Giá heo trong xu hướng giảm mạnh, BAF vẫn thâu tóm công ty chăn nuôi

ĐÌNH ĐẠI 03/12/2022 05:00

Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) vừa thông báo Nghị quyết HĐQT về việc nhận chuyển nhượng 717.282 cổ phần, tương ứng 99,9% vốn điều lệ của Công ty Chăn nuôi Kim Hợi.

>>>Thịt nhân tạo và tương lai của ngành chăn nuôi VIệt Nam: Kỳ 3 - Giải bài toán chăn nuôi bền vững

Theo đó, HĐQT của BAF giao cho bà Bùi Hương Giang - Tổng Giám đốc công ty, thực hiện quyết định toàn bộ vấn cần thiết để Công ty sở hữu 717.282 cổ phần, tương ứng 99,9% vốn điều lệ của Công ty CP Sản xuất Thương mại Chăn nuôi Kim Hợi (Công ty Chăn nuôi Kim Hợi). Đồng thời, bà Giang cũng được ủy quyền quản lý toàn bộ số cổ phần nhận chuyển nhượng trên tại công ty Kim Hợi.

Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam “thâu tóm” một công ty chăn nuôi lợn tại Đồng Nai.

Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam “thâu tóm” một công ty chăn nuôi lợn tại Đồng Nai.

Được biết, Công ty Chăn nuôi Kim Hợi được thành lập ngày 22/2/2016, địa chỉ tại G18B, Khu phố 5, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn. Điểm đáng chú ý là người đại diện pháp luật của Công ty Chăn nuôi Kim Hợi là bà Bùi Hương Giang, trùng tên với với bà Bùi Hương Giang - Tổng giám đốc BAF.

Ở một diễn biến khác, mới đây, BAF đã thông tin về kế hoạch phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong quý IV/2022 hoặc quý I/2023. Đây là loại trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo. Tỷ lệ chuyển đổi được tính bằng cách lấy mệnh giá trái phiếu chia cho giá chuyển đổi tại thời điểm thực hiện.

Lô trái phiếu có mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 7 năm với lãi suất cố định 5,25%/năm. Trong trường hợp mua lại trước hạn hoặc không chuyển đổi, nhà đầu tư sẽ được nhận thêm khoản lãi suất 5,25%/năm cho mỗi kỳ tính lãi, đồng thời lãi suất bổ sung được tính lãi kép ở mức 10,5%/năm.

Số vốn huy động được, BAF dự kiến phân bổ cho 5 công ty con để đầu tư các dự án chăn nuôi heo, thời gian thực hiện từ quý IV/2022 đến quý III/2023.

Về kết quả hoạt động kinh doanh, 9 tháng đầu năm, BAF ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 4.889 tỷ đồng, giảm 46,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 286 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Với kết quả này, kết thúc 9 tháng đầu năm, BAF đã hoàn thành được 71,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về cơ cấu doanh thu, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu bán nông sản giảm 54,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm hơn 4.632 tỷ đồng về gần 3.934 tỷ đồng; doanh thu hoạt động chăn nuôi tăng 95% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 465,5 tỷ đồng lên hơn 955 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9, BAF có tổng tài sản đạt 5.119 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là hàng tồn kho với 1.505 tỷ đồng. Tiền và các khoản tiền gửi ngắn hạn ở mức 430 tỷ đồng. 

Về cơ cấu vốn, nợ phải trả vào cuối quý III của doanh nghiệp ở mức 3.378 tỷ đồng. Dư nợ vay tài chính là 904 tỷ đồng, với 249 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu vào ngày 30/9 ghi nhận 1.741 tỷ đồng gồm 298 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,56 lần. 

Trên thị trường, cổ phiếu BAF đã giảm hơn 50% thị giá

Trên thị trường, cổ phiếu BAF đã giảm hơn 50% thị giá so với hồi giữa tháng 7/2022.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, BAF ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 240,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 156,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm hơn 461 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 741 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, BAF đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt và mở rộng đầu tư.

