Tỷ giá USD/VND vẫn "lặng sóng" nhờ đâu?
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp cho tỷ giá thị trường chỉ nhích nhẹ, bất chấp việc tỷ giá trung tâm tăng khá mạnh trong nửa cuối tháng 7 theo đồng USD trên thị trường thế giới.
Tỷ giá trung tâm lập kỷ lục mới
Tỷ giá trung tâm tiếp tục xu hướng tăng khá mạnh trong nửa cuối tháng 7. Trong phiên giao dịch hôm 29/7, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng tới 6 đồng lên 23.085 đồng/USD, cao nhất kể từ đầu năm đến nay. So với ngày 12/7 - ngày tỷ giá bắt đầu xu hướng đi lên - tỷ giá trung tâm đã tăng 24 đồng/USD; nhưng so với thời điểm cuối tháng 6, tỷ giá trung tâm cũng tăng 19 đồng/USD.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần là 23.778 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.392 đồng/USD. Trong khi hiện Sở Giao dịch NHNN duy trì giá mua vào ở mức 23.200 đồng/USD, trong khi giá bán ra vẫn duy trì thấp hơn tỷ giá trần 50 đồng, hiện đang ở mức 23.728 đồng/USD.
Trong khi đó, giá mua bán USD tại các ngân hàng chỉ nhích rất nhẹ trong thời gian này. Theo đó, trong phiên ngày 29/7, giá mua vào USD của các nhà băng phổ biến trong khoảng 23.150 – 23.160 đồng/USD, trong khi giá bán ra USD phổ biến trong khoảng 23.270 – 23.280 đồng/USD; tức chỉ tăng nhẹ 10 đồng so với thời điểm giữa tháng 7. Thậm chí so với thời điểm cuối tháng 6, giá mua bán USD của các ngân hàng còn giảm tới 80 - 85 đồng/USD.
Có thể bạn quan tâm
Tỷ giá USD/VND tiếp tục giảm mạnh
14:15, 16/07/2019
Áp lực tỷ giá dịu bớt
04:30, 12/07/2019
Tỷ giá USD/VND có trở thành “con tin” của tương lai?
08:00, 11/06/2019
Cách ly hai “ngòi nổ”, tỷ giá USD/VND đang khác biệt
09:00, 10/06/2019
Kịch bản tệ nhất có thể xảy ra với tỷ giá nửa cuối năm 2019 là gì?
11:12, 27/05/2019
Doanh nghiệp cần làm gì để phòng ngừa rủi ro tỷ giá?
04:30, 25/05/2019
“Sóng” tỷ giá (Kỳ II): Áp lực từ ngừng cho vay ngoại tệ
11:01, 19/05/2019
Phòng ngừa rủi ro tỷ giá
02:24, 19/05/2019
“Sóng” tỷ giá (Kỳ I): Lo tác động gián tiếp
11:05, 16/05/2019
Giá USD chợ đen cũng giảm khá mạnh so với cuối tháng 6. Theo đó, trong phiên ngày 29/7, giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào là 23.190 đồng/USD và bán ra là 23.210 đồng/USD, giảm 80 đồng ở chiều mua và giảm 85 đồng ở chiều bán so với thời điểm cuối tháng 6.
Giải thích lý do dẫn tới xu hướng tăng của tỷ giá trung tâm trong 2 tuần gần đây, một chuyên gia ngân hàng cho biết là do đồng USD trên thị trường thế giới. Trái với dự báo của nhiều chuyên gia là USD sẽ sụt giảm sau khi Fed phát đi tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất, đồng bạc xanh lại bật tăng khá mạnh trong 2 tuần gần đây. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều NHTW lớn khác cũng phát tín hiệu sẽ nới lỏng thêm tiền tệ đẩy các đồng tiền chủ chốt khác suy yếu. Vì lẽ đó, chỉ số đồng USD đã bật tăng mạnh từ mức 96,8 điểm của ngày 12/7 lên 98,1 điểm trong phiên ngày 29/7 (tương đương với mức tăng 1,34%).
