Thanh Hóa: Gần trăm công nhân đột ngột bị “mất Tết”
Gần 100 cán bộ công nhân viên của Công ty TNHH Đầu tư Thương Mại Quang Minh, nhà thầu của Công ty Cổ phần tập đoàn VAS Nghi Sơn bất ngờ bị “mất việc” bởi một “kịch bản” rất khó hiểu?
>>Quảng Ninh: Không để người lao động nào không có Tết
Diễn đàn Doanh nghiệp nhận được thông tin kêu cứu của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Quang Minh (Công ty Quang Minh) về việc bất ngờ bị Công ty Cổ phần tập đoàn VAS Nghi Sơn cho ngừng công việc bằng “lời nói”.
Công ty Quang Minh là nhà thầu của Công ty Cổ phần tập đoàn VAS Nghi Sơn từ những ngày đầu thành lập năm 2019 tại KLH gang thép Nghi Sơn, KKT Nghi Sơn, Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Trong các hợp đồng ký kết cung ứng dịch vụ giữa hai bên vào ngày 12/12 hàng năm, bên VAS luôn chủ động gia hạn hợp đồng và gửi cho bên Quang Minh ký lại vào các năm.
Vẫn theo thông lệ đó nên bên Công ty Quang Minh không chủ động đề nghị ký hợp đồng. Bởi theo như hợp đồng ký kết, nếu ngừng hợp tác, hai bên phải chủ động báo trước với nhau 30 ngày và cùng thảo luận về lý do hợp lý, trừ trường hợp bất khả kháng như: phá sản, giải thể, hoặc gặp phải tố tụng…
Tuy nhiên, đến ngày 10/1/2023, ông Trần Tấn Đắc (Giám đốc Khu hậu cần cảng Nghi Sơn), Nguyễn Viết Khu và các ông trong Ban giám đốc Khu hậu cần có gọi quản lý của Công ty Quang Minh là bà Cù Thị Mến vào gặp. Tại cuộc gặp, Ban giám đốc Khu hậu cần “nói miệng” là đề nghị Công ty Quang Minh trong vòng 3 ngày phải cho toàn bộ công nhân và các thiết bị máy, kỹ thuật ra khỏi Khu hậu cần.
Quá bất ngờ trước cách làm việc của bên VAS, ngày 11/1 ông Đặng Văn Nghiên - Giám đốc Công ty Quang Minh ngay lập tức vào gặp Ban giám đốc của Khu hậu cần để đối thoại về việc này. Tuy nhiên tại buổi đối thoại, ông Trần Tấn Đắc có chia sẻ bản thân ông cũng rất bất ngờ về việc này và ông cũng chỉ biết làm theo phân công của bà Huỳnh Thị Quỳnh Thư - Phó tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn gửi email yêu cầu chấm dứt hợp đồng với Quang Minh và trong vòng 3 ngày toàn bộ công nhân, các trang thiết bị của Quang Minh phải lập tức “rời khỏi” Khu hậu cần Nghi Sơn.
Trước lý do ông Đắc đưa ra như vậy, ông Nghiên có yêu cầu phía công ty phải thực hiện đúng pháp luật bằng cách ra văn bản hợp pháp và gửi theo đường chính ngạch như trong hợp đồng đã thỏa thuận thì khi đó Quang Minh sẽ thực hiện theo đúng yêu cầu.
Bản thân ông Nghiên cũng nêu rõ, từ ngày làm việc hợp tác cùng Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn, ông Nghiên chủ yếu làm việc với ông Đắc, ông Khu và các ông trong Ban giám đốc của Khu hậu cần, còn việc liên lạc với các cấp cao như ông Nguyễn Bảo Giang (Tổng Giám đốc) và bà Huỳnh Thị Quỳnh Thư (Phó Tổng Giám đốc) là không thể. Do đó, ông Nghiên có đề nghị ông Đắc chuyển lại ý kiến đến lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn.
