Hậu kiểm toán, lợi nhuận của Dabaco “bốc hơi” 97% do đâu?
Sau kiểm toán, lợi nhuận của "ông lớn" ngành chăn nuôi Dabaco đã “bốc hơi” gần 145 tỷ đồng, tương đương giảm đến 97%, chỉ còn hơn 5 tỷ đồng so với 150 tỷ đồng tại báo cáo tài chính tự lập trước đó.
>>>Thị giá và lợi nhuận giảm sâu, Chủ tịch Dabaco giảm sở hữu cổ phần
Cụ thể, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 vừa công bố, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn 700 tỷ đồng, tương đương với giảm 6% so với báo cáo tự lập, xuống mức 11.558 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của “ông lớn” ngành chăn nuôi này giảm 18%, xuống còn 960 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với lợi nhuận sau thuế của DBC chỉ còn hơn 5 tỷ đồng, “bốc hơi” đến 97%, tương ứng với giảm gần 145 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập trước đó.
Theo giải trình từ doanh nghiệp, lợi nhuận sụt giảm sau kiểm toán là do có sự thay đổi về các qui định của pháp luật liên quan đến thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng đưa vào sử dụng. Công ty đã thực hiện việc điều chỉnh giảm doanh thu và giảm lợi nhuận của hoạt động kinh doanh bất động sản trên Báo cáo tài chính của Công ty mẹ.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chiến tranh Nga – Ukraine, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu... Ngành chăn nuôi cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển... tăng mạnh, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi chậm, giá bán thấp khiến người chăn nuôi thu hẹp hoặc dừng sản xuất, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong Tập đoàn.
Lãnh đạo DBC cũng cho rằng, mặc dù hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu với chuỗi giá trị khép kín, nhưng Tập đoàn và các đơn vị thành viên cũng không tránh được những tác động tiêu cực từ tình hình dịch bệnh và khó khăn của nền kinh tế, tài chính, tiền tệ, dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2022 không đạt kế hoạch đề ra.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vừa công bố, DBC đặt chỉ tiêu doanh thu năm 2023 đạt 24.562 tỷ đồng, tăng trưởng 11%; Kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 569 tỷ đồng, gấp 109 lần so với lợi nhuận thực hiện được của năm 2022.
Lãnh đạo DBC đánh giá, năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột Nga- Ukraine và việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu…
Do đó, tình hình kinh tế trong nước cũng không nằm ngoài quỹ đạo, thậm chí nền kinh tế còn dễ bị tổn thương do nguyên vật liệu sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, khó khăn về nguồn vốn kinh doanh, chi phí logistics quá cao..., sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn của giai đoạn phục hồi.
Trong bối cảnh đó, DBC xác định tiếp tục thực hiện mục tiêu chiến lược là Phát triển mạnh mẽ lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín 3F (Feed – Farm – Food); đồng thời tận dụng các cơ hội từ lĩnh vực khác để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo tiêu chí tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Về kế hoạch đầu tư và xây dựng cơ bản, DBC sẽ tập trung phát triển mở rộng cơ sở sản xuất trong lĩnh vực chính và bổ trợ, đồng thời tích cực tìm kiếm các cơ hội để triển khai các dự án trong lĩnh vực khác nhằm tối đa hóa lợi ích cho Công ty, cổ đông, người lao động.
Rà soát, đầu tư hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng các dự án dở dang gồm: Tòa nhà Parkview City, Khu nhà ở xã hội, Nhà máy sản xuất vắc – xin.... Tích cực triển khai các dự án đã được phê duyệt hoặc đã được thông qua về mặt chủ trương tại ĐHĐCĐ, bao gồm: Đường H2 theo hình thức BT và dự án đối ứng; Khu chăn nuôi tại Quảng Ninh; Nhà máy ép dầu thực vật giai đoạn II...
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và triển khai một số dự án phục vụ cho việc di chuyển địa điểm (nếu cần); các dự án mở rộng qui mô, nâng cao năng lực ngành sản xuất chính gồm thức ăn chăn nuôi, giống gia súc gia cầm và chăn nuôi tập trung, chế biến thực phẩm đáp ứng mục tiêu chiến lược đề ra.
Để hoàn thành được kế hoạch trên, lãnh đạo DBC cũng đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai dứt điểm và đưa vào hoạt động các dự án dở dang nhằm hiện thực hóa hiệu quả đầu tư và tạo nguồn thu phục vụ tái đầu tư và phát triển; Tìm kiếm các nguồn vốn với chi phí hợp lý để đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư dự án và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp quản lý trên nền tảng công nghệ số, chiến lược đa kênh trong tiếp cận sản phẩm và tiêu dùng hàng hoá, đảm bảo phù hợp và hiệu quả đối với mô hình công ty mẹ - con với qui mô hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực và trên phạm vi rộng.
Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế về kỹ thuật, các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D); Tích cực nghiên cứu, cải tiến, đầu tư khoa học công nghệ nhằm tạo ra bộ sản phẩm có chất lượng xuất sắc, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao; khai thác hiệu quả lợi thế của bộ sản phẩm trong chuỗi giá trị khép kín 3F.
Có thể bạn quan tâm
Thị giá và lợi nhuận giảm sâu, Chủ tịch Dabaco giảm sở hữu cổ phần
04:50, 01/11/2022
Thế khó cho Dabaco trong năm 2022
05:00, 03/03/2022
DABACO Group: 25 năm và những kỳ tích
17:16, 30/04/2021
Chủ tịch Nguyễn Như So: “Đưa Dabaco trở thành doanh nghiệp tỉ đô trong thời gian sớm nhất”
15:55, 29/04/2021
Người viết nên "truyện cổ tích" của Dabaco
03:05, 31/03/2021