NHNN toan tính gì với tỷ giá trung tâm?
Việc NHNN liên tục tăng tỷ giá trung tâm được cho là để giảm bớt chênh lệch giữa VND với các đồng tiền trong khu vực, đồng thời giảm bớt áp lực lên lãi suất VND.
Tỷ giá trung tâm liên tục tăng
Tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN tăng thêm 4 đồng lên 22.950 đồng/USD ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần này. Đây là phiên thứ 8 liên tiếp tỷ giá trung tâm không giảm và là phiên thứ 7 trong 8 phiên gần đây, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng. Tính chung so với cuối tháng 11/2018, đến nay tỷ giá trung tâm đã tăng tới 200 đồng/USD, tương đương tăng 0,88%.
Diễn biến này là khá lạ khi mà USD trên thị trường thế giới, dù hiện đang có xu hướng phục hồi nhẹ trở lại, song cũng chỉ mới lấy lại những gì đã mất trước đó. Cụ thể, hiện chỉ số USD vẫn đang xoay quanh mức 97 điểm, tương đương như thời điểm cuối tháng 11/2018.
Vấn đề càng trở nên lạ hơn khi mà tỷ giá tại các ngân hàng hầu như bất động trong mấy phiên gần đây sau khi thấp hơn nhiều so với cuối tháng 11/2018. Theo đó, sáng ngày 11/3 giá mua vào USD tại các ngân hàng phổ biến trong khoảng 23.130 – 23.150 đồng/USD, trong khi giá bán ra cao hơn 100 đồng. Cả hai mức giá mua và bán này đều thấp hơn khoảng 110 – 130 đồng so với thời điểm cuối tháng 11/2018.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao tỷ giá USD chợ đen thấp hơn ngân hàng?
05:01, 28/02/2019
Tỷ giá năm 2019 sẽ bị áp lực nhiều hơn năm 2018?
13:42, 20/02/2019
Tỷ giá trung tâm lại tăng mạnh vì đâu?
05:01, 12/02/2019
Vì sao NHNN “giật ngược” tỷ giá trung tâm?
05:01, 29/01/2019
Vì sao NHNN liên tục tăng tỷ giá trung tâm?
11:09, 16/01/2019
Sức ép tỷ giá 2019 không quá lớn
04:50, 03/01/2019
Đặc biệt, đã nhiều ngày nay, tỷ giá trên thị trường tự do thường xuyên thấp hơn khá nhiều so với tỷ giá chính thức. Trong ngày 11/3, giá mua vào USD chợ đen chỉ ở mức 23.205 đồng/USD, thấp hơn giá mua vào của các ngân hàng 25 – 45 đồng/USD; còn giá bán ra chỉ là 23.215 đồng/USD, thấp hơn giá bán của các nhà băng 15 – 35 đồng/USD.
Lý giải việc tỷ giá chợ đen thấp hơn tỷ giá chính thức, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, hiện nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế khá dồi dào kéo tỷ giá giảm. Nguồn cung này đến từ thặng dư thương mại lớn (đạt 6,8 tỷ USD trong năm 2018), từ giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng mạnh, đạt 2,58 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm nay; kiều hối tăng mạnh…
“Cung ngoại tệ dồi dào, trong khi cầu ngoại tệ vẫn yếu khi hoạt động của các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự vào guồng sau kỳ nghỉ Tết, dẫn tới tỷ giá giảm”, vị chuyên gia trên nói và cho biết thêm, việc tỷ giá chính thức giảm chậm hơn tỷ giá tự do là do “chốt chặn” giá mua vào ngoại tệ của NHNN ở mức 23.200 đồng/USD. Nếu giảm giá bán ra USD thấp hơn mức này thì chẳng thà các ngân hàng bán lại cho NHNN còn hơn.
Giải bài toán đô – đồng
Vậy tại sao NHNN lại liên tục tăng tỷ giá trung tâm dù nguồn cung ngoại tệ dồi dào, đồng USD trên thị trường thế giới không có biến động lớn? Theo vị chuyên gia trên, động thái này có thể xuất phát từ 2 lý do sau.
Thứ nhất là để thu hẹp khoảng cách với các đồng tiền trong khu vực. Theo đó, tính chung trong năm 2018, VND chỉ mất giá khoảng 2,2-2,3% so với USD. “Không thể phủ nhận đó là một thành công trong điều hành tỷ giá của NHNN trong bối cảnh tỷ giá chịu khá nhiều áp lực. Tuy nhiên, việc VND chỉ mất giá nhẹ trong khi nhiều đồng tiền trong khu vực rớt giá khá mạnh, đặc biệt là nhân dân tệ (giảm 5% so với USD) vô hình chung khiến VND tăng giá so với các đồng tiền này, từ đó gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu”, vị chuyên gia này phân tích.
Vì lẽ đó NHNN đã tận dụng cơ hội đồng USD trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm, sau khi Fed phát tín hiệu có thể thậm lại tiến trình thắt chặt tiền tệ, để thu hẹp khoảng cách với các đồng tiền trong khu vực, đồng thời đưa tỷ giá trung tâm về sát với thị trường hơn sau một thời gian neo giữ ở mức thấp.
“Việc tăng dần tỷ giá trung tâm về sát với thị trường một mặt khiến NHNN không phải tổn hao dự trữ ngoại tệ để neo giữ tỷ giá; mặt khác cũng khiến hiệu lực điều hành qua tỷ giá trung tâm trở nên mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, vị chuyên gia trên nhận định.
Thứ hai, NHNN muốn giảm bớt áp lực lên lãi suất tiền đồng. Quả vậy, mặt bằng lãi suất trong năm qua chịu khá nhiều sức ép khi NHNN ưu tiên ổn định tỷ giá. Trong nhiều thời điểm, NHNN đã phải bán ra ngoại tệ để can thiệp, ổn định thị trường cũng đồng nghĩa với việc một lượng lớn tiền đồng được hút về, gây nhiều khó khăn cho thanh khoản tiền đồng của các nhà băng. Đó chính là một nguyên nhân khiến các ngân hàng đẩy tăng lãi suất huy động VND kể từ cuối tháng 8 năm ngoái.
Sức ép tăng lãi suất còn lớn hơn trong những tháng đầu năm 2019 khi mà lạm phát tăng cao. Trong khi đó, Chính phủ lại đang yêu cầu NHNN phải kéo giảm lãi suất cho vay. Trong bối cảnh áp lực tỷ giá năm nay được dự báo sẽ giảm nên có thể NHNN đang ưu tiên tới việc ổn định mặt bằng lãi suất. Vì lẽ đó, song song với việc mua vào ngoại tệ, NHNN đã bơm ra một lượng lớn tiền đồng để hỗ trợ các nhà băng ổn định mặt bằng lãi suất. Việc tăng tỷ giá trung tâm cũng nhằm giải tỏa bớt áp lực lên tỷ giá, qua đó là áp lực đến lãi suất tiền đồng.
Thực tế cũng cho thấy, chênh lệch lãi suất đô – đồng trên thị trường liên ngân hàng đã được kéo giảm về khoảng 1,7%, thấp hơn nhiều mức chênh 24,-2,5% tại thời điểm cuối tháng 11.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng USD biến động khó lường, trong khi lạm phát trong nước đang có xu hướng tăng cao chắc chắn sẽ tạo sức ép nhất định đến lãi suất và tỷ giá, nên việc giải bài toán đô – đồng của NHNN là không hề dễ dàng.