Thế nhưng, tỷ giá trên thị trường lại chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố cung - cầu ngoại tệ. “Tỷ giá thị trường giảm là do nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế hiện đang rất dồi dào”, vị chuyên gia trên cho biết và dẫn chứng: cán cân thương mại ước thặng dư 1,8 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, trong khi giải ngân vốn FDI đạt tới 10,6 tỷ USD, vốn FII đạt 8,52 tỷ USD. Đó là chưa kể giải ngân vốn ODA, nguồn thu từ du lịch, kiều hối…
“Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, NHNN đã mua được 8,35 tỷ USD bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Con số mua ròng ngoại tệ đến thời điểm này còn có thể cao hơn nhiều”, vị chuyên gia này cho biết như để minh họa thêm cho nhận định nguồn cung ngoại tệ hiện đang rất dồi dào.
VND chỉ mất giá 2-3%
Nhìn chung, tỷ giá 7 tháng đầu năm là khá ổn định, bất chấp những biến động tiêu cực từ bên ngoài. Theo đó, tính chung từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm tăng 260 đồng/USD, tương đương tăng 1,14%. Thế nhưng, hiện giá mua vào USD của các ngân hàng chỉ tương đương với thời điểm cuối năm 2018, trong khi giá bán ra chỉ tăng nhẹ khoảng 20 – 25 đồng/USD (tương đương với mức tăng khoảng 0,1%).
Theo Công ty chứng khoán bảo Việt (BVSC), động thái điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm liên tục kể từ đầu năm đến nay của NHNN mang tính “làm mềm” giúp tỷ giá trung tâm gần tiệm cận với tỷ giá giao dịch thực tế cũng như tạo ra “khoảng đệm”, tránh việc tỷ giá vượt ra mức trần trong trường hợp có thông tin mang tính biến động mạnh ngoài dự báo.
Tổ chức này cũng dự báo tỷ giá những tháng cuối năm sẽ không chịu nhiều sức ép do chính sách tiền tệ của FED đã không còn thắt chặt nữa (thậm chí chuyển sang nới lỏng nhẹ) và Việt Nam vẫn có cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ở mức lớn. “Với bối cảnh thế giới đang diễn ra theo hướng chính sách của FED không còn gây nhiều rủi ro và áp lực tới đồng tiền của các nước cận biên và mới nổi, chúng tôi duy trì dự báo mức mất giá của VND trong năm nay sẽ được giới hạn ở mức dưới 2%”, BVSC cho biết.
Công ty chứng khoán Mirae Asset cũng cho rằng, VND sẽ tiếp tục suy yếu vừa phải so với USD. Theo đó, tỷ giá sẽ tăng lên mức 23.400 đồng/USD trong quý 3 năm 2019 và 23.500 đồng /USD trong quý 4. “Về cơ bản, nền tảng vĩ mô vững chắc cùng với Việt Nam vẫn là bên hưởng lợi chính từ sự dịch chuyển dòng vốn sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ là nhân tố giữ VND/USD không đi quá xa”, Mirae Asset nhận định.
Giới chuyên gia kinh tế cũng có chung góc nhìn như vậy khi dự báo, FED và nhiều NHTW lớn khác sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế, thậm chí FED có thể cắt giảm lãi suất cơ bản ngay tại cuộc họp chính sách vào ngày 31/7 tới. Điều đó có thể khiến đồng USD đảo chiều giảm trở lại, qua đó giảm bớt áp lực lên tỷ giá và lãi suất trong nước.
“Với cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt cùng nguồn lực ngoại hối được tăng cường, quan hệ cung-cầu ngoại tệ cơ bản ổn định, tôi cho rằng tỷ giá USD/VND trong tầm kiểm soát và tăng 2-3% trong năm 2019”, TS Cấn văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhận định.
Thậm chí Bloomberg còn lạc quan hơn khi nhận định, với áp lực gia tăng của USD ở mức vừa phải, tỷ giá USD/VND sẽ chỉ tăng khoảng 1,5 - 2% trong năm nay.