Tỷ giá tăng mạnh, vì đâu?
Giá mua - bán USD tại các ngân hàng thương mại đã đột ngột tăng mạnh trong tuần cuối tháng 4/2019.
Tỷ giá đột ngột tăng mạnh
Kế từ đầu năm tới giữa tháng 4, bất chấp việc tỷ giá trung tâm liên tục được NHNN điều chỉnh tăng khá mạnh, song giá mua – bán USD tại các ngân hàng chỉ tăng/giảm trong biên độ khá hẹp và gần như không đổi so với thời điểm cuối năm trước.
Theo đó, kể từ đầu năm đến ngày 18/4, tỷ giá trung tâm đã tăng 163 đồng, tương đương tăng 0,71%. Thế nhưng, chốt phiên ngày 18/4, giá mua – bán USD tại các ngân hàng không có nhiều thay đổi so với thời điểm cuối năm 2018: mua vào trong khoảng 23.140 - 23.150 đồng/USD, trong khi giá bán ra trong khoảng 23.240 – 23.250 đồng/USD. Trong ngày 18/4, giá USD trên thị trường tự do thậm chí còn thấp hơn 50 đồng mỗi chiều so với thời điểm cuối năm 2018, mua vào chỉ 23.190 đồng/USD và bán ra là 23.210 đồng/USD.
Có thể bạn quan tâm
Lãi suất VND- USD thu hẹp sẽ gây áp lực tỷ giá?
05:01, 29/03/2019
NHNN toan tính gì với tỷ giá trung tâm?
05:01, 12/03/2019
Vì sao tỷ giá USD chợ đen thấp hơn ngân hàng?
05:01, 28/02/2019
Tỷ giá năm 2019 sẽ bị áp lực nhiều hơn năm 2018?
13:42, 20/02/2019
Tỷ giá trung tâm lại tăng mạnh vì đâu?
05:01, 12/02/2019
Tuy nhiên, tỷ giá tại các nhà băng đột ngột bật tăng khá mạnh theo tỷ giá trung tâm trong tuần cuối cùng của tháng 4. Hiện giá mua vào USD của các ngân hàng phổ biến trong khoảng 23.220 – 23.230 đồng/USD, còn giá bán ra trong khoảng 23.320 – 23.330 đồng/USD, đều tăng 80 đồng/USD (tương đương tăng khoảng 0,3%) so với tuần trước đó. Giá USD chợ đen cũng tăng khoảng 30-35 đồng/USD so với tuần trước; mua vào ở mức 23.325 đồng/USD, bán ra ở mức 23.340 đồng/USD. Trong khi đó, trong thời gian này, tỷ giá trung tâm cũng tăng 40 đồng và hiện đang đứng ở mức 23.028 đồng/USD.
Diễn biến này là khá bất thường khi mà cung - cầu ngoại tệ trong nền kinh tế không có gì đột biến; thậm chí nguồn cung hiện vẫn rất dồi dào. Số liệu thống kê cho thấy, cán cân thương mại vẫn thặng dư hơn 600 triệu USD kể từ đầu năm. Trong khi 4 tháng đầu năm lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong 4 tháng qua (cả giải ngân vốn trực tiếp và vốn gián tiếp) lên tới 11,4 tỷ USD. Ngoài ra còn nguồn kiều hối, giải ngân vốn FDI, thu từ du lịch…
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào đã giúp cho NHNN mua vào thêm tới 8,35 tỷ USD để bổ sung dự trữ ngoại hối quốc gia kể từ đầu năm, thậm chí còn cao hơn khá nhiều so với con số 6 tỷ USD mà cơ quan này đã mua trong năm 2018.
Cân đối bài toán đô - đồng
Một chuyên gia ngân hàng cho biết, việc tỷ giá tăng mạnh trong tuần vừa qua do một số nguyên nhân sau. Thứ nhất, chỉ số đồng USD trên thị trường thế giới cũng tăng gần 0,6% trong thời gian này, thậm chí có thời điểm tăng tới 0,73%, và hiện đang dừng ở 98 điểm.
Thứ hai, thanh khoản tiền đồng hiện đang dư thừa khá lớn cũng tạo áp lực làm tăng tỷ giá. “Việc NHNN mua vào 8,35 tỷ USD kể từ đầu năm cũng đồng nghĩa cơ quan quản lý đã bơm ra thị trường tới 193.720 tỷ đồng”, vị chuyên gia trên tính toán.
Trong khi theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, tính từ đầu năm đến hết ngày 19/4, NHNN hút ròng tổng cộng 61.508 tỷ đồng qua hai kênh OMO và tín phiếu. Điều đó có nghĩa thanh khoản tiền đồng vẫn khá dồi dào.
Thanh khoản dư thừa đã đẩy lãi suất VND liên ngân hàng liên tục giảm thấp. Quả vậy, trên thị trường liên ngân hàng ngày 25/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục giảm 0,03 - 0,38 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tháng so với phiên trước đó; giao dịch qua đêm với 2,65%, 1 tuần 3,08%, 2 tuần 3,17% và 1 tháng 3,45%/năm.
Trong khi đó lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD qua đêm ở mức 2,51%, 1 tuần 2,61%, 2 tuần 2,68%, 1 tháng 2,81%/năm. Điều đó có nghĩa, chênh lệch lãi suất giữa VND với USD đã được thu hẹp chỉ còn khoảng 0,4% – 0,6%, đã có tác động mạnh đễn diễn biến tỷ giá trong phiên 25/4. Cụ thể, tỷ giá tại các ngân hàng đã tăng khoảng 40 – 50 đồng trong phiên này.
Ngoài ra cũng có thể có nguyên nhân là các nhà băng đẩy tăng tỷ giá để phòng ngừa rủi ro trong những ngày nghỉ lễ kéo dài. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia trên, hai nguyên nhân đầu tiên vẫn là chủ yếu. Điều đó cho thấy bài toàn đô - đồng, chưa bao giờ dễ giải quyết.
“Việc tung ra một lượng lớn tiền đồng để mua vào ngoại tệ đòi hỏi NHNN cần phải nhanh chóng hút tiền về để tránh tạo áp lực đến tỷ giá, lạm phát. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy cơ quan quản lý mới chỉ hút về khoảng 1/3 lượng tiền bỏ ra”, vị chuyên gia này phân tích và nhận định, rất có thể NHNN đang đánh đổi giữa tỷ giá và lãi suất. Theo đó, cơ quan quản lý muốn duy trì thanh khoản VND dư thừa ở một mức nào đó để làm dịu áp lực lãi suất vốn cũng đã tăng khá mạnh trong thời gian vừa qua.