“Lối thoát” cho CII
Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, mảng BOT được kỳ vọng sẽ giúp Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) thoát khó.
>> Thế kẹt ở CII
Trong năm 2023, CII đặt mục tiêu doanh thu 5.155 tỷ đồng và lãi ròng 469 tỷ đồng, giảm lần lượt 10,4% và gần 36% so với năm 2022.
Thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, CII đạt doanh thu 1.865,2 tỷ đồng, tăng hơn 192% so với cùng kỳ và lãi ròng gần 44 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ gần 368 tỷ đồng.
Luỹ kế năm 2022, CII đạt doanh thu hơn 5.755 tỷ đồng, tăng hơn 101% so với cùng kỳ và lãi ròng 896 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ hơn 242 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong năm 2022, lợi nhuận cốt lõi ghi nhận lỗ lên tới hơn 557 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ hơn 1.149 tỷ đồng. CII chỉ thoát lỗ nhờ ghi nhận doanh thu tài chính hơn 1.529 tỷ đồng, bao gồm lãi thoái vốn công ty con và chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính; tiền gửi và trái phiếu…
Trong năm 2022, CII đặt kế hoạch doanh thu 8.010 tỷ đồng và lãi ròng cổ đông công ty mẹ là 756 tỷ đồng. Kết thúc năm 2022, CII không hoàn thành kế hoạch đã đề ra.
Áp lực trái phiếu đáo hạn
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của CII giảm 7,4% so với đầu năm, xuống 28.595,6 tỷ đồng. Ngoài ra, tính tới thời điểm này, tổng nợ vay của CII là 20.264 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu.
Theo thuyết minh lịch thanh toán nợ vay và trái phiếu, trong 1 năm CII phải thanh toán 3.585,9 tỷ đồng (tổng tiền mặt còn lại 915,6 tỷ đồng); trong năm thứ hai là 2.553,8 tỷ đồng; từ năm thứ ba đến năm thứ năm là 2.768,4 tỷ đồng; và sau năm năm là 4.120,8 tỷ đồng.
469 tỷ đồng là kế hoạch lãi ròng của CII trong năm 2023, giảm gần 36% so với thực hiện năm 2022.
Trong đó, riêng lịch thanh toán trái phiếu trong vòng 1 năm của CII là 3.161 tỷ đồng, trong năm thứ hai là 1.590 tỷ đồng, từ năm thứ ba đến năm thứ năm là 372,3 tỷ đồng, và sau 5 năm là 1.150 tỷ đồng. Điều này cho thấy áp lực trả nợ vay và thanh toán trái phiếu đè nặng lên doanh nghiệp này.
>>"Rã băng" trái phiếu bất động sản
Lực đỡ từ BOT
Trước tình hình khó khăn mảng bất động sản (BĐS), CII đang trông chờ vào mảng thu phi BOT. Đây được kỳ vọng sẽ là “phao cứu sinh” cho CII.
Thu phí BOT chiếm 25% tổng doanh thu của CII nhưng mang về đến hơn 900 tỷ đồng lợi nhuận gộp năm 2022. Doanh thu thấp hơn nhưng mảng này có biên lãi gộp cao, khoảng 63%. Trung bình mỗi ngày, CII có gần 2,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp từ hoạt động thu phí giao thông. Được biết năm 2022, CII khởi động lại việc thu phí dự án BOT Xa lộ Hà Nội và bắt đầu thu phí hoàn vốn dự án cao tốc Mỹ Thuận - Trung Lương.
Thao Ban Lãnh đạo CII, các dự án BOT Xa lộ Hà Nội và cao ốc văn phòng trên đường Điện Biên Phủ đi vào khai thác đã đem lại dòng tiền lớn cho công ty, giúp cải thiện sức khỏe tài chính và khả năng trả nợ. Riêng cao tốc Mỹ Thuận - Trung Lương, theo VCSC, dự án này sẽ giúp củng cố tình hình tài chính trung hạn của CII với tổng dòng tiền hàng năm đạt khoảng 1.400 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025.
Theo ước tính, sau khi hoàn thành việc khai thác hoàn vốn và được chuyển giao cho cơ quan Nhà nước, tổng doanh thu của tất cả dự án BOT đạt gần 65.281 tỷ đồng. Theo đó, CII ưu tiên thực hiện các khoản nộp ngân sách, duy tu sửa chữa các tuyến đường thuộc dự án BOT, chi trả các khoản phí quản lý thu, trả lãi vay ngân hàng, hoàn trả nợ gốc cho các ngân hàng và hoàn vốn các bên tham gia đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Xử lý “bế tắc” dự án BOT: “Nhận diện” nhà đầu tư
01:00, 25/12/2022
Giải quyết dứt điểm 8 dự án BOT: Công bằng cho từng dự án
11:00, 10/11/2022
TP.HCM: Chính thức dừng dự án BOT Võ Văn Kiệt nối cao tốc TP.HCM – Trung Lương
22:03, 01/07/2022
Thêm dự án BOT và sân bay triển khai thu phí không dừng
00:58, 29/08/2022
Xoay vốn cho các dự án BOT
04:18, 29/05/2022
Thu phí tự động không dừng tại TP.HCM: "Tối hậu thư" cho các dự án BOT
01:00, 28/05/2022