Doanh nghiệp viễn thông “bắt sóng” lãi

ĐÌNH ĐẠI 04/06/2022 16:00

Trong quý I/2022, các doanh nghiệp ngành viễn thông “họ Viettel” đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng, nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

>> Viettel và Qualcomm hợp tác phát triển hạ tầng viễn thông di động 5G

VGI: Động lực đến từ châu Phi

Theo đó, kết quả kinh doanh quý I/2022 của Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (UpCOM: VGI) ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 5.437 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ, tương ứng tăng 17% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lãi gộp của VGI tăng tới 37% lên 2.601 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp lên đến gần 48% cao hơn rất nhiều so với những quý gần đây.

Động lực tăng trưởng của Viettel Global vẫn đến từ thị trường châu Phi.

Động lực tăng trưởng của Viettel Global vẫn đến từ thị trường châu Phi.

Tỷ giá diễn biến ổn định cùng chi phí quản lý doanh nghiệp giảm đáng kể từ 1.217 tỷ xuống 560 tỷ giúp cho tình hình tài chính của VGI khả quan hơn. Các yếu tố này giúp cho VGI đạt mức lợi nhuận trước thuế cao kỷ lục 1.643 tỷ đồng, tăng gần 1.750 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.189 tỷ, tăng 1.850 tỷ đồng.

Động lực tăng trưởng của VGI trong quý I/2022 vẫn đến từ khu vực châu Phi khi doanh thu của khu vực này tăng trưởng 33% từ 1.757 tỷ lên 2.345 tỷ đồng. Hai khu vực còn lại là Đông Nam Á và Mỹ La-tinh cũng đều tăng trưởng ở mức 2 con số (10%). Ngoài ra, những chuyển biến tích cực từ các công ty liên kết tác động lớn vào bức tranh chung. Tổng doanh thu của các công ty liên kết tăng 16% so với cùng kỳ.

Theo lãnh đạo VGI, năm 2022 được dự báo là một năm tiếp tục đầy khó khăn, thách thức dành cho ngành viễn thông. Đầu tiên, tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, xung đột quân sự Nga và Ukraine khiến giá nhiên liệu, nguyên vật liệu tăng cao, gây gián đoạn các chuỗi cung ứng. Việc thiếu hụt nguyên liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tổng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, tăng từ 3% - 5%.

Ngoài ra, hoạt động đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ đối mặt với các thách thức từ biến động chính trị tại các nước đầu tư, biến động tỷ giá, khan hiếm ngoại tệ hay các chính sách mới ràng buộc nhà cung cấp viễn thông.

Tuy nhiên, năm nay sẽ năm bùng nổ công nghệ 5G khi các quốc gia đẩy mạnh thương mại hóa 5G, các dịch vụ được khai thác trên nền tảng 5G cũng được ưu tiên phát triển mạnh, đặc biệt các dịch vụ kết nối nhanh, sử dụng dữ liệu lớn như IoT, Cloud, AI, không gian ảo Metaverse...  Nắm bắt được những xu hướng đó, VGI sẽ bám sát quy hoạch tần số và lộ trình triển khai 5G của một số thị trường tiềm năng, đồng thời song song nghiên cứu các dịch vụ nhằm đảm bảo sẵn sàng cho thương mại hóa.

CTR tăng trưởng 24,6%

Tương tự, Tổng công ty CP Công trình Viettel (HoSE: CTR) cũng có kết quả kinh doanh quý I/2022 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần của CTR đạt 2.001 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ khai thác và ứng cứu thông tin đạt 1.264 tỷ đồng, tăng 40%; doanh thu kinh doanh BĐS đầu tư (hạ tầng cho thuê) đạt 64,7 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Mảng hạ tầng cho thuê hiện đem lại biên lợi nhuận lớn nhất cho CTR với lãi gộp quý I/2022 đạt 27,14 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 42%.

Năm 2022, CTR định hướng sẽ trở thành Towerco số 1 tại Việt Nam với 4.487 trạm BTS, tỷ lệ dùng chung đạt 1.05.

Năm 2022, CTR định hướng sẽ trở thành Towerco số 1 tại Việt Nam với 4.487 trạm BTS, tỷ lệ dùng chung đạt 1.05.

Trong khi đó, 2 trụ kinh doanh khác là Xây dựng và Giải pháp tích hợp ghi nhận doanh thu sụt giảm lần lượt 13% và 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, CTR ghi nhận doanh thu tài chính 1,6 tỷ đồng, chi phí tài chính 1,6 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 39 tỷ đồng, không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, CTR có lãi sau thuế đạt 89,21 tỷ đồng, tăng trưởng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) quý I đạt 960 đồng.

Năm 2022, CTR định hướng sẽ trở thành Towerco số 1 tại Việt Nam với 4.487 trạm BTS, tỷ lệ dùng chung đạt 1.05; tiếp tục nâng cao công tác quản trị, hình ảnh thương hiệu và trải nghiệm khách hàng. Doanh nghiệp đặt mục tiêu chuyển đổi số đạt 3.8 điểm (theo DDM của TMForum).

Nhờ hệ sinh thái của Viettel, CTR sẽ cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn bao gồm: xây dựng, M&E, thiết bị smarthome, sửa chữa & bảo trì thiết bị điện, dịch vụ internet và dịch vụ phủ sóng tòa nhà - DAS.