>>>Cơ hội để tái cơ cấu lao động
Trong thời gian chờ đợi phản hồi từ phía lãnh đạo cấp cao của Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn, bên phía Công ty Quang Minh vẫn tiếp tục cho công nhân làm việc bình thường để chờ quyết định. Ngày 12/1, Công ty Quang Minh nhận được một hình ảnh là công văn của Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn do bà Huỳnh Thị Quỳnh Thư ký vào ngày 9/1 về việc chấm dứt hợp đồng cung ứng dịch vụ với Quang Minh với lý do công ty gặp khó khăn trong giai đoạn này.
Ngay sau khi nhận được “hình ảnh” thông báo chấm dứt hợp đồng, ông Đặng Văn Nghiên đã phản hồi với Ban giám đốc Khu hậu cần là phía Quang Minh sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn vì hiện nay trong 5 nhà thầu cung ứng dịch vụ cho Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn, Quang Minh luôn được đánh giá là tốt nhất và hiệu quả nhất.
Cũng theo ông Nghiên, Công ty Quang Minh đã đầu tư rất nhiều máy kỹ thuật hiện đại và quan trọng hơn, công ty đang có gần 100 công nhân là người địa phương, có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Việc ra một quyết định đột ngột “ngừng hợp tác” như vậy sẽ đẩy công ty Quang Minh vào nguy cơ phá sản, gần 100 công nhân sẽ rơi vào tình cảnh thất nghiệp, khó khăn. Về phía các công nhân của công ty Quang Minh, trong thời gian này đều ra sức làm việc, họ chia nhau ăn bánh mỳ, mỳ tôm tại chỗ làm để không phải ra ngoài vì sợ ra ngoài sẽ không được “vào nữa”.
Đáp lại điều này, đến ngày 14/1, ông Trần Tấn Đắc đã ký thông báo yêu cầu công ty Quang Minh thực hiện di chuyển máy móc thiết bị, công cụ ra khỏi Khu Hậu cần, chậm nhất hết ngày 14/1. Từ lúc ra thông báo đến khi Quang Minh thực hiện chỉ vẻn vẹn có 4 giờ đồng hồ.
Ngày 16/1, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có mặt tại Khu hậu cần cảng Nghi Sơn để tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của công nhân thuộc công ty Quang Minh. Việc bỗng nhiên “thất nghiệp” trước thềm năm mới khiến các công nhân rất bất ngờ và không biết sẽ đón năm mới như thế nào, ra Tết sẽ tìm việc ở đâu?
Ông Đặng Văn Nghiên chia sẻ: “Đến tận hôm nay, phía công ty chúng tôi vẫn không nhận được một quyết định chính ngạch nào từ phía Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn cũng như biên bản thanh lý hợp đồng từ phía công ty này, tất cả đều chỉ bằng lời nói và qua zalo. Nhưng điều tôi thấy đây là một “kịch bản” rất vụng về của phía Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn khi muốn nhường thị phần của tôi cho một “đối tác” khác. Nhưng xét về tình, nếu không hợp tác nữa thì bên VAS cũng nên đối thoại với Quang Minh hoặc ít ra cho Công ty Quang Minh thời gian để xử lý kịp thời cho gần 100 công nhân không thất nghiệp. Bởi họ đều là lao động địa phương có hoàn cảnh rất khó khăn. Họ đã gắn bó với Quang Minh từ những ngày đầu, với tôi họ là gia đình”.
Theo luật sư Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng văn phòng luật Nguyên Minh, nếu xét theo Điều 521 Luật Dân sự, sau khi kết thúc thời hạn thực hiện công việc theo hợp đồng dịch vụ mà công việc chưa hoàn thành và bên cung ứng dịch vụ vẫn tiếp tục thực hiện công việc, bên sử dụng dịch vụ biết nhưng không phản đối thì hợp đồng dịch vụ đương nhiên được tiếp tục thực hiện theo nội dung đã thoả thuận cho đến khi công việc được hoàn thành.
Vậy “sự thật” đằng sau câu chuyện này là gì? Chúng ta sẽ chờ phản hồi từ phía Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn để rộng đường dư luận.
Có thể bạn quan tâm