Được biết, theo dữ liệu iBoard của Chứng khoán SSI, từ năm 2019 tới năm 2021, chưa năm nào BAF có dòng tiền kinh doanh âm vượt 240,6 tỷ đồng. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2019 với giá trị âm hơn 230 tỷ đồng.

Trong báo cáo cập nhập ngành nông nghiệp mới đây, chứng khoán VNDirect cho rằng, khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ giảm bớt trong 2023 nhờ: Giá lợn được kỳ vọng tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2023 nhờ nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và thiếu hụt nguồn cung khi hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn do giá heo giảm trong thời gian gần đây, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.

Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam. VNDirect cho rằng, giá hàng hóa có khả năng giảm trong 2023 do: Lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu lương thực do xung đột đã lắng xuống khi các nước xuất khẩu khác tăng nguồn cung; Ngũ cốc của Ukraine đã được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này; và giá phân bón hạ nhiệt, góp phần thúc đẩy sản lượng thu hoạch nhờ tăng năng suất cây trồng.

Do đó, VNDirect nhận định, chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần vào năm 2023. Đồng thời,  kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ thịt tăng 10-15% so với cùng kỳ trong quý IV/2022 do đây là mùa tiêu thụ cao điểm khi Tết Nguyên đán đến gần.

“Chúng tôi cho rằng các nhà sản xuất thịt sẽ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tích cực trong 2023. Trong đó, chúng tôi dự phóng doanh thu thuần của DBC và BAF sẽ tăng lần lượt 3,5% svck và 18,0% so với cùng kỳ trong năm 2023. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi đầu vào giảm và giá bán lợn hơi tăng nhẹ, chúng tôi dự phóng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ cải thiện trong năm 2023 như DBC, MML, HAG, BAF”, chuyên gia của VNDirect nhận định.

Mặc dù vậy, chuyên gia của VNDirect cũng chỉ ra những rủi ro ngành chăn nuôi có thể sẽ phải đối mặt như: Căng thẳng kéo dài giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động vận tải trên Biển Đen có thể gây áp lực tăng giá ngũ cốc toàn cầu.

Bên cạnh đó, do khoảng 80% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu nên tỷ giá USD/VND tăng sẽ kéo theo giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng.

Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn vào năm 2023. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 53 ổ dịch tại 53 huyện. Tổng số lợn mắc bệnh là 3.164 con, tổng số lợn chết là 3.259 con. Trong bối cảnh vắc xin chưa cho kết quả tích cực cụ thể, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm giảm nguồn cung lợn.

Có thể bạn quan tâm

  • Thịt nhân tạo và tương lai của ngành chăn nuôi VIệt Nam: Kỳ 3 - Giải bài toán chăn nuôi bền vững

    Thịt nhân tạo và tương lai của ngành chăn nuôi VIệt Nam: Kỳ 3 - Giải bài toán chăn nuôi bền vững

    02:05, 30/11/2022

  • Thịt nhân tạo và tương lai của ngành chăn nuôi Việt Nam: Kỳ II - “Thách đố” ngành chăn nuôi

    Thịt nhân tạo và tương lai của ngành chăn nuôi Việt Nam: Kỳ II - “Thách đố” ngành chăn nuôi

    05:00, 22/11/2022

  • Thịt nhân tạo và tương lai của ngành chăn nuôi Việt Nam: Kỳ 1 - Cuộc cách mạng của “thịt”

    Thịt nhân tạo và tương lai của ngành chăn nuôi Việt Nam: Kỳ 1 - Cuộc cách mạng của “thịt”

    03:00, 19/11/2022

  • Hợp tác, đầu tư cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi, thủy sản

    Hợp tác, đầu tư cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi, thủy sản

    04:00, 15/09/2022

  • “Cứu nguy” ngành chăn nuôi: Doanh nghiệp đề xuất xây dựng vùng chăn nuôi công nghiệp

    “Cứu nguy” ngành chăn nuôi: Doanh nghiệp đề xuất xây dựng vùng chăn nuôi công nghiệp

    00:12, 01/11/2021

ĐÌNH ĐẠI