VTP lợi nhuận giảm gần 5%

Một doanh nghiệp “họ Viettel” khác là Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (UpCOM: VTP), với doanh thu quý I/2022 tăng gần 12% lên 5.771 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán hàng chiếm 61% còn lại là từ cung cấp dịch vụ.

VTP muốn lấn sâu hơn vào mảng logistics bằng cách xây dựng mạng lưới 17 nhà kho hiện đại, với quy mô vốn đầu tư dự kiến khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025.

VTP muốn lấn sâu hơn vào mảng logistics bằng cách xây dựng mạng lưới 17 nhà kho hiện đại, với quy mô vốn đầu tư dự kiến khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025.

Trong kỳ, giá vốn hàng bán tăng 13% lên 5.588 tỷ, chiếm 97% tổng doanh thu nên lãi gộp chỉ còn 183 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, VTP lãi sau thuế 103 tỷ đồng, giảm gần 5% so với quý I/2021.

Năm 2022, VTP đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 68% so với cùng kỳ đạt 594 tỷ đồng. Kế hoạch này được đặt ra dựa trên giả định của ban lãnh đạo về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 phục hồi thành công hậu COVID-19, cùng với giả định rằng hành vi mua sắm trong thời kỳ dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục được duy trì trong giai đoạn hậu COVID. Theo đó, ban lãnh đạo dự kiến thị trường ecommerce tăng 30-35% trong năm 2022.

Để đạt được kế hoạch đề ra, VTP có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động bán hàng trong mảng chuyển phát nhanh cốt lõi, bằng cách tập trung vào việc tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường - nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng ra thị trường chuyển phát quốc tế. Ngoài ra, VTP có kế hoạch đầu tư 8-10 trung tâm phân loại công nghệ cao để giảm thời gian thực hiện và nâng cao chất lượng dịch vụ tổng thể. Công ty cũng bắt đầu hợp tác với JD trong tháng 5/2022, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc vận chuyển hàng hóa e-commerce từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Về chiến lược dài hạn, VTP muốn lấn sâu hơn vào mảng logistics bằng cách xây dựng mạng lưới 17 nhà kho hiện đại, với quy mô vốn đầu tư dự kiến khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025. Với mạng lưới kho bãi này, VTP có kế hoạch cung cấp nhiều dịch vụ logistics tích hợp hơn cho khách hàng của mình.

Cổ phiếu trồi sụt

Trong quý I/2022 cũng chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của các cổ phiếu “họ Viettel”, những cổ phiếu này liên tục tăng mạnh và đạt đỉnh vào giữa tháng 4. Tuy nhiên, sau đó lại đồng loạt giảm mạnh.

Biến động lớn nhất phải kể đến là cổ phiếu CTR khi mã này đạt đỉnh 120.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 19/4, tăng gần 40% so với đầu tháng 3. Tuy nhiên, hiện nay, cổ phiếu CTR chỉ còn thị giá 82.900 đồng/cổ phiếu (ngày 3/6), giảm gần 31%. Vốn hóa thị trường giảm từ hơn 11.000 tỷ đồng giảm còn hơn 7.703 tỷ đồng. 

Tương tự cổ phiếu VGI cũng leo lên mức hơn 40.200 đồng/cổ phiếu hôm 19/4, mức cao nhất trong vòng hơn một năm qua. Nhưng cũng như CTR, VGI cũng quay đầu lao dốc về mức giá 30.400 đồng/cổ phiếu (3/6). 

Cổ phiếu VTP có mức biến động thấp hơn cả khi đạt hơn 83.000 đồng/cp vào giữa tháng 4, tăng 29% trong hơn một tháng tuy nhiên hiện đã quay trở lại mức giá hồi đầu tháng 3. Vốn hóa thị trường của VTP đạt xấp xỉ 6.930 tỷ đồng. 

Trong khi đó, cổ phiếu VTP của Viettel Post mặc dù có mức tăng chậm hơn đôi chút nhưng vẫn rất khởi sắc khi đạt thị giá 83.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 19/4. So với thời điểm đầu tháng 3, thị giá VTP đã tăng gần 26%. Tuy nhiên, cũng giống như CTG và VGI, cổ phiếu VTP sau đó cũng quay đầu giảm giá mạnh về vùng giá 67.800 đồng/cổ phiếu (chốt phiên giao dịch ngày 3/6).

Có thể bạn quan tâm

  • Chứng khoán: Đáy chưa hình thành

    Chứng khoán: Đáy chưa hình thành

    04:50, 29/05/2022

  • Vi phạm về chứng khoán: Dùng kinh tế xử lý quan hệ kinh tế

    Vi phạm về chứng khoán: Dùng kinh tế xử lý quan hệ kinh tế

    04:10, 26/05/2022

  • Siết vay vốn ngoại để ứng phó đòn bẩy chứng khoán

    Siết vay vốn ngoại để ứng phó đòn bẩy chứng khoán

    05:15, 23/05/2022

  • Chứng khoán: Nhịp điều chỉnh chưa dứt

    Chứng khoán: Nhịp điều chỉnh chưa dứt

    04:04, 22/05/2022

  • Cách chức Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đối với ông Trần Văn Dũng

    Cách chức Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đối với ông Trần Văn Dũng

    16:40, 20/05/2022

ĐÌNH ĐẠI