Vụ “Đúng tải trọng nhưng sai tải trục” tại Hải Phòng: Cục đường bộ yêu cầu làm rõ
Đây là thông tin được lãnh đạo thanh tra giao thông (Sở GTVT Hải Phòng) xác nhận với phóng viên liên quan đến loạt bài viết “Đúng tải trọng nhưng sai tải trục” được đăng tải trên DĐDN vừa qua.
>>Vụ xe đúng tải trọng nhưng sai tải trục tại Hải Phòng: Luật sư lên tiếng
Theo đó, chiều 19/6, ông Hoàng Tiến Nam - Chánh thanh tra giao thông (Sở GTVT Hải Phòng) thông tin với phóng viên, vụ việc kiểm soát tải trọng đối với Công ty Cổ phần VILACONIC (trụ sở tại TP Vinh, Nghệ An) khi đi qua trạm cân lưu động khu vực trạm thu phí Tiên Cựu trên QL10 bị kết luận vượt quá tải trọng theo cụm trục 27% đã được Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản yêu cầu đơn vị kiểm tra, xác minh làm rõ.
Sẽ thông báo kết quả kiểm tra
Khi phóng viên đặt câu hỏi về kết quả xử lý như thế nào thì ông Hoàng Tiến Nam không đưa ra mốc thời gian cụ thể, chỉ trả lời khi nào có kết quả sẽ thông báo.
Trước đó, liên quan đến vụ việc “đúng tải trọng nhưng sai tải trục” khi phương tiện vận tải của đơn vị mình được trạm cân lưu động của Thanh tra giao thông Hải Phòng đặt tại khu vực trạm thu phí Tiên Cựu trên QL10 bị xử phạt hành chính vì quá tải trọng cụm tải trục 27%, Công ty Cổ phần VILACONIC đã có đơn kiến nghị gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng.
Công ty Cổ phần VILACONIC cho rằng, việc Chánh thanh tra giao thông (Sở GTVT Hải Phòng) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đối với phương tiện vận tải hàng hoá của đơn vị mình vào ngày 30/5/2023 với mức tiền 60 triệu đồng đối với chủ xe và 14 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện vừa qua là chưa thuyết phục, có nhiều dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.
Cùng với đó, các văn bản liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ và người điều khiển phương tiện vận tải do Thanh tra giao thông vận tải thuộc Sở GTVT Hải Phòng lập có nhiều điều khoản mập mờ, chưa đúng với bản chất vụ việc. Chính vì vậy, Công ty Cổ phần VILACONIC kiến nghị, yêu cầu các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh, làm rõ để tránh thiệt hại về tài chính, danh dự của doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, ở số ra bài 02 vào ngày 16/6/2023 trên Diễn đàn Doanh nghiệp cũng đã nêu rõ ý kiến của Luật sư Thái Sỹ Oai - Trưởng văn phòng Luật sư Nghệ Tĩnh cho rằng các điều khoản áp dụng để xử phạt vi phạm hành chính đối với phương tiên vận tải 37H 055.76/37R-024.30 lưu thông trên quốc lộ 10, có tổng trọng lượng xe và hàng không vượt quá tải trọng cho phép nhưng kết quả cân kiểm tra tải trọng xe cho thấy có 1 cụm trục vượt quá tải trọng của cầu, đường 27% vào ngày 21/5/2023 là chưa phù hợp, chưa đúng với quy định của pháp luật.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc Thanh tra giao thông Hải Phòng đang cố tình gây khó cho doanh nghiệp, gián tiếp gây thiệt hại cho chủ phương tiện tham gia vận tải hàng hoá qua địa phận nói trên. Nếu vụ việc không sớm được làm rõ sẽ gây bức xúc kéo dài trong dư luận.
>>Đúng tải trọng nhưng sai tải trục?
Xử phạt "áp" sai, doanh nghiệp thiệt hại?
Cũng liên quan đến tính pháp lý của các quyết định xử phạt hành chính đối với phương tiện vận tải nói trên, qua nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật, đại diện Công ty Cổ phần VILACONIC cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần phải làm rõ nhiều vấn đề mà hiện Thanh tra giao thông Hải Phòng đang áp dụng.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT để xác định xe 37H 055.76/37R-024.30 có tải trọng trục xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường 27% để làm căn cứ cho việc áp dụng hình thức xử phạt (lái xe 14 triệu - Quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 33 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 18, điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP và chủ xe 60 triệu - Quy định tại điểm đ khoản 13 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi tại điểm p khoản 17 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) cần phải xem xét lại.
Bởi vì, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT là: “Thông tư này quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ” và “Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến công bố tải trọng khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ”.
Mặt khác, tại Điều 16 của Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT không quy định tải trọng của trục xe (hoặc cụm trục xe) được phép tham gia giao thông đường bộ. Như vậy, việc kiểm tra tải trọng trục xe (hoặc cụm trục xe) khi tham gia giao thông đường bộ chỉ được thực hiện đối với các tuyến đường bộ có lắp đặt biển báo hiệu hạn chế tải trọng trục (biển số P.117 - QCVN 41: 2019/BGTVT) tại 02 đầu tuyến hoặc tại các cầu đường bộ có hạn chế tải trọng trục.
Cũng trong thời gian qua, Diễn đàn Doanh nghiệp nhận được nhiều ý kiến của người dân, doanh nghiệp phản ánh việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan chức năng, dẫn đến các quyết định hành chính sai quy định pháp luật, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức liên quan.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.
Có thể bạn quan tâm
Vụ xe đúng tải trọng nhưng sai tải trục tại Hải Phòng: Luật sư lên tiếng
00:50, 17/06/2023
Đúng tải trọng nhưng sai tải trục?
08:00, 15/06/2023
Vụ xe tải trọng lớn “oanh tạc” đường Nghệ An – Hà Tĩnh: Lắp đặt camera theo dõi 24/24h
03:00, 11/05/2023
Nghệ An “bất lực” trước biển báo giới hạn tải trọng liên tục bị tháo dỡ?
00:06, 27/04/2023
Biển cấm bị tháo gỡ, xe tải trọng lớn “oanh tạc” đường Nghệ An – Hà Tĩnh
03:30, 14/04/2023