, tấm che bịt kín ngôi nhà của mình để chống bụi nhưng vẫn không thể giảm thiểu được…
“Chúng tôi đã không dám di chuyển qua các tuyến đường ở xóm 4, xóm 5 nơi có phương tiện chở đá từ các mỏ khai thác ở xã Trù Sơn vì bụi từ nhiều năm nay. Bất đắc dĩ mới phải đi qua nhưng mỗi lần đến đây thì phương tiện lẫn người phủ trắng bụi bặm” – một người dân phản ánh.
Với người không phải là công dân thường trú ở đây đã bức xúc nói lên điều này với phóng viên thì việc bị đảo lộn cuộc sống sinh hoạt do ô nhiễm từ mỏ đá của 03 công ty đang khai thác tại khu vực nói trên sẽ bị ảnh hưởng như thế nào sẽ rất dễ tìm được câu trả lời. Vì vậy, đã nhiều lần người dân phải lập barie để ngăn không cho phương tiện chở đá qua lại.
Thậm chí, vào chiều ngày 12/4/2018, ông Ngọc Kim Nam lúc bấy giờ đang là Chủ tịch UBND huyện Đô Lương (bây giờ là Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ- Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Nghệ An) đã phải về xã Trù Sơn để tổ chức trực tiếp đối thoại với người dân địa phương để thống nhất phương án xử lý, khắc phục tình trạng nói trên.
Người đứng đầu UBND huyện Đô Lương lúc bấy giờ cũng đã chỉ đạo các chủ mỏ phải áp dụng các biện pháp giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường nhưng sự việc vẫn tái diễn.
Được biết, ngoài vấn đề gây ô nhiễm môi trường, ở các điểm mỏ nói trên đã từng nhiều lần xảy ra tai nạn lao động dẫn đến chết người.
Cụ thể, cách đây 01 năm, vào ngày 17/6/2020, tại khu vực khai thác mỏ đá của Cty CP vật liệu 99 đã xảy ra vụ tai nạn khiến 01 công nhân khai thác đá bị rơi từ độ cao hàng chục mét xuống tử vong. Từ năm 1996 đến nay, khi mỏ đá ở đây tiến hành khai thác cũng đã khiến không it vụ tai nạn làm chết người vẫn liên tục xảy ra. Ngay trong năm 2014, mỏ đá ở đây cũng đã khiến 02 người thiệt mạng…
Ai “bảo kê” cho 03 mỏ đá gây ô nhiễm?
Đơn thư của người dân gửi lên các cấp đề nghị xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm ở các mỏ đá do 03 doanh nghiệp đang khai thác từ suốt nhiều năm qua. Các cuộc họp tiếp xúc cử tri Hội đồng Nhân dân các cấp cũng xoay quanh câu chuyện đến bao giờ người dân xã Trù Sơn mới hết cảnh ô nhiễm nhưng họ cũng chỉ nhận về mình được các câu trả lời là sẽ chỉ đạo, sẽ kiểm tra…
Thậm chí, khi trả lời báo chí, ông Nguyễn Thuỵ Chính – Chủ tịch UBND xã Trù Sơn cũng tỏ ra “bất lực” vì tình trạng các mỏ đá do 03 doanh nghiệp đang khai thác gồm: Công ty CP vật liệu xây dựng 99, Công ty TNHH Toản Thành đều khai thác ở khu vực mỏ lèn 12 Thung và Công ty CP B&T khai thác mỏ lèn Dầu.
Chủ tịch xã Trù Sơn nói rằng, do tình trạng vận chuyển đá từ các mỏ nói trên nên khu vực đường giao thông trên địa bàn xóm 4, xóm 5 của địa phương đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Được biết, cả 03 doanh nghiệp khai thác đá tại xã Trù Sơn cũng đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Nhưng không hiểu sao, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở địa phương này do tình trạng khai thác đá gây ra vẫn xuất hiện?
Phải chăng, sự “nhờn luật”, bất chấp tính mạng, sức khoẻ người dân vẫn bị cơ quan chức năng ngó lơ và các chủ mỏ coi thường?
Gần đây, khi được UBND tỉnh giao xử lý vụ việc tồn tại liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực nói trên, Sở TN&MT Nghệ An đã yêu cầu UBND xã Trù Sơn phối hợp với 03 công ty khai thác đá phải khơi thông cống rãnh, dọn dẹp hành lang 2 bên tuyến đường vận chuyển từ ngã 3 anh Lập đến ngã 3 trại Bần.
“Các công ty sẽ chi trả kinh phí dọn dẹp trên tuyến đường với tần suất 2 lần/tuần; 3 công ty chỉ hoạt động bán hàng (vận chuyển nguyên vật liệu) trong thời gian từ 4h30 phút đến 22 giờ hàng ngày…” – ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký, yêu cầu tại văn bản báo cáo ngày 28/7/2021 về việc tổng hợp kết quả giải quyết ý kiến kiến nghị cử tri trước kỳ họp sắp tới của HĐND tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, dư luận vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng là liệu UBND tỉnh Nghệ An đồng ý về khung thời gian cho phép 03 công ty khai thác đá được phép bán hàng với khung giờ gần như 24/24 như vậy thì tình trạng người dân xã Trù Sơn phải “tắm bụi” đến bao giờ mới chấm dứt được?
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Dãy “chuồng cọp” nhiều năm án ngữ đại lộ đẹp bậc nhất TP Vinh
17:00, 09/08/2021
Nghệ An: Hàng chục cá thể hổ “qua mặt” bao nhiêu lực lượng chức năng?
10:50, 05/08/2021
Nhà thuốc Bệnh viện Da liễu Nghệ An hoạt động “chui”
13:00, 02/08/2021
Báo động đỏ ô nhiễm khai thác mỏ
05:30, 03/06/2018
Hà Tĩnh: Yêu cầu chủ trang trại lợn phải di dời vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
07:43, 10/08/2021